Mất còn các khu sinh thái miền Trung

Bài 1: Những nét son sinh thái
Mất còn các khu sinh thái miền Trung

Bài 1: Những nét son sinh thái

Thời tiết miền Trung vốn nắng như đổ lửa, mưa tầm tã và triền miên bão lũ. Nhưng tạo hóa cũng rất công bằng khi ban tặng cho miền Trung những kỳ quan thiên nhiên độc đáo với động Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế), Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, Sơn Trà (Đà Nẵng), hồ Phú Ninh hay Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (Quảng Nam)... Tuy nhiên, nhiều khu sinh thái từng kiêu dũng tồn tại bất chấp 2 cuộc chiến tranh dai dẳng khốc liệt hàng thế kỷ qua nhưng chỉ mới 2 thập niên gần đây đã phải lụi tàn trong cơn lốc phát triển du lịch, đô thị hóa...!

Nét thơ mộng ở khu vực cầu tàu Bãi Làng - Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam). Ảnh: NGUYỄN KHÔI

Nét thơ mộng ở khu vực cầu tàu Bãi Làng - Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam). Ảnh: NGUYỄN KHÔI

Quà tặng từ tạo hóa

Nằm ở độ cao từ 1.000m đến 1.450m so với mực nước biển, Khu du lịch sinh thái Bạch Mã (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nổi tiếng với khí hậu mát mẻ và hệ động - thực vật đa dạng phong phú. Vào những năm 30 của thế kỷ trước, khi người Pháp đặt chân tới Bạch Mã, họ đã phát hiện ra một kho tàng di sản thiên nhiên rất phong phú về cả động, thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Đến năm 1991, Bạch Mã được công nhận là Vườn quốc gia với gần 37.500ha. Qua khảo sát, đánh giá của nhiều tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế, Vườn quốc gia Bạch Mã là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của khu vực Đông Dương. Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được hơn 2.147 loài thực vật, 132 loài thú, 358 loài chim, 894 loài côn trùng, 57 loài cá, 52 loài bò sát và lưỡng thê. Đặc biệt, số loài chim chiếm gần 1/3 tổng số loài chim của cả nước.

Nhờ biết bảo tồn và phát huy những giá trị, Cù Lao Chàm ngày càng thu hút du khách. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Nhờ biết bảo tồn và phát huy những giá trị, Cù Lao Chàm ngày càng thu hút du khách. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Cách Bạch Mã hơn 100km về phía Nam, đảo Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) cũng là khu sinh thái với đa dạng sinh học phong phú. Cù Lao Chàm gồm quần thể 8 đảo lớn nhỏ được phân bổ theo hình cánh cung, nằm trên khu vực biển Hội An - Đà Nẵng, có diện tích 15km². Với 8 đảo lớn nhỏ, Cù Lao Chàm “sở hữu” một hệ sinh thái biển và rừng núi phong phú bậc nhất miền Trung như: tảo biển, san hô, động vật thân mềm, động vật giáp xác với gần 1.000 loài sinh vật sinh sống trên các vùng nước quanh đảo, trong đó có 178 loài sinh vật biển; hơn 50 loại cá; 56 loài thân mềm như ốc, ngọc trai; nhiều loài nằm trong Sách đỏ của Việt Nam như khỉ đuôi dài và chim yến. Đặc biệt, Cù Lao Chàm còn có 6 trong số 135 loài san hô sinh sống lần đầu tiên được ghi nhận tại vùng biển Việt Nam. Không những thế, Cù Lao Chàm còn sở hữu Đảo Yến (Hòn Lao) rất có giá trị về kinh tế; rừng ở đây được xếp vào loại rừng đặc dụng hải đảo, có hơn 500 loài thực vật thuộc gần 100 họ bậc cao, nhiều loài cây bản địa có giá trị cao phát triển mạnh.

