Mạnh tay xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm

Theo Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (gọi tắt là Hepza), thời gian qua ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của doanh nghiệp chưa cao. Trong 409 doanh nghiệp (DN) bị thanh tra về lĩnh vực môi trường năm 2012, rất nhiều DN vẫn còn vi phạm các quy định về quản lý chất thải rắn nguy hại không đúng quy định, khí thải lò hơi và nước thải xử lý không đạt quy chuẩn cho phép…

Theo Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (gọi tắt là Hepza), thời gian qua ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của doanh nghiệp chưa cao. Trong 409 doanh nghiệp (DN) bị thanh tra về lĩnh vực môi trường năm 2012, rất nhiều DN vẫn còn vi phạm các quy định về quản lý chất thải rắn nguy hại không đúng quy định, khí thải lò hơi và nước thải xử lý không đạt quy chuẩn cho phép… 

Nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ môi trường, trong thời gian tới Hepza sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mạnh. Cụ thể, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhiều lần, giải quyết dứt điểm các DN vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ môi trường; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung cũng như hệ thống đấu nối thoát nước thải sau xử lý cục bộ tại các DN vào hệ thống xử lý nước thải tập trung; phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai lắp đặt thiết bị quan trắc tự động chất lượng nước thải tại cửa xả hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KCX-KCN; buộc các DN đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý khí thải; nâng cao vai trò trách nhiệm của các công ty phát triển hạ tầng KCX, KCN trong việc nắm tình hình và phát hiện DN vi phạm môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các DN trong KCX, KCN.

Mặt khác, Hepza sẽ cử chuyên viên để hướng dẫn quy định mới về lĩnh vực bảo vệ môi trường để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chấp hành tốt hơn Luật Bảo vệ môi trường. Điều đáng nói, năm 2013, Hepza sẽ chính thức thực hiện công khai danh sách các DN vi phạm cũng như biểu dương những DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng và website của ban quản lý. Những thủ đoạn tinh vi, cũng như sự chây ì trong việc khắc phục hậu quả vi phạm của các doanh nghiệp ở các KCX-KCN thời gian qua đã và đang khiến cho chất lượng môi trường sống người dân ngày càng suy giảm. Sức khỏe người dân cũng ngày càng suy kiệt do phải sống chung và tiếp xúc với vô vàn chất ô nhiễm.

Việc công khai danh sách các DN vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và website của Ban quản lý là thực sự cần thiết để giúp cộng đồng có thông tin để giám sát. Đây là giải pháp không mới nhưng đã và đang phát huy những hiệu quả tích từ của nó. Việc công khai những DN đen sẽ gó phần xây dựng nên phản ứng của xã hội mà ở đó dư luận sẽ thực hiện hành động tẩy chay hàng hóa của DN vi phạm môi trường. Từ đó, tác động ngược lại đến nhận thức của lãnh đạo những DN đang chối bỏ trách nhiệm của mình với chính môi trường sống của cộng đồng.

Với những biện pháp mà Hepza đưa ra để bảo vệ môi trường ở các KCX-KCN, nhất là biện pháp công khai danh sách các DN vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và website của Ban quản lý được xem là một trong những biện pháp mạnh tay chấn chỉnh các DN làm ăn thiếu trách nhiệm với môi trường sống của cộng đồng. Hy vọng rằng, với những biện pháp mà Hepza đưa ra trong việc quản lý vấn đề môi trường đối với các DN ở các KCX-KCN sẽ là những liệu pháp mạnh để các doanh nghiệp ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, đem lại một môi trường sống xanh, sạch hơn.

Đình Lý

Tin cùng chuyên mục