Trong kỳ thi vào lớp 10 mới đây, một bà mẹ hả hê khoe thành tích con trai của mình đậu 3 môn chuyên Trường THPT Năng khiếu (ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM) và cả Trường Chuyên Lê Hồng Phong. Không thể phủ nhận thành tích đáng nể này, nhưng những phụ huynh biết rõ sự đầu tư học thêm môn Toán, Văn, Anh văn của nam sinh này đều lắc đầu.
Chỉ riêng môn Toán, mẹ gửi em học 3 thầy giỏi và môn Văn được kèm bởi hai cô dạy giỏi. Đặc biệt với môn Anh văn, nam sinh này được học từ nhỏ ở trung tâm có yếu tố nước ngoài và một giáo viên giỏi tiếng Anh. Chỉ riêng khoản chi phí cho học thêm đã mất hơn 10 triệu đồng/tháng. Suốt 9 năm học ở tiểu học và THCS, nam sinh này luôn đứng tốp đầu học giỏi trong lớp và là niềm tự hào của cha mẹ vào mỗi kỳ bế giảng năm học. Thế nhưng, hình như chưa hài lòng với kết quả này của con trai, mẹ cậu vẫn than thở và tiếc hùi hụi khi con mình không bằng bạn bằng bè - giành được học bổng A-Star học bậc THPT ở Singapore.
Vẫn biết học trò cần có ước mơ, nhưng nó phải xuất phát từ niềm đam mê, sở thích của chính các em chứ không phải của người lớn. Và một khi bị đẩy vào quỹ đạo học thêm, học để tranh đua giành những ngôi vị cao trong học tập nhưng không thành công như mong muốn, các em không chỉ bị áp lực đè nặng mà còn bị stress, trầm cảm, dễ có hành vi rối loạn tâm trí…
Mới đây, câu chuyện về “cô gái vàng” người Canada gốc Việt thuê sát thủ giết hại cha mẹ mình khiến cộng đồng ở nước ngoài và Việt Nam rúng động. Jennifer Pan (28 tuổi) phải lãnh mức án 25 năm tù nhưng tội ác mà cô gây ra khiến những người làm cha làm mẹ phải thức tỉnh. Từng là cô gái “vàng” học giỏi, biết trượt băng nghệ thuật, học vẽ và nổi bật tài năng piano từ nhỏ, Pan từng là niềm tự hào của cha mẹ. Với những thành tích xán lạn mà Pan đạt được, họ luôn kỳ vọng đến ngày con gái mình thành đạt, tỏa sáng tài năng nghệ thuật. Thế nhưng, trên thực tế, Pan đã không hoàn thành chương trình trung học và ĐH như nói với cha mẹ. Sự nghiêm khắc, sự kỳ vọng quá cao vào thành tích vượt trội của cha mẹ luôn khiến Pan cảm thấy căng thẳng và càng học cô càng đuối. Không những thế, cha mẹ Pan chỉ khuyến khích con gái học các môn ngoại khóa ở trường, còn lại hạn chế mọi hoạt động vui chơi cùng bạn bè, thậm chí cấm đoán yêu đương với bạn trai. Và để làm vui lòng cha mẹ - những người luôn nghĩ con mình hoàn hảo, giỏi giang, Pan đã làm giả tất cả thư từ, báo cáo, học bổng, bảng điểm ĐH… Khi sự thật bị phát giác, Pan bị cha mẹ kiểm soát và siết chặt kỷ luật. Bị tước đoạt tự do, bị phong tỏa về tinh thần, Pan đã có suy nghĩ tiêu cực rằng cuộc sống của mình sẽ tốt hơn nếu không có cha mẹ. Và kết cục đau buồn - án mạng gây rúng động thuê người truy sát cha mẹ của “cô gái vàng” - khiến tất cả những người làm cha làm mẹ đều phải suy ngẫm.
Sự kỳ vọng và đặt ước mơ quá lớn lên đôi vai con cái của không ít bậc cha mẹ Việt Nam đang tước mất niềm vui học hành, tạo áp lực học thêm quá nhiều để tranh đua giành ngôi vị trong các kỳ thi năng khiếu và học bổng du học bằng mọi giá. Thấy phụ huynh này thích khoe con và luôn đòi hỏi con mình phải giỏi hơn nữa, học nhiều hơn nữa, nhiều phụ huynh buột miệng: “Mẹ sướng thì con phải khổ!”.
HÀ KHÁNH