Với hệ sinh thái đa dạng và  phong phú đó, cách đây 2 năm, ngày 26-5-2009, Ủy ban Điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển (MAB, UNESCO) công nhận Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Từ Cù Lao Chàm đi về phía Tây Nam chừng 70km, Khu di tích lịch sử - danh thắng cấp quốc gia hồ Phú Ninh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) cũng hấp dẫn không kém Bạch Mã và Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, cái độc đáo ở khu sinh thái hồ Phú Ninh là “nửa thiên nhiên, nửa nhân tạo”. Hồ Phú Ninh là công trình thủy lợi lớn nhất miền Trung và lớn thứ nhì Việt Nam (sau hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh) được xây dựng năm 1977 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 1986, có diện tích mặt nước 3.433ha, 23.000ha rừng phòng hộ, hồ có sức chứa 344 triệu m³ nước. Trong lòng hồ có 38 hòn đảo lớn nhỏ và một vùng rừng phòng hộ rộng lớn bao bọc xung quanh. Độc đáo hơn cả, giữa lòng hồ có một đảo nhỏ với rừng cây rậm rạp có rất nhiều khỉ nên người dân gọi nơi đây là đảo Khỉ.

Thiên đường du lịch sinh thái

Hàng chục năm qua, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhiều địa phương đã đánh đổi sinh thái, rừng, biển… để phát triển. Trong khi đó, Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung tuy còn nghèo, kinh tế khó khăn nhưng họ đã ý thức được việc bảo vệ Cù Lao Chàm như bảo vệ lá phổi của chính mình. Và đến nay, Cù Lao Chàm dường như còn vẹn nguyên, sở hữu Đảo Yến vô cùng quý hiếm cũng như sở hữu sự đa dạng sinh học tại vùng biển đảo và rừng tại đây. Chính vì vậy, trong cơn lốc quy hoạch đô thị, Cù Lao Chàm dường như “đứng bên lề” và thực sự trở thành “thiên đường” du lịch sinh thái. Đến với Cù Lao Chàm là về với thiên nhiên, có rừng có núi, có biển, có suối…

Đối với Vườn quốc gia Bạch Mã, chính quyền địa phương đã biết phát huy thế mạnh để biến thành khu du lịch sinh thái độc đáo, nơi nghỉ mát và tham quan lý tưởng của khách du lịch trong nước và quốc tế. Đến Bạch Mã để thả hồn vào khoảng không yên tĩnh với núi rừng, để tắm suối, nghe chim hót, thưởng thức các loài hoa khoe sắc giữa chốn rừng già... Phát huy thế mạnh đó, năm 2007, Trung tâm Du lịch sinh thái Bạch Mã đã xây dựng các đường mòn có diễn giải thiên nhiên và hai tour mới: “Gọi chim trời” và “Thế giới hoang dã về đêm”, rất hấp lực đối với du khách trong nước và quốc tế.

Nếu như Bạch Mã và Cù Lao Chàm đã và đang được bảo tồn và phát huy những giá trị thì khu di tích lịch sử - danh thắng cấp quốc gia hồ Phú Ninh vẫn “ngủ quên” trong giấc ngủ say. Sở hữu một khu sinh thái độc đáo, đặc biệt có suối nước nóng nhưng do chưa được đầu tư đúng mức khiến tiềm năng bị bỏ phí, hồ Phú Ninh đến nay mới chỉ dừng lại ở công năng làm hồ chứa nước thủy lợi phục vụ nông nghiệp, trong khi tiềm năng du lịch vẫn chưa được khai thác đúng mức.

Hầu hết các khu sinh thái tại miền Trung đều rất độc đáo, đa dạng và phong phú như nhau, nhưng mỗi nơi lại có một cách “đối xử” khác nhau của người dân và chính quyền địa phương. Vì vậy, trước khi khai thác, tác động vào một khu sinh thái cần đặt vấn đề bảo tồn lên hàng đầu để không bao giờ hối hận.

Khôi – P.Lê – K.Thủy

Khe Nước Trong thành khu bảo tồn

UBND tỉnh Quảng Bình vừa phê duyệt luận chứng khoa học thành lập Khu bảo tồn Khe Nước Trong có diện tích 19.188ha, nằm ở đầu nguồn sông Kiến Giang và sông Long Đại.

