Người gầy, trẻ em cũng mắc
Trong một lần khám sức khỏe tổng quát theo chế độ của cơ quan, chị V.M.H. (43 tuổi, ngụ quận 2) bất ngờ khi bác sĩ cho biết mình bị máu nhiễm mỡ. Theo chị H, từ trước đến nay, trọng lượng cơ thể của chị luôn duy trì ở mức 43-44 kg, chỉ số thể trọng (BMI) ở mức trung bình, không dư cân và chị hoàn toàn không nghĩ đến mắc máu nhiễm mỡ. Thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tại Việt Nam, hiện có khoảng 29% người trưởng thành bị máu nhiễm mỡ. Ở khu vực thành thị, tỷ lệ này lên đến 44,3%. Đặc biệt, đáng lo ngại nhất là 71% người bệnh không biết mình mắc bệnh cho đến khi đi khám tổng quát và đa số không lường được biến chứng tai hại của bệnh.
Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, tỷ lệ người mắc máu nhiễm mỡ ở Việt Nam tăng nhanh nhất ở độ tuổi 35 - 44. Và xu hướng người mắc bệnh này ngày càng trẻ hóa do thói quen sống tiêu cực như: sử dụng thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, thức ăn nhanh. Đa số người trẻ hiện nay bị cuốn vào lối sống nhanh, hiện đại, vì thế thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo và tinh bột được lựa chọn nhiều hơn.
Thói quen nhậu nhẹt, uống rượu bia khi gặp gỡ bạn bè, người thân cũng là lý do khiến mỡ máu tăng cao. Ngoài ra, người Việt Nam cũng đang dành nhiều thời gian bên các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng thay vì tập thể dục, chơi thể thao. Điều này dẫn đến tình trạng số người dân béo phì, thừa cân tăng cao và đây cũng là nguyên nhân chính gây mỡ máu cao. Cùng với đó, tâm lý chủ quan, ít kiểm tra sức khỏe dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại hơn khi căn bệnh này ngày càng xuất hiện ở người trẻ tuổi, thậm chí là trẻ em; nhất là trẻ bị thừa cân, béo phì. Nghiên cứu của Khoa Dinh dưỡng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (trước đây là Trung tâm Dinh dưỡng) cho thấy, khoảng 20% trẻ em trên địa bàn TPHCM có dấu hiệu mắc bệnh mỡ máu cao. Đây đều là những trẻ có thể trạng thừa cân, béo phì.
Hậu quả khôn lường
Theo các bác sĩ, bệnh mỡ máu thường không có hoặc có ít triệu chứng ban đầu khiến khó phát hiện, làm người bệnh chủ quan. Lâu ngày, các lipid xấu trong máu sẽ tích tụ dần trong các lòng mạch, tạo thành các mảng bám lớn chèn ép lối đi của dòng máu. Điều này cản trở sự lưu thông máu đến các cơ quan, gây ra các hiện tượng như: đau đầu, tê bì chân tay, chóng mặt, đau tức ngực, thở gấp, tim đập nhanh...
Ở những người trẻ tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ, các dấu hiệu của bệnh thường không rõ ràng, khó nhận biết. Đặc biệt, khi các mảng bám lớn xuất hiện ở mạch máu lớn nơi tim, gan, thận sẽ gây tắc nghẽn mạch máu, khiến các cơ quan này ngừng hoạt động, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội Tổng hợp, BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM được xác định mắc rối loạn lipid máu song hành cùng các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch khác gây biến chứng tim mạch nặng nề.
Thống kê của Khoa Nội Tổng hợp, có hơn 90% bệnh nhân nhập viện điều trị kèm theo rối loạn chuyển hóa lipid máu. Bác sĩ K’Hẩu, Phó Trưởng Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp cho biết, chỉ số thành phần mỡ có trong máu vượt quá mức giới hạn dẫn đến rối loạn chức năng chuyển hóa lipid trong máu. Bệnh mỡ máu cao thường trải qua quá trình tác động lâu dài, nếu không kiểm soát tốt có thể ảnh hưởng đến mạch máu gây xơ vữa mạch máu, kèm theo các vấn đề tim mạch gây tai biến mạch máu não, tắc mạch máu não, tắc mạch máu tim...
Để hạn chế mỡ máu cao, người dân cần cân bằng lại khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày, chọn các chất béo lành mạnh hơn. Cụ thể, giảm lượng thức ăn có chất béo bão hòa như mỡ động vật, các thực phẩm chiên (rán), tăng cường thực phẩm giàu axit béo omega-3 có trong các loại cá như cá hồi, cá thu, cá trích và các loại hạt như óc chó, hạnh nhân… Bổ sung thêm chất xơ hòa tan có trong yến mạch, trái cây, rau, đậu... “Bên cạnh đó, người dân cũng nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để cải thiện tình trạng máu nhiễm mỡ, bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia và tích cực giảm cân (nếu bị thừa cân, béo phì), có lối sống lành mạnh, an toàn. Đặc biệt cần lưu ý, lượng cholesterol máu cao thường không biểu hiện triệu chứng nên những người từ sau 20 tuổi nên kiểm tra mỡ máu toàn phần mỗi năm 1 lần và từ sau 50 tuổi nên kiểm tra 6 tháng/1 lần”, bác sĩ K’Hẩu khuyến cáo.
Theo các chuyên gia y tế, trong cơ thể, cholesterol có 2 loại chính, đó là cholesterol xấu (LDL) và cholesterol tốt (HDL). Nếu cơ thể bị tăng LDL, nghĩa là có quá nhiều LDL trong máu, phần dư thừa này cùng với một số chất khác tạo thành mảng bám, tích tụ trên thành động mạch gây nên tình trạng xơ vữa động mạch, lâu dài dẫn tới các bệnh tim mạch. Cholesterol có từ 2 nguồn, trong cơ thể sản xuất ra và từ thức ăn. Cholesterol trong cơ thể được sản xuất ở gan chiếm 80%. Trong thức ăn, cholesterol có nhiều ở thịt, sữa, lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật. Như vậy, cholesterol ở mức nhất định là cần thiết, cơ thể không thể thiếu. Ở người bình thường, hàm lượng cholesterol máu luôn hằng định, chỉ khi tăng quá cao mới gây bệnh và trường hợp này gọi là tăng mỡ máu. |