Dù ở huyện đảo Phú Quốc hay các đảo xa xôi, quạnh vắng trong vùng biển Tây Nam, người lính với trọng trách đặc biệt, như con mắt của Quân chủng Hải quân vẫn vững vàng ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc. Ngày nắng gay gắt hay đêm mưa mịt mùng, bão dông tầm tã thì họ vẫn ứng trực để quan sát, phát hiện kịp thời mọi di biến động trên vùng biển mà mình được giao nhiệm vụ canh giữ. Những ánh mắt nơi đảo xa ấy, chính là công việc của lính ra đa ở vùng biên hải.
Lính hải quân đang quan sát mục tiêu bằng ống nhòm.
Tắm… lần 2!
Dừng chân giữa dốc Hòn Chuối, đưa tay gạt vội giọt mồ hôi đang ròng ròng chảy xuống mặt, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hòe, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn ra đa 511, Vùng 5 Hải quân, hổn hển nói: “Tình hình như vậy là tốt lắm rồi. Ngày trước gian nan, cực khổ lắm. Nước thiếu là chuyện bình thường, anh em có đủ “chiêu trò” để khắc phục. Ngày đó chúng tôi phải khóa két nước. Sáng dậy, tập hợp anh em đầy đủ, mở két nước. Thủ trưởng tiêu chuẩn như lính, mỗi người 1 lon, tùy nghi sử dụng. Nhưng, thiếu lương thực, thiếu muối căng thẳng lắm. Đó là khi thời tiết xấu, lúc biển động… mấy tháng trời, tàu tiếp tế lương thực không ra được. Mà bộ đội thì đâu phải lo riêng cho đời sống của mình, chúng tôi còn phải nhín dành phần lương thực ít ỏi để tiếp tế cho người dân đang sống trên đảo”. Gần biển sao thiếu muối? Giữa thời bình, kinh tế phát triển, cuộc sống sung túc… ấy vậy mà thiếu muối thì thật khó tin. Nhưng, đó lại là chuyện thật đã từng xảy ra nhiều lần với người lính ra đa hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời Tây Nam của Tổ quốc. “Cái khó ló cái khôn”. Mấy ai biết được, để làm ra muối, anh em phải hì hụi vớt váng vàng trên biển đem phơi. Dù “muối” đó có mùi tanh nồng, nhưng vẫn còn hơn không có!
Hương rừng, gió biển, môi trường trong lành là ghi nhận đầu tiên tại các hòn, các đảo ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Nhưng, so với các đảo thì chắc chắn rằng Hòn Chuối là trong sạch nhất. Bởi lẽ, các con đường trên hòn đảo tươi đẹp này đều là đường mòn. Dốc thẳng đứng cheo leo, đá hộc, đá tảng trải dài, mòn lẳng theo dấu chân người lính đảo. Xe đạp không thể lưu thông thì xe gắn máy là điều xa xỉ. Như một quy luật, nơi nào cao nhất, nơi đó là điểm đóng quân của lính ra đa. Hơn 1 cây số đường gập ghềnh xuyên rừng khộp để đến Trạm ra đa 615 là một trải nghiệm thú vị trong suốt chuyến hải trình đi đến các đảo ở vùng biển Tây Nam. Những tưởng con đường gian nan như vậy thì cơ ngơi Trạm ra đa 615 sẽ xộc xệch, xiêu vẹo như nhà tạm. Nhưng, chúng tôi đã lầm. Vẫn như các doanh trại lính ra đa ở vùng biển Tây Nam, doanh trại Trạm ra đa 615 vẫn uy nghi, khang trang, vững chải trên núi đá… đúng bản chất “Chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Thiếu nước, “bài ca muôn thuở” của người lính ở các trạm ra đa. Và, khắc phục như thế nào thì chỉ có một. Ngoài việc xây dựng đường dẫn nước từ các mái nhà vào bồn nổi, bể ngầm trữ nước vào mùa mưa thì việc sử dụng tiết kiệm nước được xem là giải pháp sống còn. Nước trữ vào mùa mưa chỉ dùng cho nấu nướng, sinh hoạt. Muốn tắm, giặt thì anh em phải xuống… bãi biển. Ngắm nhìn con đường dốc đứng, gập ghềnh hơn 1 cây số ở Hòn Chuối hay dốc thoai thoải dài hơn 3km ở Hòn Khoai, chúng tôi thầm ngán ngẩm. Thiếu úy Trịnh Đình Tâm, sĩ quan thông tin Trạm ra đa 615, tươi cười cho biết: “Chiều chiều anh em xuống bãi tắm. Khi đi lên trạm, mỗi anh em phải “đèo” thêm 1 can nước 20 lít. Leo dốc đến trạm thì mồ hôi tuông xối xả. Thế là anh em lấy nước trong can “rón rén” tắm lại. Anh em gọi là tắm lần 2!”.