Theo ghi nhận của các nhà khoa học, tại đây có 987 loài thực vật thuộc 539 chi, 141 họ, trong đó có 163 loài đặc hữu, 54 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 26 loài trong Sách đỏ thế giới. Về động vật, Khu bảo tồn thiên nhiên này có 241 loài động vật thuộc 77 họ, 21 bộ, trong đó có 41 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 29 loài nằm trong Danh mục đỏ thế giới.

Các nhà khoa học khi khảo sát vùng rừng này đã đánh giá những loài như thỏ vằn Trường Sơn, gà so, sao la, khướu mỏ dài hiện đang tồn tại với cá thể phong phú tại khu vực rừng già này.

M.Phong


Bài 2: Hủy diệt hệ sinh thái

Những hệ sinh thái miền Trung đang sở hữu có rất nhiều loài động thực vật quý hiếm, trong đó có gần chục loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Sự thờ ơ của con người cùng với “cơn lốc” đô thị hóa, phát triển du lịch thiếu bền vững đã và đang đẩy những khu bảo tồn thiên nhiên hiếm hoi này đến nguy cơ xóa sổ.

  • Lấn át thiên nhiên

Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Đà Nẵng) có trên 3.700ha rừng và đất lâm nghiệp với gần 1.000 loài thực vật (trong đó có 22 loài thực vật quý hiếm), 287 loài động vật (có 15 loài động vật quý hiếm) và nhiều cây thuốc quý.

Đây còn là khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng và phong phú, được bảo vệ theo chế độ rừng cấm quốc gia, nổi tiếng có thảm thực vật đặc sắc với nhiều loại thú rừng quý hiếm như hươu, nai, khỉ, vượn, đười ươi, gà mặt đỏ… Đặc biệt, nơi đây còn có loài voọc chà vá đặc hữu sinh sống. Trên thế giới chỉ có Sơn Trà và các khu rừng ở Lào; trong đó, tại Sơn Trà chiếm đến 80% cá thể. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng đặc biệt của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đối với hệ động thực vật của Việt Nam và thế giới.

Nếu như 10 năm trước, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà xanh mơn mỡn, cả bán đảo là một khu rừng hoang dã, rất ít người lui tới, còn bây giờ nơi đây như một đại công trình. Núi bị cày xới nham nhở, hàng chục khu biệt thự, khu du lịch thi nhau xây dựng ngay trong khu rừng cấm. Những tuyến đường dài hàng chục kilômét được mở rộng; xe ủi, xe tải ngày đêm chạy ầm ầm, bóp còi inh ỏi. Đó là những gì đang diễn ra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà khiến không ít người phải lo ngại cho hệ sinh thái nơi đây.

Đường mở rộng, xe ô tô, xe tải ngày đêm chạy ầm ầm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đã gây tác động xấu đến hệ động thực vật nơi đây. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Đường mở rộng, xe ô tô, xe tải ngày đêm chạy ầm ầm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đã gây tác động xấu đến hệ động thực vật nơi đây. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Theo Hạt Kiểm lâm Sơn Trà, từ năm 2003 đến nay hạt đã giao 840ha đất cho UBND TP Đà Nẵng và TP cấp cho 15 dự án đầu tư về du lịch trong khu vực rừng Sơn Trà. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khu vực sinh sống của các loài động vật ở đây bị thu hẹp lại. Ông Lê Văn Nhì, Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm Sơn Trà, thừa nhận: “Một khi có sự xuất hiện của con người, máy móc thiết bị thì chắc chắn hệ động thực vật ở đây bị ảnh hưởng”.

Cũng trên địa bàn Đà Nẵng, rừng Bà Nà rộng gần 10.000ha, chót vót có Núi Chúa ở độ cao 1.487m so với mực nước biển. Ngày trước, các loài động vật trên núi còn xuống tận đồng bằng kiếm ăn, nhưng giờ hầu như vắng bóng.

Ông Nguyễn Chưa, cán bộ lâm nghiệp xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) kể rằng, hơn 30 năm trước, hồi còn trực du kích xã, ông thấy hổ xuất hiện ở thôn Mỹ Sơn. Lần đó, thấy có cái bóng loáng thoáng từ xa, ông tưởng người, dựng xe đạp lại, cúi xuống lượm cục đá thủ thế. Lát sau, một “ông ba mươi” từ bụi rậm lừng lững bước ra, ông đứng chết trân tại chỗ. Nhưng rồi, vị “chúa sơn lâm” đảo mắt nhìn quanh rồi bỏ đi. Ông chạy một hơi về nhà, mặt cắt không còn giọt máu. Giờ đây, hổ thì không còn; các loài động vật khác như nai, mang… đã lánh vô rừng sâu, thậm chí di cư sang các khu rừng của Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế để sinh tồn.

Trong khi đó, việc xây dựng đường xuyên Á chạy qua vùng lõi rừng Khe Nét (Tuyên Hóa, Quảng Bình) đã vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho “lâm tặc” vào phá rừng, làm hệ sinh thái ở đây bị uy hiếp nghiêm trọng.

Mỗi năm, kiểm lâm Tuyên Hóa bắt giữ gần 1.000m³ gỗ lậu, đa số nguồn gốc từ Khe Nét. Ngoài ra, người dân quanh vùng còn tổ chức từng đoàn vào rừng từ 5 - 10 ngày để bẫy chim với mục đích thương mại. Hôm chúng tôi vào Khe Nét đã thấy hàng chục bẫy chim giăng mắc trong rừng, những con chim bị bẫy cố giẫy thoát thật thảm thương. Các loài linh trưởng cũng bị ráo riết săn bắt để nấu cao.

  • Đừng để quá muộn

Thực trạng là vậy, nhưng với sự thờ ơ của các cấp, ngành đã và đang tiếp tục đẩy những khu bảo tồn thiên nhiên, những “bảo tàng” sinh học đến nguy cơ bị xóa sổ.

Các nhà khoa học từ Viện Điều tra quy hoạch rừng FIBI (Việt Nam) cách đây 2 năm đã hoàn thành luận chứng khoa học về 22.000ha rừng mưa nhiệt đới Khe Nét, xác định ở đây có 703 loài thực vật bậc cao có mạch, 280 loài động vật có xương sống ở cạn. Trong số đó, có 39 loài thực vật, 58 loài động vật quý hiếm đang bị đe dọa ở mức quốc gia và toàn cầu như các loại thực vật lát hoa, sến mật, trai lý, kim giao Trung bộ… và các loài động vật quý hiếm: mang lớn, voọc Hà Tĩnh, gấu, chà vá chân nâu, gà lôi lam đuôi trắng…

Với những giá trị trên, Khe Nét đã được đề xuất là khu bảo tồn thiên nhiên trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam nhưng đến nay, Khe Nét vẫn chưa được lập thành khu bảo tồn. Điều này đồng nghĩa với việc Khe Nét tiếp tục bị thả nổi và “chảy máu”.

Trở lại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc bảo vệ những loài động thực vật trước sự xâm lấn của con người thì ông Lê Văn Nhì cho rằng, hiện Sở KH-CN đang phối hợp với Sở NN-PTNN TP nghiên cứu triển khai làm cầu cây xanh để loài linh trưởng có thể đi lại trên cao.

Theo đó, sẽ trồng các cây cao thành từng cặp đối xứng nhau qua các đường giao thông để chúng khép tán tạo thành cầu. Đối với các khu biệt thự, khu du lịch xây dựng ngay trong khu bảo tồn, ông Nhì nói: “Việc này của thành phố. Thành phố cho phép ai xây dựng thì chúng tôi giao đất, ngoài ra không biết gì hết. Lãnh đạo thành phố chắc tính toán rồi nên không sai gì đâu” (!?).

Nếu nói như vậy thì quả là một sự vô trách nhiệm đến khó hiểu. Bởi với trách nhiệm được giao quản lý khu bảo tồn thiên nhiên hết sức quan trọng này, nhưng Hạt Kiểm lâm Sơn Trà lại không có bất cứ tham mưu hay động thái nào để bảo vệ hệ sinh thái nơi đây trước tình trạng xâm hại của con người.

Nhiều người cho rằng, nếu tiếp tục đà phát triển ào ạt các khu biệt thự, khu du lịch trên bán đảo Sơn Trà như hiện nay thì không bao lâu nữa các loài động vật ở đây sẽ biến mất. Do đặc thù của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà nằm biệt lập, 3 mặt giáp với biển Đông, phía Tây giáp với TP Đà Nẵng, nên một khi môi trường sống bị thu hẹp, các loài động vật nơi đây chỉ còn cách bơi ra biển hoặc chạy xuống phố (!).

Khu vực Sơn Trà được Tổ chức Bảo tồn voọc chà vá quốc tế (DLF) đặc biệt quan tâm và đã có những nghiên cứu chuyên nghiệp về loài voọc chà vá ở đây và đưa ra khuyến cáo cần bảo vệ nghiêm ngặt loài động vật quý hiếm này. Trong đó, DLF đặc biệt lưu ý đến việc cần có biện pháp chấm dứt tình trạng con người xâm chiếm đến những khu vực sinh sống của voọc chà vá. Thế nhưng, với những gì đã và đang diễn ra tại đây, xem ra khuyến cáo này chưa được các cấp, ngành ở Đà Nẵng quan tâm.

NGUYỄN HÙNG – MINH PHONG


Bài 3: Phục hồi trước khi khai thác

Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) bật lên như viên ngọc quý về việc giữ gìn hệ sinh thái và ngành du lịch đang khai thác thận trọng. Dọc dài miền Trung cũng đang có những nỗ lực bảo vệ tương tự để con người được hưởng lợi từ các hệ sinh thái tự nhiên...

  • Tầm nhìn xa

Những năm 90 của thế kỷ 20, Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB) chỉ là cái tên bình thường trên địa đồ rừng núi, ít người quan tâm. Muốn đến địa danh này, phải mất hơn một ngày vừa lội bộ vừa xin quá giang xe tải. Thời đó, Quảng Bình có một câu chuyện mà nhiều cựu lãnh đạo còn kể. Và họ tin rằng, việc họ làm là đúng để con cháu sau này phát triển. Khi chia tách địa giới cũ từ Bình Trị Thiên, Quảng Bình chật vật với các kế sách sinh nhai. Có được trữ lượng đá vôi khổng lồ, một tập đoàn đa quốc gia ở châu Âu đặt vấn đề xây dựng nhà máy xi măng 10 triệu tấn ở ngay cửa ngõ PN-KB bởi chất lượng đá vôi tinh khiết nhất thế giới, rất tốt cho làm xi măng, và nếu nhà máy đi vào vận hành, xi măng ở PN-KB sẽ nổi tiếng toàn cầu. Một cơ hội rất lớn với Quảng Bình về tỷ trọng kinh tế.

Du khách nước ngoài rất thích lặn biển, ngắm san hô tại Cù Lao Chàm, Hội An. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Du khách nước ngoài rất thích lặn biển, ngắm san hô tại Cù Lao Chàm, Hội An. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Nhưng các cấp tham mưu đã can gián, các nhà sinh học lên tiếng phản biện. Bởi nếu xây dựng nhà máy xi măng 10 triệu tấn, PN-KB sẽ biến mất với tất cả sự bí ẩn bên trong chưa được nhiều người biết đến. Một vị lãnh đạo Quảng Bình đã lắng nghe, nay ông không chịu nêu tên, nhưng theo ông, đó là quyết định rất khó khăn. Sau nhiều tháng trăn trở, ông quyết định giữ lại vùng núi đá vôi, khước từ nhà máy xi măng, lúc đó ít người hiểu ông, thậm chí ca thán vì bội tín với phát triển kinh tế. Sau gần 20 năm, người ta mới đánh giá đúng quyết định đó. Nếu không, với tốc độ 10 triệu tấn xi măng mỗi năm, không ai biết PN-KB đến hôm nay còn lại cái gì.

Chính vì giữ lại mà thế giới phát hiện nhiều loài động thực vật mới tại đây. Và hệ thống địa mạo địa chất thế giới lại có động Thiên Đường lộng lẫy với 31,4km, rồi hang động Sơn Đoòng được Đài BBC vinh danh đẹp nhất thế giới, lớn nhất thế giới.

Trên biển Quảng Nam, quần thể Cù Lao Chàm với 8 đảo lớn nhỏ là một hình mẫu khác về cách đối xử của chính quyền địa phương với hệ sinh thái đảo và biển. Du lịch ở đây không tiếp nhận các dự án đầu tư lớn với các khối nhà mọc lên đồ sộ. Hội An là nơi đầu tiên vận động người dân không sử dụng túi ni lông trên đảo. Các nhà điều hành du lịch cũng ý thức rõ bảo vệ khu sinh thái độc đáo này bằng cách khuyến khích du khách ở nhà dân và ngủ lều bên bờ biển. Chính việc làm đó cùng sự ủng hộ của người dân đã đưa lại cho Cù Lao Chàm nổi bật nhất về đa dạng sinh học khu vực miền Trung đối với các khu bảo tồn biển. Và cũng từ nỗ lực đó, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới cách đây 2 năm.

  • Hồi sinh hệ sinh thái bị xâm hại

Các nhà khoa học đánh giá PN-KB đứng đầu cả nước về các vườn quốc gia, khu bảo tồn đa dạng sinh học bậc nhất, như hệ sinh thái sông suối, hệ sinh thái hang động, hệ sinh thái trên núi đá vôi… Trong khuôn khổ bài báo nhỏ, chúng tôi chỉ kể đến câu chuyện về hệ cá sông Chày, từng một thời bị đánh bắt bằng mìn, kích điện… khi PN-KB còn vô danh trên bản đồ bảo vệ rừng. Khu hệ cá sông Chày chỉ kéo dài chừng 10km, nhưng được đánh giá là một trong 5 khu hệ cá quan trọng của di sản PN-KB. Nhà ngư loại học - Tiến sĩ Nguyễn Thái Tự đã phát hiện ở đây có hơn 80 loài cá (trong khi toàn bộ di sản PN-KB có 162 loài) chiếm hơn một nửa. Trong số đó có 2 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam ở mức độ nguy cấp là cá chình hoa (Anguila mamorota) và cá mòi cờ hoa (Clupanodon thrissa). Và cũng chính nơi này, Tiến sĩ Nguyễn Thái Tự và cộng sự đã phát hiện 5 phân loài cá mới cho khoa học, 7/8 loài cá sống trong hang động, có 13 loài cá khác xuất xứ từ biển, di cư vào vùng nước ngọt sinh sống. Có những loài cá đặc hữu, khi xướng tên thấy lạ lẫm vô cùng như: Cá dày (Cyprinus centralus), cá gáy hoa (Cyprinus sp), cá Phong Nha (Chela quangbinhensis) và cá nghét (Hemibagrus vietnamensis). Ở đây còn có loài cua mới do nhà khoa học người Nga L.Deharveng phát hiện với tên khoa học Nemoron nomas. Mẫu vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Động vật Đại học Quốc gia Singapore.

Cả lưu vực sông Chày trước đây, người ta đánh bắt tôm càng, một loài tôm rất ngon bằng kích điện đến gần như tuyệt chủng. Sau những gì các nhà ngư loại học phát hiện, một loạt các khuyến cáo đưa ra từ khắp nơi trên thế giới chuyển về địa phương. Ban quản lý PN-KB quyết định “đóng cửa” sông Chày, cấm đánh bắt. Sau gần 10 năm, sông Chày hoàn toàn hồi sinh. Chỉ riêng loài tôm càng nước ngọt, trước đây họa hoằn lắm mới bắt được 1kg suốt cả ngày. Nhưng sau gần 10 năm hồi phục, tôm càng nước ngọt sinh sôi rất nhiều, từ chỗ muốn ăn tôm càng phải đến mùa mưa dông tháng 3 thì nay tôm càng có mặt suốt. Hiện tại, Ban quản lý vườn đã cho phép người dân đánh bắt theo cách truyền thống. Họ dùng các loại đúm, đặt thín vào, sau đó thả xuống lòng sông trong đêm, hôm sau lấy tôm về bán. Cách đánh bắt đó vừa tạo điều kiện cho tôm sinh trưởng tốt, vừa tạo ra thu nhập ổn định cho cư dân bản địa.

