Miền Tây ứng phó mặn xâm nhập sớm

Ranh nước mặn 4‰ từ phía biển đã lấn vào cửa sông vùng hạ lưu miền Tây từ 25-40km. Đây là đợt mặn cao nhất từ đầu mùa kiệt. Trong bối cảnh El Nino đang quay lại, các nhà khoa học cảnh báo về kịch bản mùa khô hạn, xâm nhập mặn khốc liệt như năm 2016 tái diễn. Các địa phương vùng ĐBSCL đang khẩn trương triển khai các giải pháp để thích ứng với hạn - mặn.

Triển khai nhiều giải pháp

Đợt hạn mặn cách đây gần 5 năm đã làm 1ha sầu riêng của ông Thái Anh Giàu ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) bị suy kiệt nặng, một số chết rụi. Thấm thía vì sầu riêng rất mẫn cảm với nước mặn, năm nay ông Giàu đã chủ động phòng bị. Những ngày qua, gia đình ông Giàu đã dồn sức nạo vét hết các mương chứa nước, đào ao trong vườn với sức chứa khoảng 700m3 để tích trữ nước ngọt khi nước mặn lấn tới vườn. Ông Giàu cùng nhiều nông hộ trong xóm cũng lên kế hoạch dùng sà lan sẵn sàng chở nước ngọt về bơm vào các ao chứa...

o5b-5000.jpg
Trạm quan trắc tự động đo độ mặn tại Hậu Giang. Ảnh: VĨNH TƯỜNG

Để phòng chống xâm nhập mặn năm nay, ngành nông nghiệp các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang khuyến cáo người dân thích ứng bằng cách chuyển đổi, cơ cấu lại mùa vụ, gieo sạ vụ đông xuân sớm hơn. Còn tại các huyện phía Tây, hàng chục ngàn hécta cây ăn trái ở ven sông Tiền dễ bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, nên năm nay ngành chức năng đã hoàn chỉnh 6 cống trên đường tỉnh 864 để ngăn mặn và sẽ lấy nước ngọt từ kênh Nguyễn Văn Tiếp về phục vụ cho việc tưới tiêu.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, dự báo, hạn mặn năm 2023-2024 sẽ rất phức tạp nên đã chủ động xây dựng phương án ứng phó từ sớm, từ xa. Trước mắt, ngành nông nghiệp và các địa phương thống nhất vị trí đắp 3 đập thép nhằm ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng trồng sầu riêng của huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy, gồm Trà Tân, Ba Rài, Phú An với tổng dự toán đầu tư khoảng 34 tỷ đồng. Về lâu về dài, Sở NN-PTNT sẽ đề xuất xây dựng các đập thép kiên cố như các cống ngăn mặn trên đường tỉnh 864.

Trong khi đó, các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu cũng đang áp dụng các biện pháp để ứng phó với hạn mặn. Tại huyện Phước Long (Bạc Liêu), để bảo vệ hơn 10.000ha lúa đông xuân, nửa tháng qua, chính quyền và người dân địa phương tập trung nạo vét các tuyến kênh thủy lợi bị bồi lắng để dẫn nước; gia cố các công trình thủy lợi bị rò rỉ, không để thấm nhiễm nước mặn. Đồng thời bơm tát nước mặn ra khỏi vùng ngọt, đắp hơn 50 con đập tạm để chủ động quản lý nguồn nước phục vụ sản xuất.

Ông Trần Thanh Nhơn (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) chia sẻ: “Năm nay, mặn xâm nhập sớm, trong khi dự báo thời tiết cực đoan do El Nino. Nếu khô hạn kéo dài, độ mặn tăng cao hơn 25‰, việc nuôi trồng sẽ rất khó khăn. Do đó, từ cuối tháng 12-2023, bà con đã lên phương án ứng phó. Hiện chúng tôi vừa canh tác vừa theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn xâm nhập”.

Chủ động ứng phó

Bến Tre và Cà Mau là 2 địa phương chịu tác động của mặn xâm nhập vào mùa khô nặng nhất khu vực ĐBSCL. Hiện tỉnh Bến Tre đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2024. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, dự báo ranh mặn xâm nhập sâu nhất trên các sông xuất hiện trong tháng 2 và 3-2024. Độ mặn 1‰ có khả năng xâm nhập toàn khu vực tỉnh từ tháng 1 đến tháng 5-2024, nhất là các hệ thống sông Hàm Luông, Cửa Đại, kênh Giao Hòa - An Hóa vào sông Ba Lai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương khẩn trương, quyết liệt trong chuẩn bị phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn năm 2023-2024; chủ động biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Đồng thời, phát động việc trữ nước mưa, nước ngọt như: tận dụng dụng cụ trữ nước trong các ống hồ, mái, lu, bồn chứa, túi chứa nước; đào hố trải bạt, ngăn chứa nước trong ao hồ, mương vườn, đập cục bộ từng khu vực. Áp dụng biện pháp khác đảm bảo có đủ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất trong trường hợp xâm nhập mặn tăng đột biến, bất thường.

