Mẹ - nhà báo, con - họa sĩ. Cả hai đều giỏi nghề, đều yêu thích nghề, được đời sai vặt, được làm người lon ton...
Mẹ - đam mê lục lọi tâm hồn con người
Gọi chị là nhà báo, chính xác. Gọi chị là nhà văn, rất chính xác. Với nghề báo, Nguyễn Thị Ngọc Hải đã trải qua nhiều cương vị từ phóng viên, biên tập viên, tổng thư ký tòa soạn (Báo Phụ nữ Việt Nam). Hiện ở tuổi thất thập, hàng ngày chị vẫn tất bật với cả ba nghề: làm báo, viết văn và giảng dạy báo chí. Về hưu nhưng không chịu nghỉ hưu, mỗi ngày chị vẫn cặm cụi đi và viết, lên bục giảng rồi lại xuống đứng trang, giữ mục, viết tít mù cho các tờ báo lớn nhỏ.
Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải
“Tôi không có tính cách của một nhà báo hiện đại, nên luôn phải rượt đuổi theo các đồng nghiệp vì nỗi lo mình bị bỏ lại, bị lạc hậu. Chẳng nói đâu xa, mỗi ngày tôi đều phải học hỏi ngay chính các nhà báo trong nhà mình!”. Chị nói thế bởi cả nhà chị đều làm báo, chồng là tổng biên tập một tạp chí; con trai lớn Trần Hà Nguyên là nhà báo, dịch giả (quyển hồi ký Đời tôi - My life của Bill Clinton); con út Trần Hồng Nguyên là họa sĩ trình bày, minh họa báo chí, hiện phụ trách mảng design marketing cho Chicago Children’s Theatre và là họa sĩ Việt Nam gần như duy nhất được mời vẽ minh họa cho tờ thời báo của Mỹ - The New York Times.
“Tôi đam mê lục lọi tâm hồn con người để tìm cho ra vẻ lạ lẫm, âm thầm, dung dị rất riêng họ. Tôi thích nhặt nhạnh vẻ đẹp ấy. Viết chân dung cũng như vẽ, khó nhất là tái hiện được con người với cá tính, tác phong, tâm hồn, ngôn ngữ của họ. Tôi dồn hết tâm sức và cũng chỉ làm được những chớp đèn flash mà thôi”, chị tâm sự.
Chỉ là những chớp lóe của đèn flash, nhưng mỗi ngày của chị đều cặm cụi viết, mỗi năm đều đặn cho ra đời vài trăm bài báo toàn các vấn đề nóng hổi thời sự và rồi còn sách, truyện ký... “Chủ yếu là đơn đặt hàng từ các báo”, chị nói thêm. Nhưng nếu đọc, bạn sẽ thấy đó chính là “đơn đặt hàng từ tâm hồn” chị. Hỏi thành công nhất trong đời chị là gì? Chị cười lớn: “Đó là hai thằng con giỏi và tử tế!”. Và, một trong hai thằng con giỏi đó - Trần Hồng Nguyên.
Con - quyết liệt với công việc sẽ xác định bạn ở đâu
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM, sau một thời gian làm họa sĩ trình bày cho Báo Công an TP, Sài Gòn Tiếp Thị...,Trần Hồng Nguyên quyết liệt theo đuổi đam mê của mình tại Trường Savannah College of Art and Design, Mỹ. Tại đây, Nguyên đã gặt hái nhiều thành công bằng hàng loạt giải thưởng mỹ thuật và được mời vẽ minh họa cho tờ báo hàng đầu nước Mỹ - The New York Times. “Khi còn học cao học ở Savannah, một người thầy đã mời Giám đốc mỹ thuật tờ The New York Times đến gặp gỡ sinh viên. Tôi bèn mang các tác phẩm ra giới thiệu, ngay hôm sau bỗng nhận được điện thoại từ The New York Times đặt hàng vẽ cho số chủ nhật. Tôi còn nhớ đó là tác phẩm Pinboy”, Trần Hồng Nguyên kể.
Con trai Trần Hồng Nguyên
Sau lần cộng tác đầu tiên đó, Nguyên được mời minh họa thường xuyên hơn cho The New York Times, anh cũng tranh thủ tham gia nhiều cuộc thi và giành nhiều giải thưởng danh giá của ngành thiết kế mỹ thuật như Applied Arts Magazine, American Illustration, Society of Publication Designers... trở thành thành viên của Hiệp hội Thiết kế Mỹ (AIGA). “Cả gia đình đều theo ngành báo chí - xuất bản, nên mỗi khi gặp khó khăn, gia đình đều hiểu và động viên tôi bằng nhiều cách. Tôi tâm niệm rằng công việc luôn mang lại niềm vui, nỗi buồn, riêng gia đình thì luôn luôn là niềm vui, sức mạnh. Và nguồn động viên lớn lao, thường xuyên, vô điều kiện luôn đến từ mẹ tôi, một nhà văn, nhà báo, nhà giáo; một người giản dị nhưng sức lao động bền bỉ, bà chính là động lực để tôi phấn đấu”, Hồng Nguyên chia sẻ.
Hiện ngoài công việc chính ở Chicago Children’s Theatre, Nguyên còn vẽ minh họa cho các báo, tạp chí và một số studio trong và ngoài nước. “Tôi sang Mỹ học tiếp vì cảm thấy mình cần tiếp cận cái mới, nhất là không muốn bỏ phí những năm tháng mày mò, rèn luyện ở Việt Nam. Tôi muốn áp dụng những gì đã học vào hình thức mới, bởi thực sự ở trong nước hầu như không nơi nào dạy vẽ minh họa một cách chuyên nghiệp. Thị trường mỹ thuật, nhất là tranh trong nước, theo tôi khá bó buộc và phụ thuộc nhiều yếu tố (thẩm mỹ, môi giới...). Chính vì vậy tôi luôn tìm tòi một hình thức mỹ thuật khác, thực tế và trực quan hơn, đó là minh họa”, Hồng Nguyên nói.
Hỏi Nguyên có thể chia sẻ gì cho sinh viên, nhất là sinh viên ngành mỹ thuật, thiết kế, quảng cáo, anh khiêm tốn: “Hồi còn học ở Đại học Mỹ thuật TPHCM, tôi rất hoang mang, không ý thức được mình học để làm gì, ra trường làm sao kiếm sống... Đam mê rất quan trọng, nhưng tôi nghĩ thực tế còn quan trọng hơn. Vậy nên tôi chỉ dám chia sẻ kinh nghiệm riêng mình ở ngành minh họa, rằng bạn cần mài giũa kỹ năng một cách tốt nhất có thể, vì đây là nền móng phát triển. Tiếp theo, cần nghiên cứu kỹ thị trường, bởi minh họa hay bất cứ ngành nghề gì cũng đều cần nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường mà mình nhắm đến. Kế đến, vì mình làm nghề là để kiếm sống, nên rất cần chú ý đến khách hàng, những người nuôi sống mình. Sau cùng, thái độ quyết liệt với công việc sẽ xác định bạn đang ở đâu”. Hỏi Nguyên, môi trường làm việc tốt như vậy, liệu anh có trở về Việt Nam? Nguyên thật thà: “Có. Tôi là người Việt và quê hương, gia đình luôn là nơi tôi muốn trở về”.
Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải (trái) và con trai Trần Hồng Nguyên. Chị nói chị không dại dột mà học theo đời sống hay lời nói của các vĩ nhân, nhưng chị thích suy ngẫm về câu nói nổi tiếng của nhà văn Mỹ - Jack London: “Tôi muốn chết trong trạng thái kiệt sức”. Bạn bè, đồng nghiệp hỏi sao tôi về hưu lâu rồi mà không chịu nghỉ ngơi, đi chơi cho thoải mái; họ nói tôi có thiếu thốn gì đâu sao cứ làm hoài? Tôi nói vì tôi là “bà lon ton”, là người sai vặt. Khi nào đời không còn sai vặt tôi nữa thì tôi mới hết làm. Càng già tôi càng phải sống gấp bằng cách làm việc nhiều hơn. Khi nào trời còn cho sức khỏe, tôi còn làm. Khi trời hết cho, tôi sẽ về vườn đuổi gà với cháu con”.
SONG PHẠM