“Mềm và cứng” với nước ngập

Nhiều giải pháp nhưng... chưa đủ
“Mềm và cứng” với nước ngập

Tiến sĩ Hồ Long Phi, Phó Ban điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM cho biết, nếu không có gì thay đổi, đầu tháng 10-2009 Chính phủ Hà Lan sẽ ký văn bản hỗ trợ khoảng 1,5 triệu EUR cho công tác chống ngập ở TP.

Đường Minh Phụng, quận 11 ngập nước sau một cơn mưa. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Đường Minh Phụng, quận 11 ngập nước sau một cơn mưa. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Nhiều giải pháp nhưng... chưa đủ

Tuy nhiên, cũng theo Tiến sĩ Hồ Long Phi, không phải đợi đến khi có sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan thì TPHCM mới có kế hoạch ứng phó với tình trạng ngập, lụt. Cách đây 4-5 năm, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Jica), TPHCM đã xây dựng quy hoạch tổng thể cho hệ thống tiêu thoát nước. Đây là cơ sở cho việc triển khai hàng loạt các dự án cải thiện môi trường, tiêu thoát nước hiện nay như Dự án Cải thiện Môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Dự án Cải thiện Môi trường Nước lưu vực Tàu Hủ-Bến Nghé, Dự án Nâng cấp Đô thị lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm…

Thế nhưng, quy hoạch này mới tập trung chủ yếu cho công tác chống ngập do mưa bằng cách cải tạo hệ thống cống thoát nước đã xuống cấp, lạc hậu. Các công trình đào đường để lắp đặt hệ thống cống mới đang diễn ra ở TP là để phục vụ cho những dự án này.

Bên cạnh đó, để giải bài toán ngập do triều và lũ, một số dự án dùng giải pháp đắp đê do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang thực hiện tại nhiều quận, huyện. Đồng thời TP cũng triển khai thêm nhiều dự án chống ngập nhỏ, lẻ khác để giải quyết tình trạng ngập cục bộ cho một số địa phương như đặt trạm bơm, phay ngăn triều ở quận 6, 8, Bình Thạnh…

Tuy nhiên, trong thực tế thì dường như công tác chống ngập của TPHCM vẫn… giậm chân tại chỗ. Bởi vì cách đây gần 10 năm, TP có khoảng 100 điểm ngập thì hiện nay vẫn còn khoảng… 100 điểm. Đặc biệt trong thời gian gần đây, chỉ cần có một cơn mưa khá lớn nhiều tuyến đường TP biến thành sông. Nước tràn vào cả vào khu vực trung tâm, nơi mà từ trước đến nay rất ít ngập. Đó là một thực trạng đáng quan tâm, nhưng cũng cần nhìn vấn đề này thấu đáo hơn. Hầu hết dự án chống ngập của thành phố đều đang trong quá trình triển khai xây dựng. Chưa kể đến một thực tế khác, ngập ở TPHCM không chỉ do mưa, triều, lũ mà do quản lý đô thị còn nhiều bất cập.

Từ 1990 đến 2009, tại TP có khoảng 47 con rạch lớn, nhỏ với tổng diện tích 17ha bị san lấp. Hàng ngàn công trình mọc lên, không theo một quy hoạch nào đã chặn hướng thoát nước tự nhiên. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật không theo kịp tốc độ di dân từ các tỉnh đổ về TP mưu sinh… Đặc biệt, những biến động thất thường của khí hậu đang làm cho TPHCM mưa nhiều hơn và lớn hơn. Tất cả những vấn đề trên lại chưa có một giải pháp căn cơ nào để giải quyết.

Xây hồ chứa nước

Tiến sĩ Hồ Long Phi cho biết, UBND TPHCM vừa “đặt hàng” cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nghiên cứu, xây dựng quy hoạch hệ thống điều tiết nước ngập cho TP (nằm trong chương trình hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan). Quy hoạch này sẽ tập trung tìm các giải pháp điều tiết nước mưa trong tình huống cống thoát nước bị quá tải và ngăn chặn phát sinh thêm điểm ngập mới.

Khác với 2 quy hoạch trước, quy hoạch này chủ yếu đưa ra những giải pháp “mềm dẻo” linh hoạt ứng phó với tình trạng ngập, lụt ở TP thay vì đề xuất nhiều giải pháp mang tính chất “cứng” là xây dựng các công trình như trong 2 quy hoạch nêu trên.  Đó là xây dựng những hồ điều tiết nổi, ngầm trong các khu dân cư. Hồ điều tiết nổi là những hồ được đào trên mặt đất vừa làm nơi trữ nước, vừa tạo cảnh quan. Hồ điều tiết ngầm được xây ngầm trong lòng đất, dưới các công viên, sân bóng đá… Vào mùa mưa, hầm này có thể dùng làm nơi chứa nước. Ngược lại vào mùa nắng có thể dùng làm chỗ đậu xe, vui chơi….

Tại một số vùng nông nghiệp có thể sẽ không đắp đê để chống ngập mà thậm chí còn được huy động dùng làm nơi trữ nước “ứng cứu” cho TP nếu lũ về đột ngột hoặc mưa quá lớn. Trong tình huống này, người nông dân sẽ được Nhà nước bồi hoàn thiệt hại.

Theo tính toán sơ bộ, chi phí sẽ nhỏ hơn rất nhiều những thiệt hại mà TP phải gánh chịu nếu bị ngập. Không chỉ có vậy, việc “dẫn” lũ, nước mưa tạm thời ra các vùng nông nghiệp ở một góc độ nào đó còn tốt cho các vùng này bởi nước vào sẽ đem theo phù sa. Việc đắp đê cho các vùng nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng như hiện nay vừa tốn kém, vừa rất có khả năng công trình sớm bị lạc hậu. TPHCM đã có bài học về việc này khi mà một số hệ thống cống thoát nước thuộc các dự án cải thiện môi trường nêu trên chưa xây xong đã có nguy cơ quá tải. Lượng nước mưa đổ xuống đã có dấu hiệu vượt khả năng tiêu thoát của cống.

“Con người không thể tiên đoán một cách chắc chắn rằng, tự nhiên sẽ thay đổi như thế nào. Trong bối cảnh ấy mà chỉ dùng các giải pháp bất biến là xây dựng công trình để đối phó với cái khả biến của tự nhiên là không khả thi”, Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trưởng Phòng quản lý Chất thải Rắn, thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, người đang trực tiếp xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu cho TPHCM  nhận định như vậy.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, “mềm dẻo” linh hoạt thích ứng với biến đổi khí hậu là quan điểm mới nhất, tiên tiến nhất hiện nay trong việc ứng phó với thiên nhiên. TPHCM cho nghiên cứu, xây dựng các giải pháp này để ứng phó với tình trạng ngập lụt là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, nói như vậy cũng không có nghĩa là không thực hiện các giải pháp “cứng” như xây dựng hệ thống cống thoát nước, đê bao ngăn lũ…

Tại những khu vực dân cư, nếu hệ thống thoát nước đã xuống cấp, lạc hậu bắt buộc phải cải tạo, xây mới hệ thống này để bảo vệ môi trường. Vấn đề là phải phối hợp cả hai giải pháp “mềm dẻo” và “cứng rắn” để có được hướng giải quyết ngập cho TPHCM một cách tốt nhất.

Riêng đối với các nguyên nhân ngập do quản lý đô thị còn nhiều bất cập, cả Tiến sĩ Hồ Long Phi và Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt đều cho rằng, phải có các giải pháp “thật cứng” để xử lý, nhất là xử lý các hành vi san lấp trái phép kênh, rạch, xây công trình chặn hướng thoát nước…

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục