Chiều 26-1, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã tổ chức họp báo công bố tình hình thực hiện các tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1, 2 và 5. Những thông tin tại cuộc họp cùng thực tế mà phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng ghi nhận được tại hiện trường thi công metro cho thấy, tiến độ thực hiện hệ thống metro tại TPHCM đang tăng tốc mạnh mẽ.
Tất bật ở công trường
Đứng trên cầu Sài Gòn, phóng tầm mắt dọc theo Xa lộ Hà Nội, hướng về phía quận Thủ Đức, những hàng trụ của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên như những người lính… xếp hàng thẳng tắp. Cứ vài tháng qua đi, trong “hàng lính” ấy lại có thêm… một trụ. Theo Ban quản lý đường sắt đô thị, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua cầu Sài Gòn và chạy dọc Xa lộ Hà Nội đi trên cao nên các nhà thầu phải làm trụ đỡ để sau này thi công phần đường bên trên. Sông Sài Gòn lộng gió, trên các trụ, nhiều công nhân vẫn miệt mài làm việc 24/24 giờ. Với dây an toàn đeo bên hông, họ di chuyển từ vị trí làm việc này sang vị trí làm việc khác bằng những chiếc thang và những lối đi nhỏ.
Công trường thi công metro đoạn đi ngầm trước UBND TPHCM.
Trên công trường thi công đoạn đi ngầm trước UBND TPHCM, không khí làm việc cũng không kém phần tất bật. Một nhóm công nhân làm các lồng thép, nhóm khác kết nối các lồng và đưa đi lắp đặt… Theo ông Hồ Dương Bình, cán bộ Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM, giải pháp thi công ở các đoạn ngầm của tuyến metro số 1 có tên gọi là “top down”. Nói nôm na “top down” là thi công từ trên xuống. Làm tầng trên xong mới làm đến tầng dưới. Để thi công đường bằng phương pháp này, nhà thầu sẽ phải làm tường vây bằng cách ghép các lồng sắt tạo thành hàng rào bảo vệ cho công trường thi công bên trong. Tại đây còn có một yêu cầu cao hơn về tiến độ, đó là phải xong vào ngày 5-2-2015 để giao mặt bằng cho Khu Quản lý giao thông số 1 thi công nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ. Một hạng mục phải hoàn thành để phục vụ lễ kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước.
Mạnh mẽ nơi phòng họp
Không tất bật như trên công trường nhưng cách mà lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị trả lời phỏng vấn báo chí cho thấy một quyết tâm lớn trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống metro của TPHCM. Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM, cam kết: “Trong năm 2015 Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM sẽ ký hợp đồng lập dự án đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại trong quy hoạch với các công ty tư vấn trong nước để có cơ sở kêu gọi vốn đầu tư, đăng ký vốn đầu tư ODA”. Đây là lời hứa rất quan trọng bởi hệ thống metro chỉ hoạt động hiệu quả khi được đầu tư thành mạng hoàn chỉnh. Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, toàn thành phố có tới 8 tuyến metro và 3 tuyến monorail. Chưa hết, ông Bùi Xuân Cường còn cho biết, tại mỗi ga của metro đều có các hạng mục kết nối với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác. Ở khu vực ga metro sẽ có bến xe buýt để người dân đi xe buýt tới metro và ngược lại. Ga metro cũng nghiên cứu xây dựng các bãi giữ xe gắn máy 2 bánh để người dân có thể gởi xe để đi metro…
Các công nhân tất bật thi công công trình Metro.
Cũng theo ông Bùi Xuân Cường, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh tiến độ tuyến metro số 1: hoàn thành năm 2019 đưa vào sử dụng năm 2020. Tuy nhiên, hiện tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên còn một vướng mắc quan trọng. Một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương-nơi tuyến đường đi qua, chưa chịu di dời. Tỉnh Bình Dương đã ra quyết định cưỡng chế và dự kiến bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trong tháng 3-2015. Trả lời câu hỏi của các báo về việc có hay không, phải bồi thường cho nhà thầu khi giao mặt bằng thi công chậm, ông Bùi Xuân Cường cho biết, đây là điều khoản đã được ghi trong hợp đồng. Do vậy, trách nhiệm của các bên là phải thực hiện đúng hợp đồng. Số tiền này TPHCM phải chi trả hay tỉnh Bình Dương? Lãnh đạo thành phố sẽ cân nhắc.
Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đang triển khai công tác thiết kế, thực hiện di dời các công trình kỹ thuật. Tuyến metro số 5 từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Bảy Hiền đã được các cơ quan trong nước thẩm định thiết kế cơ sở, đánh giá tác động môi trường… Nguồn vốn cho tuyến đã được thu xếp đầy đủ, khoảng 1,31 tỷ EUR.
Liên quan đến tổng vốn đầu tư khổng lồ của các tuyến metro, ông Hoàng Như Cương, Phó ban Quản lý đường sắt TPHCM, cho biết giá vé đi metro đã được tính toán để người dân thành phố có thể sử dụng loại hình vận tải này. Cơ bản, nhà nước sẽ đầu tư (trả tiền vay đầu tư) hệ thống hạ tầng metro. Giá vé được tính toán trên cơ sở phí duy tu, bảo dưỡng, vận hành công trình.
NGUYỄN KHOA