Vấn đề - Sự kiện

Mía đường: Sản xuất nhỏ lẻ - bế tắc!

Sản xuất thủ công, phân tán
Mía đường: Sản xuất nhỏ lẻ - bế tắc!

Hiện nay diện tích mía của cả nước đạt khoảng trên 300 ngàn ha với tổng sản lượng 15 triệu tấn mía/năm. Dù đạt một số thành quả quan trọng, song những năm qua, nông dân trồng mía vẫn có tập quán canh tác chủ yếu bằng thủ công, chưa đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật, chi phí đầu tư cao, hiệu quả kinh tế thấp. Vì vậy cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất mía đường đang là nhu cầu bức xúc hiện nay.

Sản xuất thủ công, phân tán

Mía đường: Sản xuất nhỏ lẻ - bế tắc! ảnh 1

Máy chăm sóc.

Hơn một thập kỷ qua, với hỗ trợ của Chính phủ, ngành mía đường của Việt Nam đã góp phần vào sự tăng trưởng nền kinh tế quốc dân, giải quyết việc làm ổn định cho hàng triệu nông dân trồng mía, tạo nên các vùng sản xuất hàng hóa lớn.

Cũng trong 3 năm qua, thực hiện Quyết định 28/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhà máy đường đã chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, mối quan hệ hợp tác giữa nhà máy với người trồng mía và các địa phương trong việc xây dựng vùng nguyên liệu cho nhiều triển vọng mới.

Hiện có 37 nhà máy đường đang hoạt động, gồm 6 nhà máy vốn đầu tư nước ngoài, 31 nhà máy vốn đầu tư trong nước (trong đó có 25 nhà máy cổ phần hóa). Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy có quy mô nhỏ, thiết bị và công nghệ lạc hậu, hiệu quả và chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao. Cạnh đó, vùng nguyên liệu cũng quy mô nhỏ bé, phân tán, chưa được đầu tư tương xứng với yêu cầu sản xuất công nghiệp.

Đặc biệt là diện tích trồng mía bình quân cho mỗi hộ nông dân quá thấp (0,3 – 0,5 ha/hộ). Một nhà máy đường phải quan hệ hợp đồng với 20 – 30 ngàn hộ nông dân bán mía, bình quân mỗi hộ chỉ bán được từ 30 - 40 tấn mía/vụ; năng suất và chất lượng mía thấp; bình quân năng suất chỉ đạt khoảng 50 tấn/ha. Điều quan trọng là đa phần nông dân trồng mía vẫn canh tác theo kiểu thủ công do chưa được đầu tư thiết bị, công nghệ thích hợp.

Vì vậy, xét cả về năng suất nông nghiệp và công nghiệp chế biến của ngành mía đường Việt Nam còn thấp, thua quá nhiều so với các ngành mía đường lớn của khu vực và thế giới. Bình quân ở Việt Nam chỉ mới đạt 4 - 5 tấn đường/ha, trong khi đó ở Thái Lan là 7 - 8 tấn/ha, ở Úc và Brazil là 9 - 12 tấn/ha.

Cơ giới hóa: hiện đại không “dung nạp”, tự chế lại “yếu kém”!

Trong những năm qua, với mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn đường của Nhà nước, diện tích và sản lượng mía đã tăng đáng kể. Vụ sản xuất 2005 - 2006, diện tích mía nguyên liệu của cả nước đạt 265 ngàn ha và theo kế hoạch niên vụ 2006 – 2007, các nhà máy đường trong cả nước sẽ đạt công suất ép 12,6 triệu tấn mía, sản xuất ra 1,23 triệu tấn đường, tăng gần 500.000 tấn đường so với niên vụ trước. Tuy đạt về chỉ tiêu sản lượng đường, nhưng giá thành luôn cao hơn một số nước trong khu vực.

Do vậy, ngày 15-2-2007 Chính phủ đã có Quyết định số 26/2007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, trong đó đề cao việc áp dụng CGH để nâng nhanh năng suất, chất lượng mía.

Hiện nay ở nhiều nơi, việc CGH các khâu còn yếu và chưa đồng bộ, chỉ có một số vùng trồng mía tập trung được CGH khâu làm đất, còn các khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch chủ yếu vẫn bằng lao động thủ công với các công cụ thô sơ, lạc hậu. Theo các chuyên gia về mía đường, do lô thửa canh tác mía của Việt Nam còn rất nhỏ, nên rất khó sử dụng các loại máy chuyên dùng hiện đại.

Mặc dù những năm gần đây nhiều cơ quan nghiên cứu và cơ sở sản xuất trong cả nước, đã quan tâm nỗ lực nghiên cứu tuyển chọn và thiết kế chế tạo được nhiều mẫu máy giúp việc thực hiện đồng bộ CGH canh tác và thu mía nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập. Chẳng hạn Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Trường ĐH Nông nghiệp I, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM v.v... đã nghiên cứu và đưa ra được một số mẫu máy ứng dụng trong sản xuất, như máy xử lý lá mía sau thu hoạch, cày xới sâu không lật, bừa làm nhỏ đất sau cày, thiết bị gom thu gốc mía trên đồng, máy rạch hàng trồng mía,...

Tuy nhiên, địa hình và cơ lý tính cây trồng phức tạp, quy trình canh tác còn khác biệt ở một số vùng miền khác nhau nên độ tin cậy và tính thích nghi của máy còn kém, chất lượng máy chưa cao.

Tại TPHCM, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thiết bị với chi phí thấp (CT 04) đã được Sở KH-CN phối hợp với một số tỉnh như Tây Ninh, Đồng Nai, Phú Yên thực hiện chương trình “cơ giới hóa ngành mía đường”. Nhưng trong 7 năm, chương trình mới chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm một số máy: làm đất, trồng mía và cắt hom, chăm sóc, băm lá mía, nâng mía lên xe, thu hoạch mía giống, bóc lá mía, băm phá gốc mía. Nhìn chung những máy này cũng chỉ mới ở dạng mô hình mẫu, còn nhiều khiếm khuyết như độ bền kém, không thích hợp cho các vùng khác nhau, công suất thấp…

Lối ra: quy hoạch - đầu tư - liên kết

Mía đường: Sản xuất nhỏ lẻ - bế tắc! ảnh 2

Máy trồng mía. Ảnh: Lương Ngọc

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, đối với CGH sản xuất mía, đặc biệt là CGH thu hoạch, đầu tư lần đầu lớn, thời gian làm việc trong năm ngắn, hiệu quả thu hồi vốn thấp, do đó Nhà nước, các địa phương và các doanh nghiệp cần có chính sách linh hoạt, giúp đỡ, trợ giá để đảm bảo nhu cầu phát triển. Ngoài ra, cần làm tốt khâu cải tạo, quy hoạch thiết kế đồng ruộng, xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng việc áp dụng CGH.

Rất cần thiết có sự phối hợp giữa các nhà nông học và các nhà cơ khí để đề ra các quy trình có khả năng áp dụng CGH cao. Và trên cơ sở các vùng sản xuất mía hàng hóa tập trung, xây dựng mô hình vùng CGH sản xuất mía điển hình, có vậy việc nhập khẩu kỹ thuật, máy móc của nước ngoài về mới được sử dụng hiệu quả.

Đối với những chương trình CGH mía đường như Chương trình 04 của TPHCM, ông Huỳnh Văn Nghiệp, GĐ Sở KH-CN tỉnh Tây Ninh, cho rằng việc liên kết giữa 3 nhà: quản lý – khoa học – doanh nghiệp cần phải chặt chẽ hơn nữa mới có thể chế tạo ra những máy móc đáp ứng được yêu cầu của ngành mía đường. Ông Nghiệp cũng cho biết, nếu những máy thực sự được người trồng mía chấp nhận thì riêng Tây Ninh, số lượng máy cho ngành này là không nhỏ. Vì thế, việc tập trung đầu tư để nhanh chóng thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu cho CGH mía đường là cần thiết.

LƯƠNG NGỌC

Tin cùng chuyên mục