Giảm phiền hà
Đầu tháng 7, ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ phường An Phú Đông, TPHCM đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định khám bệnh được nhân viên bệnh viện hướng dẫn đến ki ốt thông minh đăng ký vân tay, quét CCCD gắn chip để chọn dịch vụ khám, phòng khám và lấy số thứ tự. Chỉ trong khoảng 5 phút ông Hùng đã hoàn thành việc đăng ký vân tay, lấy sổ khám bệnh và thanh toán chi phí trực tuyến mà không cần đến quầy xếp hàng chờ. Mô hình này giúp ông Hùng tiết kiệm rất nhiều thời gian so với quy trình đăng ký khám bệnh thông thường.
Mô hình ki ốt thông minh đăng ký khám chữa bệnh bằng dấu vân tay kết hợp CCCD gắn chip được Bệnh viện Nhân dân Gia Định triển khai là một trong những sáng kiến, mô hình thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.
TS-BS Mai Phan Tường Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, với mô hình này bệnh nhân chỉ cần đăng ký lấy dấu vân tay cho lần đầu. Lần tiếp theo chỉ cần quét vân tay qua máy tiếp nhận ki ốt thông minh là có thể trực tiếp vào thẳng phòng khám mà không cần phải xếp hàng. Qua đó, rút ngắn được thời gian chờ đợi từ 30 phút đến 60 phút, giúp giảm tải áp lực cho khu vực tiếp đón; tăng độ chính xác trong nhận diện người bệnh, giảm sai sót trong nhập liệu.
Bên cạnh mô hình này, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cùng ngành y tế TPHCM đang áp dụng nhiều mô hình triển khai từ Đề án 06 như đăng ký khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip và ứng dụng VNeID; lưu trú tại các bệnh viện; tích hợp Sổ sức khỏe điện tử, Phiếu chuyển cơ sở khám chữa bệnh điện tử, Phiếu hẹn khám lại điện tử trong hồ sơ sức khỏe điện tử trên VNeID; liên thông dữ liệu để thực hiện các dịch vụ công như Giấy chứng sinh, Giấy báo tử, Giấy khám sức khỏe lái xe; Thanh toán không dùng tiền mặt...

Cùng với tiện ích trong khám chữa bệnh, thực hiện Đề án 06, TPHCM phấn đấu là một trong những địa phương dẫn đầu trong chuyển đổi số hành chính. Trong đó sử dụng ứng dụng định danh điện tử VNeID, giúp đơn giản hóa nhiều thủ tục, đồng bộ hệ thống một cửa điện tử với VNeID giảm thiểu thủ tục rườm rà và tránh trùng lặp giấy tờ.
Theo Công an TPHCM, Đề án 06 đã thực sự đi vào cuộc sống người dân, góp phần quan trọng trong việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, nổi bật là ứng dụng Công dân số TPHCM được triển khai từ cuối năm 2024. Hiện nay, người dân chỉ cần ngồi tại nhà, một vài thao tác trên ứng dụng VNeID đã có thể làm xong các TTHC cần thiết như Hộ chiếu, đổi Giấy phép lái xe, cấp phiếu Lý lịch tư pháp; Tra cứu TTHC; đánh giá, góp ý về dịch vụ của cơ quan giải quyết TTHC hay như kiến nghị, phản ánh về an ninh trật tự… mà không phải trực tiếp đến cơ quan chức năng.
Theo dữ liệu của Bộ Công an, tính đến hết tháng 4-2025, lĩnh vực ngân hàng có 113 triệu hồ sơ khách hàng được đối chiếu thông tin sinh trắc học với CCCD gắn chip và qua ứng dụng VNeID; 56 tổ chức tín dụng và 39 tổ chức trung gian thanh toán đã triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chip qua ứng dụng điện thoại; 60 tổ chức tín dụng đã triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chip qua thiết bị tại quầy.