Ngày đêm canh giữ biển trời
Dù thiếu nước quanh năm và sống, sinh hoạt trong điều kiện thời tiết khó khăn, nhưng người lính ra đa ở đảo vắng vẫn an tâm công tác. Đêm khuya trên đảo Nam Du, trời mưa gió mịt mùng, nhưng ánh đèn trong phòng máy vẫn sáng tỏ, tiếng gõ nhịp truyền tin vẫn đều đặn vang vang. Trên vọng gác canh, Trung sĩ Lâm Văn Sang, quê ở ấp Vàm Hồ A, xã Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Tôi ra đảo được 2 năm. So với các chú, các anh ngày trước, cuộc sống hôm nay đỡ gian khó hơn nhiều. Đảo Nam Du và các đảo thuộc Vùng 5 Hải quân đã được phủ sóng điện thoại. Và, điều ấy đồng nghĩa với khoảng cách giữa anh em chúng tôi và gia đình, người thân đã rút ngắn lại. Cứ mỗi chiều là nhớ nhà, nhớ buổi cơm cuối ngày với gia đình, cha, mẹ, anh, chị em. Nhớ da diết là vậy, nhưng tôi không dám bật điện thoại gọi về cho gia đình. Trong ca trực, tuyệt đối không được sử dụng điện thoại di động”. Nói rồi, Trung sĩ Sang lại đến bên ống nhòm và dí mắt vào quan sát vòng quanh vùng biển. Trong phòng máy, trên màn hình hiển thị ra đa xoay liên tục. Hàng chục chấm to, chấm nhỏ trên màn hình hiển hiện rất rõ. Cán bộ trực ra đa xoa xoa nút điều khiển đến từng vị trí trên màn hình, rồi bước đến hải đồ đánh dấu và ghi nhanh vào sổ. Thượng tá Hòe, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn ra đa 511, cho biết: “Anh em chúng tôi có nhiệm vụ phải ghi nhận lại tất cả các di biến động của tàu, thuyền trên vùng biển Tây Nam”. Chỉ những điểm sáng trên màn hình, Thượng tá Hòe, nói tiếp: “Các chấm đứng yên là tàu đang neo, đậu. Điểm sáng xa xa đang chuyển động là tàu chở hàng. Chỉ cần theo dõi vài phút, chúng tôi biết hướng di chuyển và vận tốc của tàu. Loại tàu hàng thì họ đã đăng ký hải trình với cơ quan chức năng. Các cơ quan nghiệp vụ đã có sự phối hợp và trao đổi thông tin khá chặt chẽ. Nếu có nghi vấn gì, chúng tôi sẽ tập trung theo dõi và báo cáo để các cơ quan nghiệp vụ có giải pháp xử lý ngay tức thời”. Một ca trực không dài, nhưng việc ghi nhận diễn biến tình hình của vùng biển được phân công phải liên tục dù trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, thời điểm nào kể cả ngày lễ, tết.
Chuẩn đô đốc Doãn Văn Sở, Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, cho biết: “Vùng 5 Hải quân đang quản lý vùng biển có vị trí chiến lược khá quan trọng nên ngoài việc chăm lo đời sống anh em, chúng tôi chú trọng nhiều đến công tác ứng dụng công nghệ mới trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; trong đó có lực lượng ra đa. Đây là thời điểm ra đa đang thực hiện giai đoạn 2 để nâng tầm quan sát, phát hiện”.
ĐOÀN HIỆP