Một trong những đặc trưng của dịp Noel ở TPHCM hàng năm là không khí se lạnh. Điều này được các chuyên gia khí tượng dự báo sẽ không còn đúng nữa trong kỳ lễ hội cuối năm nay và dịp đầu năm mới 2016. Phóng viên đã trao đổi với ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, về vấn đề này.
PV: Mọi năm, từ đầu tháng 12, thời tiết TPHCM đã bắt đầu se lạnh, nhưng nay đã bước vào tuần cuối cùng của tháng 12, thời tiết ban ngày vẫn oi nóng. Đó có phải là dấu hiệu thời tiết bất thường không?
Ông ĐẶNG VĂN DŨNG: So với diễn biến cùng kỳ các năm trước thì đúng là năm nay thời tiết không thuận lợi. Từ những số liệu đo đạc thống kê được, chúng tôi bước đầu đưa ra nhận định sơ bộ rằng mùa lễ Noel năm nay tại TPHCM nói riêng và cả khu vực Nam bộ nói chung, thời tiết sẽ không lạnh như những năm trước. Lý do là vì năm nay nền nhiệt độ tại TPHCM và khu vực Nam bộ được ghi nhận cao hơn trung bình nhiều năm, đồng nghĩa dịp Noel và năm mới 2016 thời tiết sẽ ấm hơn. Nói cách khác, mùa đông năm nay tại TPHCM và khu vực Nam bộ dự báo là một mùa đông… ấm! Đi kèm với yếu tố nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, chúng tôi cũng dự báo sẽ không có khả năng xảy ra mưa trái mùa trong những ngày lễ hội cuối năm và đầu năm mới.
Vậy nhiệt độ tại thành phố và toàn Nam bộ trong tuần lễ cuối cùng của năm 2015 cụ thể sẽ như thế nào, thưa ông?
Vào giữa tháng 12, cơn bão số 5 năm 2015 đi vào biển Đông, cũng gây tác động nhất định tới Việt Nam. Do ảnh hưởng rìa phía Tây của hoàn lưu cơn bão số 5 này, nên từ giữa tháng cho đến khoảng 22-12, có khả năng xảy ra mưa trái mùa tại TPHCM và khu vực Nam bộ. Còn trong hai ngày 23 và 24, tức là đúng dịp lễ Noel, dự báo thời tiết sẽ có nắng, không mưa, với nhiệt độ cao nhất là 35°C tại TPHCM và khu vực miền Đông Nam bộ, thấp nhất khoảng 21°C - 22°C; trong khi ở khu vực miền Tây Nam bộ, nhiệt độ cao nhất là 34°C, thấp nhất từ 22°C - 24°C.
Chúng tôi dự báo nền nhiệt độ này sẽ duy trì như vậy sang đến tận những ngày đầu tiên của năm mới 2016.
Còn gì khác thường về thời tiết mà ông muốn lưu ý người dân TPHCM và khu vực Nam bộ, thưa ông?
Ngoài một mùa đông ấm khác thường, TPHCM và khu vực Nam bộ đang đối diện với một thực tế đáng ngại khác là tình trạng xâm nhập mặn. Số liệu đo đạc về độ mặn tại một số trạm ở miền Tây Nam bộ được chúng tôi thực hiện vào trung tuần tháng 12-2015 phản ánh rõ nét điều này. Cụ thể độ mặn đo được là 2,2‰ và vào sâu 40km, tức cách cửa biển 40km tại trạm Láng Thé trên sông Cổ Chiên. Con số đó là 3,3‰ và cách cửa biển 30km ở trạm Trà Vinh ngay tại thành phố Trà Vinh trên sông Tiền. Còn trên sông Hậu, độ mặn đo được tại trạm Trà Kha thuộc tỉnh Trà Vinh cách cửa biển 15km là 8,6‰, trong khi độ mặn tại trạm Cầu Quan cách cửa biển 30km cũng thuộc tỉnh Trà Vinh là 5‰.
Hệ lụy của tình trạng xâm nhập mặn sớm với chỉ số cao như thế này sẽ dẫn đến tình hình thiếu nước ngọt sớm ở một số nơi. Chúng tôi dự báo tình trạng thiếu nước ngọt sẽ là vấn đề nan giải trong thời gian tới, cũng như sẽ gay gắt dữ dội hơn vào cao điểm mùa khô 2015-2016.
THIỆN NHÂN (thực hiện)