Hệ sinh thái sông Chày hồi sinh cả ở hai bên bờ và chính lòng sông đã tạo tiền đề cho một tuyến du lịch mới đang chuẩn bị khai thác, tuyến thăm hang Tối - sông Chày. Du khách có thể ngắm sông Chày với những đàn tôm đi ăn mờ sáng đông đúc nếu bắt gặp đúng dịp.

Đặc biệt dòng cá chình cờ hoa và cá mòi cờ hoa lại tăng lên rất nhiều. Một lâm tặc từng bỏ nghề đi rừng tin rằng: “10 năm trước đi phá rừng cũng bị phạt. Đánh cá bằng chích điện cũng bị phạt. Tưởng không tìm được lối thoát mưu sinh. Nhưng chục năm sau, cá tôm sinh sôi, đánh bắt bằng thủ công cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng mỗi ngày. Có được nguồn lợi như thế phải cảm ơn cán bộ nghĩ xa trông rộng”.

  • Phát triển bền vững

Tại Đà Nẵng, giới chuyên môn đánh giá rừng là nguồn gen vô tận của con người, nơi cư trú của các loài động, thực vật quý hiếm và độ che phủ rừng là một chỉ tiêu an ninh môi trường quan trọng. Ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, cho biết độ che phủ rừng hiện nay của Đà Nẵng là 38,8%, cao nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, việc giữ màu xanh núi rừng đã được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang có những tiến bộ tích cực trong việc bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh khu đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Các khu bảo vệ giống loài thủy sinh đã hình thành như Cồn Chìm (xã Vinh Phú, Phú Vang) diện tích 23,6 ha; khu Cồn Cát (xã Điền Hải, Phong Điền) diện tích 17,7 ha; khu Doi Chỏi (Phú Diên, Phú Vang) 30,4 ha, khu Đập Tây - Chùa Ma (Vinh Giang, Phú Lộc) với diện tích 30 ha. Mới đây, vào giữa tháng 5-2011, hai khu bảo vệ thủy sản Hòn Núi Quện (xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc) và khu bảo vệ thủy sản Vũng Mệ (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) với diện tích 40 ha ra đời đã mở rộng mạng lưới các khu bảo vệ đầm phá. Bước đầu, các khu bảo vệ thủy sản ngăn chặn được việc đánh bắt mang tính hủy diệt, như dùng xung điện, giã cào...

Với Cù Lao Chàm, ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP Hội An, tâm sự: Chúng tôi đang quy hoạch Cù Lao Chàm trở thành điểm du lịch sinh thái trên phương châm phát triển bền vững. Tạo hóa tặng cho Hội An một khu dự trữ sinh quyển đẹp tuyệt vời, còn con người đã tạo ra một phố cổ Hội An – một Di sản văn hóa đặc sắc. Phố cổ Hội An và Cù Lao Chàm như hai anh em sinh đôi, không thể tách rời. Chính vì thế, chúng tôi sẽ quy hoạch Cù Lao Chàm và phố cổ Hội An thành một quần thể sinh thái – văn hóa mà không nơi nào trên thế giới có được...

Miền Trung đang thật sự dấn thân tích cực vào việc bảo vệ các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước. Đó là cách thức để phát triển bền vững với tự nhiên của cộng đồng địa phương nhằm đảm bảo không gian sống trong tương lai.

M.PHONG - N.KHÔI - N.HÙNG

Tin cùng chuyên mục