Lĩnh vực y tế đã có 222 cơ sở khám chữa bệnh tham gia thí điểm và đẩy dữ liệu lên hệ thống với tổng cộng hơn 2,2 triệu bệnh án điện tử, gần 77.743 giấy chuyển tuyến điện tử và hơn 4.200 đơn thuốc điện tử được lưu trữ. Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp, toàn quốc đã triển khai giải pháp thu phí không dùng tiền mặt tại hơn 700 điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tĩnh.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính
Từ đầu tháng 7, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, TPHCM cùng cả nước đẩy mạnh tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số. Tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã, mỗi ngày có hàng chục cán bộ, công chức, công an, đoàn thanh niên, lực lượng không chuyên trách túc trực hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện TTHC trực tuyến; cập nhật VNeID mức 2, nộp hồ sơ TTHC trực tuyến qua VNeID…
Thông tin tại buổi khảo sát của đoàn ĐBQH TPHCM sáng 10-7, Trung tá Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Công an phường Đông Hưng Thuận cho biết đơn vị bố trí 5 công an, an ninh cơ sở trực ở Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường để hỗ trợ, hướng dẫn người dân thao tác, thực hiện TTHC công trên ứng dụng VNeID. Đồng thời bố trí cán bộ túc trực 24/24 để cập nhật, điều chỉnh dữ liệu CCCD cho người dân có nhu cầu. Ngoài ra, Công an TPHCM đang triển khai kế hoạch 90 ngày đêm làm sạch dữ liệu hôn nhân và tiến tới cắt giảm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân trên địa bàn TPHCM…
Liên quan tới tiến độ thực hiện Đề án 06, Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành tích hợp 56/76 TTHC thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, các tỉnh, thành chính thức sử dụng dữ liệu đất đai đã được số hóa để giải quyết các TTHC liên quan đến lĩnh vực cư trú; thực hiện chi trả bảo hiểm xã hội qua thẻ ATM cho khoảng 80% số người hưởng, nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp; 700 điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tĩnh trên toàn quốc triển khai giải pháp thu phí không dùng tiền mặt...
Kỷ niệm 80 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ Công an đề xuất giao Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp Bộ Nội vụ, Bộ Công an và các bộ, ngành ban hành kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Mục tiêu đến năm 2027, xác định được 100% thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính và thực hiện xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp ADN...
Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết TTHC, không làm gián đoạn việc tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Có thể điều chỉnh quy trình nghiệp vụ cho phép sử dụng các giấy tờ điện tử tích hợp trên tài khoản định danh điện tử tương đương với giấy tờ giấy khi thực hiện các TTHC, không yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ, phải sao y, công chứng.
Dự kiến trong tháng 8-2025, Bộ Công an sẽ đưa Trung tâm Dữ liệu Quốc gia vào hoạt động và bảo đảm hạ tầng cho việc kết nối, khai thác 114 cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Bộ Công an đề nghị các bộ ngành, UBND các tỉnh căn cứ vào mô hình tổ chức, bộ máy mới để tái cấu trúc quy trình, số hóa quy trình nghiệp vụ, hồ sơ tài liệu, cắt giảm tối đa TTHC…
Trong khi đó, theo đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), hiện nay đơn vị đang thí điểm cổng ký số tập trung trên nền tảng ứng dụng VNeID. Đây là bước tiến quan trọng trong việc số hóa dữ liệu và quy trình TTHC, dịch vụ công cũng như ứng dụng trong tất cả các giao dịch điện tử hiện nay. Việc triển khai thí điểm giải pháp trên góp phần thúc đẩy các giao dịch điện tử an toàn, hiệu quả và minh bạch, từ dịch vụ công, tài chính, thương mại đến y tế, từng bước xây dựng một xã hội số hiện đại, an toàn, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Lấy kết quả thực hiện chuyển đổi số để đánh giá người đứng đầu
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nội vụ năm 2025. Kế hoạch đảm bảo 100% văn bản trao đổi giữa Bộ Nội vụ với các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử và được ký số bởi chữ ký chuyên dùng, trừ các văn bản có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước; cùng với đó đảm bảo tối thiểu 80% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm các thiết bị di động.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng yêu cầu, đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ được tập huấn, bồi dưỡng phổ cập kiến thức, kỹ năng số cơ bản; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công việc; 80% cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ được tập huấn về an toàn thông tin. 80% đối tượng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành được định danh điện tử; thông tin của đối tượng được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu của ngành nội vụ.
Trong kế hoạch trên sẽ lấy kết quả thực hiện chuyển đổi số để đánh giá người đứng đầu. 1 trong 7 nhiệm vụ được đưa ra có nhiệm vụ vận hành cổng dữ liệu mở của ngành nội vụ. Trong đó phát triển dữ liệu số, tiếp nhận dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm “đúng - đủ” được bàn giao từ Tổ công tác Đề án 06 của Bộ Nội vụ để quản lý.