Tình trạng bác sĩ “phóng bút” kê toa thuốc ngoại, thuốc đắt tiền, thuốc quá liều và kể cả kê kèm theo thực phẩm chức năng, sữa tắm… đang là vấn đề nhức nhối. Để hạn chế sự lạm dụng này, ngoài những lời kêu gọi đánh thức lương tâm thầy thuốc, còn cách nào chúng ta có thể kiểm soát việc kê toa thuốc?
“Bổ ngửa” vì thuốc bổ
Đã từ lâu, chuyện bác sĩ kê các loại thuốc bổ đắt tiền cho bệnh nhân đã không còn là chuyện hiếm hoi. Trường hợp của chị H.T.P là một ví dụ: Do bị đau bụng dài ngày, chị Hoàng Thị Phương đã tìm đến bác sĩ Bệnh viện BM khám bệnh.. Tại đây, bác sĩ kết luận chị Phượng bị loét dạ dày và suy giảm chức năng gan.
Đơn thuốc mà bác sĩ kê cho chị Phượng gồm 3 loại: Angati, Hepgaron, Bacivit. Khi đem đơn thuốc bác sĩ kê ra nhà thuốc của bệnh viện mua, chị P mới “bổ ngửa” khi chỉ có 3 loại thuốc mà lên đến 1.152.000 đồng. Nhất là loại men tiêu hóa Bacivit (không phải thuốc) nhưng giá là 504.000 đồng (cho 90 gói). (Trong khi đó, có rất nhiều loại men tiêu hóa khác như Zymoplex, Triase… có chức năng, công dụng tương tự mà giá thành chỉ bằng 1/10).
Ngoài ra, 45 viên Angati có giá đến 413.100 đồng và thuốc bổ Hepgaron có giá 235.200 đồng/60 viên.
Tương tự là trường hợp cháu Đạt, bị táo bón nhiều ngày và được mẹ cùng cậu ruột đưa lên bệnh viện nhi khám chữa bệnh. Tại đây, bác sĩ khám và kê cho cháu 3 loại thuốc: Sorbitol 5g, Bacivit và Vitamount. Trong khi thuốc Sorbitol 5g điều trị chứng bệnh táo bón và khó tiêu chỉ có giá 12.317 đồng/30 gói, thì 2 loại thuốc bổ khác là Vitamount (dùng để phòng ngừa hay điều chỉnh những thiếu hụt vitamin) có giá là 174.960 đồng/2 hộp) và Bacivit - men tiêu hóa có giá 336.000 đồng/60 gói.
Như vậy số tiền mua thuốc bổ cho cháu Đạt gấp 41,5 lần (510.000 đồng/12.300 đồng) thuốc đặc trị!
Lạ đời hơn, có bác sĩ còn kê cả sữa tắm, nước rửa tay, nước rửa phụ khoa trong đơn thuốc. Chị Thanh Châu (trú tại quận Tân Bình, TPHCM) trong lần sinh con tại một bệnh viện chuyên khoa phụ sản của TPHCM đã hết hồn khi đếm kiểm số tiền thuốc được bác sĩ kê toa.
Ngoài 2 hộp thuốc bổ đắt tiền, trong toa thuốc còn ghi: chai sữa tắm bé (giá 141.500 đồng/250ml), chai nước rửa tay (giá 35.500 đồng/100ml). Công dụng của chai sữa tắm (Saforelle) và nước rửa tay (Softa-Man) ghi trong đơn thuốc này cũng không có chức năng gì đặc biệt, trừ việc có giá đắt hơn những nhãn hiệu phổ biến khác.
Còn cô em họ của chị Châu khi đi khám phụ khoa định kỳ tại một bệnh viện công, bác sĩ chẳng nói chẳng rằng kê chai nước rửa phụ khoa vào trong đơn thuốc, dù em chị Châu chẳng mắc bệnh gì.
“Bình toa thuốc”, cách làm hay
Trước thực trạng bác sĩ kê toa không đúng liều, lạm dụng kháng sinh, kê thuốc độc quyền, ưu tiên thuốc ngoại, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có sáng kiến khá hay là “bình toa thuốc”, góp phần nâng cao chất lượng điều trị cũng như tay nghề của bác sĩ.
Bác sĩ Trần Quyết Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, chỉ trong vòng 2 tháng triển khai, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phát hiện 19 toa thuốc kê toa chưa đúng. Và ngay lập tức những bác sĩ liên quan đều được nhắc nhở. Nhờ đó, đến nay chưa phát hiện thêm một toa thuốc “lạ” nào.
Theo bác sĩ Trần Quyết Tiến, biện pháp này không chỉ có lợi cho bệnh nhân mà còn góp phần làm trong sạch nội bộ, đội ngũ y tế và nâng cao chất lượng, trình độ cho nhân viên, bác sĩ bệnh viện. Bởi việc “bình toa thuốc” sẽ nêu ra những kinh nghiệm, những phác đồ chuẩn trong những trường hợp bệnh.
Qua những buổi trao đổi góp ý của các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành sẽ đúc kết được nhiều kinh nghiệm về chuyên môn cho bác sĩ và nhân viên y tế của bệnh viện. Chính vì thế phương pháp này đã được sự tự nguyện, sự đồng lòng của tập thể cán bộ công nhân viên. Kết quả là việc ngăn ngừa lạm dụng kháng sinh, kê toa bừa bãi ngày càng giảm. Chất lượng điều trị và uy tín bác sĩ ngày càng cao. Bệnh nhân hài lòng và tin tưởng hơn phương pháp điều trị của bác sĩ….
Để làm được điều này, thời gian qua Bệnh viện Chợ Rẫy đã ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong quy trình khám chữa bệnh. Thông tin về bệnh nhân, toa thuốc đều được lưu trên mạng nội bộ. Tiếp đó, bệnh viện cũng đã thành lập một tổ công tác, hàng ngày lên mạng kiểm tra toa thuốc của các bác sĩ kê cho bệnh nhân.
Bệnh viện cũng xây dựng hệ thống tiêu chí như thuốc phải phù hợp với bệnh nhân, đúng bệnh, hết bệnh, nhanh chóng, đúng liều, đúng lượng, chi phí phù hợp… Khi phát hiện ra toa thuốc nào có vấn đề thì tổ công tác sẽ trình lên ban giám đốc để xem xét. Sau đó, toa thuốc sẽ được gửi đi thẩm định và lấy ý kiến từ các chuyên gia, bác sĩ, dược sĩ đầu ngành.
Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng bác sĩ lạm dụng kê toa thuốc ngoại, thuốc đắt tiền thay cho thuốc nội hoặc kê toa quá liều, cần phát huy biện pháp “bình toa thuốc” đang được áp dụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Đây là cách làm hay và nên ứng dụng rộng rãi cho các cơ sở y tế khác để bệnh nhân không còn méo mặt vì bác sĩ “vung tay quá trán”.
TIẾN ĐẠT