Đạo diễn Mỹ Khanh

Mê làm phim ngắn

Mê làm phim ngắn

Tuy không thật nổi tiếng nhưng ở các lĩnh vực đã tham gia - diễn viên, đạo diễn sân khấu, đạo diễn phim ngắn - Mỹ Khanh đều tạo được dấu nhấn đủ để công chúng nhớ đến. Năm 2005 này, chị trở thành một trong số nữ đạo diễn phim truyện ít ỏi của hãng phim TFS với bộ phim “Sương mai” (dài 90 phút), chuẩn bị phát sóng dịp hè tới. Câu chuyện của chúng tôi với Mỹ Khanh bắt đầu từ công việc mới mẻ này của chị.

- Xin chị kể đôi điều về “Sương mai”?

Mê làm phim ngắn ảnh 1

- Nằm trong chùm phim dành cho thiếu nhi của TFS trong năm 2005 nhưng “Sương mai” mượn chuyện trẻ con để nói chuyện người lớn với những mảnh đời, số phận rất đáng suy ngẫm. Chẳng hạn chuyện cô đào hát về già bị nghiện rượu nặng, sống lay lắt dựa vào đứa cháu nội làm nghề bắt cào cào; chuyện người đàn ông luống tuổi làm nghề đào huyệt bị thất nghiệp, tự đào huyệt để khi mình chết thì chôn, không ngờ lại phải chôn con gái bị tai nạn do hàng xóm cưa bom phế liệu... Dù cuộc sống có phần khắc nghiệt song những con người ở một vùng nông thôn ngoại thành trong “Sương mai” vẫn yêu thương nhau, biết tha thứ cho lỗi lầm của nhau.

- Nghe nói, chị triệu tập được một dàn diễn viên đặc biệt tham gia phim “Sương mai”?

- Để tôi kể tên họ xem có đặc biệt không nhé: Nghệ sĩ Mạc Can đóng vai ông già cưa bom nuôi một con sáo biết nói đùa; nghệ sĩ Hồng Sáp vai bà đào hát già nghiện rượu, đồng bóng; nghệ sĩ Công Ninh vai người làm nghề đánh xe ngựa chở đồ buôn lậu, sau khi ra tù làm nghề trồng cỏ và nuôi bò sữa; Kim Ngọc vai chủ quán; nhà thơ Bùi Chí Vinh vai ông đào huyệt thất nghiệp, nát rượu... Các anh chị vào phim diễn xuất tung hứng rất tuyệt. Tôi nghĩ, nhờ dàn diễn viên này mà “Sương mai” sẽ có những mới lạ, hấp dẫn khán giả xem phim.

- Xin hỏi, vì sao chị chuyển sang làm đạo diễn phim truyện?

- Tôi tốt nghiệp khoa Diễn viên tại trường Nghệ thuật Sân khấu II năm 1991 đến năm 2000 thì học xong khóa Đạo diễn sân khấu (Đại học Sân khấu & Điển ảnh Hà Nội). Cũng định thôi việc học nhưng ý nguyện của tôi là trở thành đạo diễn điện ảnh vì tôi thấy màn hình thể hiện nhiều thứ mà không cần thoại trong khi sân khấu phải dùng đến thoại nhiều. Tôi đã dựng nhiều vở kịch truyền hình nhưng càng làm truyền hình thì tôi càng khao khát được làm phim.Thế là học xong đạo diễn sân khấu, tôi lại thi tiếp vào lớp đạo diễn điện ảnh, vừa nuôi con vừa học. Tốt nghiệp được một năm thì tôi được TFS mời làm phim “Sương mai”.

-  Trong các công việc chị đã làm, điểm lại, chị hài lòng với công việc nào nhất?

- Thực ra, thời gian làm diễn viên của tôi không nhiều. Tôi làm đạo diễn sân khấu cũng chỉ vài vở có đôi chút tiếng tăm như Đàn chim di trú (công diễn ở Nhà hát thành phố năm 1996), Bông hồng trên sàn đấu (Sân khấu kịch 5B năm 2002), còn chủ yếu là dựng kịch truyền hình. Năm 2000 tôi làm một phim ngắn và 3 năm sau phim này được giải nhì trong LHP ngắn 2003. Sau giải thưởng này tôi càng nuôi ước nguyện được làm phim ngắn. Giờ có ý tưởng mới là tôi viết say sưa với một niềm vui thật khó tả. Tôi cũng ghiền xem phim ngắn của người khác. Nếu bạn sinh viên nào quan tâm đến phim ngắn, muốn xin kịch bản, tôi sẵn sàng cho ngay.

- ở ta, phim ngắn được đầu tư và không có điều kiện để phổ biến đến công chúng trong khi kế hoạch làm phim truyện truyền hình dài tập ở TFS đang rất dồi dào, tại sao chị không tìm cơ hội làm phim dài tập?

- Khi làm phim “Sương mai”, tôi nhận thấy nghề đạo diễn phim truyện cực quá và nhiều áp lực đối với phái nữ. Tôi sợ chưa đủ khả năng gánh vác một bộ phim dài tập hơn.

- Vừa chăm sóc gia đình, nuôi con, vừa đi học và làm nghề, hẳn chị phải có một “hậu phương” rất vững chắc mới đủ sức chạy đường trường?

- Tôi lập gia đình được 10 năm, ông xã kinh doanh hàng điện tử, con gái của chúng tôi được 5 tuổi. Gia đình ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất cho tôi theo đuổi đam mê nghệ thuật của mình. Thú thực, tôi còn muốn ra Bắc học tiếp sau đại học nhưng không muốn xa gia đình nên thôi. Bây giờ, tôi muốn tập trung làm nghề và học thêm từ thực tế công việc.

Phúc Như Thủy

Tin cùng chuyên mục