Hai con kênh lớn của TPHCM là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã được thành phố đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để nạo vớt rác, cải thiện chất lượng nước, dòng chảy. Thế nhưng, do kinh phí hạn chế, việc đầu tư cải tạo chỉ mới thực hiện nhánh kênh chính. Còn các nhánh kênh phụ kết nối với nhánh chính chưa được thực hiện đồng bộ nên nguy cơ tái ô nhiễm rất cao.
Rác vẫn dày đặc kênh
Khi đi thị sát tại hai con kênh này, chúng tôi nhận thấy thói quen vứt rác của người dân xuống kênh vẫn rất phổ biến.
Công nhân Xí nghiệp Vận chuyển số 3, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị vớt lục bình trên kênh Tân Hóa - Lò. Ảnh: CAO THĂNG.
6 giờ sáng, chiếc ca nô chuyên vớt rác trên hệ thống kênh Tân Hóa - Lò Gốm đón chúng tôi tại khu vực cầu Tân Hóa - Lò Gốm. Trong hơn 1 tiếng di chuyển, chiếc ca nô chỉ có thể đi được vài chục mét cách khu vực chân cầu và liên tục phải dừng lại vì lượng rác quá lớn vây đặc hai bên mạn thuyền. Thậm chí, tài công của chiếc ca nô còn cạp lên được cả một chiếc ghế sô pha. Không xa cách vị trí chân cầu Tân Hóa - Lò Gốm, chúng tôi ghi nhận có nhiều người dân khu vực quận 6 đang đổ những xô nước thải bẩn và quăng bịch rác xuống kênh. Anh Nguyễn Chí Hùng, tài công Xí nghiệp Vận chuyển số 3, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị cho biết, thông thường rác dưới kênh không chỉ là rác sinh hoạt mà đa số là rác thải công nghiệp và đồ nội thất của người dân. Để có thể xử lý những loại rác thải này, người dân phải mất tiền để thuê đơn vị thu gom, chuyên chở, khoảng từ 100 ngàn - 200 ngàn đồng. Do đó, để không phải bị mất tiền, họ thường lợi dụng thời gian vào ban đêm ném thẳng xuống kênh. Trên thực tế, với rác thải nội thất, việc thu gom khá nặng nề và cồng kềnh và phải có những dụng cụ chuyên dụng mới trục vớt được. Tuy nhiên, nó lại không đáng lo ngại bằng rác thải công nghiệp và chất thải nguy hại do các công ty lén lút xả xuống kênh. Điển hình như vào thời điểm tháng 7, có rất nhiều bao hóa chất được ném xuống kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Nhân viên vệ sinh không thể dùng vợt cũng như cần cạp để cẩu lên. Bởi các bao hóa chất có nguy cơ bị rách, hóa chất có thể tràn ra kênh. Do đó, đội công nhân đã phải lặn xuống nước để đưa được lượng hóa chất lên thuyền an toàn. Sau lần vớt rác đó, rất nhiều anh em công nhân đã phải nhập viện điều trị vì bỏng ngứa da. Đó là chưa kể, nước kênh hiện vẫn đặc quánh một màu đen, bốc mùi hôi thối nghiêm trọng. Anh Hải cho chúng tôi biết thêm, dọc theo hệ thống kênh Tân Hóa có rất nhiều cống thoát nước của khu vực dân cư kết nối vào. Thậm chí, tại nhiều miệng cống, nước còn có màu sắc khác nhau như nước thải công nghiệp chưa qua xử lý được các cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư thải ra thông qua hệ thống cống thoát nước sinh hoạt chảy thẳng ra kênh.
Tương tự với tình trạng kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng không khá hơn. Rác thải dày đặc mặt kênh, nhất là khu vực kết nối với rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh. Anh Phan Học Hải, Đội trưởng đội vớt rác, Xí nghiệp Vận chuyển số 3, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô Thị cho biết thêm, vào thời gian cao điểm, công ty có thể vớt đến 20 tấn rác thải/ngày tại khu vực kênh Nhiêu Lộc. Rác gần như vây kín mặt kênh. Ngoài ra, khác với kênh Tân Hóa - Lò Gốm, lượng lục bình phát sinh trên kênh Nhiêu Lộc nhiều hơn. Do đó, khi kết hợp với rác tạo thành những tảng rác lớn trên mặt kênh gây khó khăn rất nhiều cho công tác vớt rác.
Thiếu vai trò cộng đồng, nguy cơ tái ô nhiễm cao
Bảo vệ chất lượng nguồn nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tân Hóa - Lò Gốm là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nếu việc bảo vệ kênh chỉ dừng lại ở việc vớt rác trên hệ thống kênh chính thì hiệu quả chưa cao. Bởi vẫn còn lượng lớn rác thải từ hệ thống nhánh phụ kết nối và dẫn vào nhánh chính. Mặt khác, không thể không phát huy vai trò cộng đồng trong việc cộng đồng trách nhiệm bảo vệ kênh. Trên thực tế, đã có rất nhiều cuộc vận động, tham vấn cộng đồng, nhất là những người dân sống dọc hệ thống kênh. Tuy nhiên, cho đến nay hiệu quả của những việc vận động này vẫn chưa phát huy hiệu quả cần thiết. Điển hình, rất nhiều người dân, nhất là những người dân có nhà ở trên hệ thống kênh rạch như rạch Xuyên Tâm vẫn xả thẳng rác xuống kênh. Chưa hết, lượng lớn người dân nhập cư, sống bằng nghề buôn bán dạo cũng có thói quen xả rác thẳng từ thành cầu xuống. Về phía người dân thành phố vẫn đang duy trì thói quen hủy diệt thủy sản sống trong kênh.
Để có thể cải thiện và bảo vệ công trình môi trường trên địa bàn thành phố, nhất thiết phải có quy chế và lực lượng xử lý những trường hợp xâm hại đến công trình môi trường của thành phố. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, chỉ cần người dân phát hiện và ghi hình lại những người có hành vi vi phạm môi trường và gửi đến cho các cơ quan chức năng, thì người vi phạm sẽ bị phạt. Chi phí phạt có thể trích lại một phần làm phần thưởng cho những người đã tích cực phát hiện hành vi xâm hại các công trình cải tạo môi trường. Phần khác có thể tạo nguồn quỹ đầu tư cho dự án bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư sống dọc kênh. Có thể nói, không thể mãi bảo vệ môi trường với những khẩu hiệu tuyên truyền suông. Đã đến lúc cần phải có những biện pháp chế tài quyết liệt hơn nữa. Có như vậy hàng ngàn tỷ đồng của thành phố đầu tư cải tạo hệ thống kênh rạch không bị trôi theo dòng nước khi nguy cơ tái ô nhiễm đang cận kề.
ÁI VÂN