* Mưa lớn kèm nước lũ ở miền Bắc đang dâng cao
* Quảng Ninh thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng do bão, không có thiệt hại về người
Trong khi cơn bão số 2 (Rammasun - Thần sấm) vừa đổ bộ vào đất liền với cường độ mạnh, gây ảnh hưởng và thiệt hại nặng cho khu vực Móng Cái, biên giới Việt - Trung và cả Trung Quốc thì theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thông tin nhanh vào tối qua 19-7, một cơn bão khác có tên Matmo lại đang trên đường hướng vào biển Đông.
Không có thiệt hại về người do chủ động đón bão
Mặc dù sáng qua 19-7, bão Rammasun đổ bộ vào TP Móng Cái - Quảng Ninh và ảnh hưởng tới khu vực biên giới Việt - Trung. Tuy nhiên theo ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh báo cáo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương có mặt tại Ban chỉ huy chống bão tiền phương, do chủ động các phương án phòng tránh bão, di chuyển lồng bè, tàu thuyền và người dân ở các khu vực sạt lở, có nguy cơ bị bão quét về nơi an toàn từ trước khi bão đổ bộ nên đã không có thiệt hại về người.
Thông tin từ ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Thành ủy thành phố Móng Cái cho biết, khi bão đổ bộ, chỉ có 4 người bị thương nhẹ. Trong đó có 1 khách du lịch mở cửa sổ “xem” bão và 3 người dân ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh).
Tuy nhiên, bão số 2 cũng làm thiệt hại nhiều tài sản của dân. Bão đã làm gãy đổ khoảng 100 cây xanh, 67 nhà dân bị tốc mái tôn, ngói và 30 nhà xưởng bị tốc mái tôn, đổ 2 nhà tạm... tại TP Móng Cái. Tại huyện Hải Hà có 50 cây xanh bị đổ, 14 mái nhà fibrôximăng bị tốc, 1 cột anten của Vinaphone bị đổ, không có thiệt hại về người. Tại huyện Tiên Yên có 2 nhà tạm bị sập, 2 nhà bị tốc mái. Tại huyện Bình Liêu chỉ sập đổ một số công trình phụ trong nhà dân. Tại TP Hạ Long, mưa lớn sau bão đã làm sạt lở tại các khu vực xung yếu ở phường Yết Kiêu, Hồng Gai, Bãi Cháy. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã kịp thời sơ tán dân và chỉ đạo khắc phục sự cố. Ngoài ra, theo ghi nhận của PV Báo SGGP, sáng 19-7, tại cảng Cái Rồng - huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, do sóng to, gió mạnh, 1 thuyền của ngư dân bị đánh chìm.
Số liệu tổng hợp của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ninh vào chiều tối 19-7 cho biết, tổng thiệt hại do bão số 2 gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khoảng 2 tỷ đồng. Còn theo thông tin từ Công ty Điện lực tỉnh Quảng Ninh, bão số 2 đã gây mất điện toàn bộ khu vực miền Đông gồm: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên. Tuy nhiên đến chiều và tối qua, cơ bản các khu vực đã được cấp điện trở lại và tiếp tục khắc phục, sửa chữa.
Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ninh cũng xác nhận, hơn 230 khách du lịch trong và ngoài nước quyết định ở lại trên các đảo và khu du lịch biển để “trải nghiệm” bão đã được bảo đảm an toàn. Trong ngày 20-7, sau khi biển lặng, các du khách sẽ sớm được đưa trở về đất liền.
Có mặt tại nơi tâm bão đi qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương Cao Đức Phát đánh giá cao công tác chủ động ứng phó bão số 2 của tỉnh Quảng Ninh và các địa phương. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát lo ngại, sau bão sẽ có mưa to do hoàn lưu bão. Lượng mưa lớn kèm lũ lên có thể gây sạt lở núi, đất đá ở các địa phương miền núi phía Bắc. Do đó, phải khẩn trương triển khai ngay các giải pháp để ứng phó với mưa lũ còn kéo dài 2-3 ngày nữa.
Tiếp tục di dời dân tránh mưa lũ
Trong khi bão số 2 đang đổ bộ, cũng trong sáng qua 19-7, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng chủ trì đã tổ chức cuộc họp chỉ đạo các giải pháp ứng phó mưa lũ lớn sau cơn bão.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cảnh báo: bão số 2 sau khi đổ bộ sẽ tiếp tục đi sâu vào đất liền với cường độ mạnh. Các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái cần đặc biệt đề phòng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất bởi bão vẫn ở cấp 7 và cấp 8, giật cấp 9-10, đồng thời gây mưa rất to. Trong khi đây lại là khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở núi và đất đá. Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng yêu cầu các địa phương nằm trong khu vực được cảnh báo cần khẩn trương triển khai các giải pháp di dời dân khi cần thiết, chủ động thông báo cho người dân để không chủ quan và sẵn sàng phương châm “4 tại chỗ” khi có sự cố xảy ra.
Theo thông tin từ các ban chỉ huy PCLB tỉnh Hà Giang, Cao Bằng... nơi có mưa to đến rất to cho biết, hiện đã sẵn sàng các phương án và địa điểm cần di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tại cuộc họp khẩn vào sáng 19-7, UBND tỉnh Hà Giang đã cho biết, trên địa bàn có thể có mưa từ 100-300mm và đã chỉ đạo sơ tán dân tại các huyện có nguy cơ sạt lở đất cao như Bắc Mê, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Yên Minh, Mèo Vạc... Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Giang cho biết, tại các điểm xung yếu đã cử lực lượng công an, dân quân, bộ đội... trực 24/24 giờ để sơ tán dân và hướng dẫn bà con tránh lũ…
Ông Đỗ Đức Quý, Phó chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB tỉnh Cao Bằng cho biết, các địa điểm có nguy cơ bị sạt lở gồm Nguyên Bình, Bảo Lộc, Bảo Lâm... trên địa bàn cũng đã chuẩn bị các phương án sơ tán bà con đến nơi an toàn.
|
VĂN PHÚC - QUỐC KHÁNH
>> Sáng nay, 19-7, bão Rammasun đổ bộ, miền Bắc mưa to