Tại bán đảo Cà Mau, các địa phương chịu tác động do mặn xâm nhập từ biển Đông và biển Tây đã sẵn sàng các phương án đóng cửa cống để ngăn mặn. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam cho biết, khi diễn biến độ mặn tại cầu Cái Tư không vượt 1‰ (1g/lít) thì cống Cái Lớn duy trì mở tự do; còn xâm nhập mặn tương tự mùa khô các năm 2015-2016, 2019-2020 thì cống Cái Lớn sẽ đóng 11 cửa.

Tại Hậu Giang, hiện nước mặn đã lấn vào một số xã ở huyện Long Mỹ (giáp với Bạc Liêu), nhưng ở ngưỡng chưa gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Ông Võ Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Hậu Giang là địa phương bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ biển Đông và biển Tây. Ngành nông nghiệp đang bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh để theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân. Ngoài các trạm quan trắc tự động, ngành đã chuẩn bị sẵn sàng cho cán bộ trực trước, trong và sau Tết Nguyên đán để theo dõi thường xuyên đo độ mặn, kịp thời đóng cống ngăn mặn cũng như kịp thời đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó khi mặn xâm nhập.

* Bộ trưởng Bộ NN-PTNT LÊ MINH HOAN:

Các chuyên gia đánh giá biến đổi khí hậu khốc liệt, cực đoan hơn, miền Tây khó trở lại như cũ. Không thể mơ nước sông Mê Công lại đầy phù sa được, nên chúng ta phải chấp nhận thực trạng đó. ĐBSCL không nên làm xáo trộn thêm, nhưng phải can thiệp trên cơ sở phải có sự chuẩn bị của cả xã hội, cả người dân để thích ứng.

* Ông NGUYỄN MINH LÂM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An:

Rà soát, khoanh vùng để có giải pháp cụ thể

UBND tỉnh Long An vừa yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh phải chủ động theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng - thủy văn, triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn để chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Tổ chức rà soát, xác định, khoanh vùng các khu vực có khả năng, nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để triển khai các giải pháp cụ thể. Hỗ trợ người dân mua sắm, sử dụng các dụng cụ, trang thiết bị cấp, trữ nước như lu, bể, bồn, túi chứa nước và các hình thức khác... để tích trữ đủ nguồn nước ngọt phục vụ cho toàn bộ thời gian xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2024. Trường hợp cấp bách, sử dụng các phương tiện, thiết bị lưu động như xe cứu hỏa, xe quân đội chuyên chở nước cung cấp đến từng gia đình ở xa các trạm cấp nước.

* Ông HUỲNH NGỌC NHÃ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng:

Không để người dân bị thiếu nước uống, sinh hoạt

Để phòng chống thiếu nước, xâm nhập mặn vào mùa khô năm 2024, tỉnh đã xây dựng 2 kịch bản để ứng phó. Cụ thể, kịch bản thứ nhất, độ mặn 4g/l xâm nhập vào sâu nội đồng từ 25-50km tính từ cửa sông, nguồn nước ngọt trong sông bị thiếu hụt không quá 40%. Kịch bản 2, mức độ ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng như đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, 2019-2020, mặn 4g/l xâm nhập vào sâu tới hơn 50km, tương đương cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Tùy theo diễn biến, tỉnh sẽ có nhóm giải pháp để chủ động ứng phó nhanh, kịp thời và hiệu quả; chủ động chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật chất, phương tiện để ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”; thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước uống, sinh hoạt.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa thiếu hụt ở hầu hết các nơi trên khu vực Nam bộ cũng như khu vực trung và hạ lưu sông Mê Công, đồng thời mức độ sử dụng nước trên khu vực thượng nguồn cũng gia tăng nên khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa khô 2023-2024 ở ĐBSCL là rất lớn. Do vậy, cần có giải pháp ứng phó với tình hình xâm nhập mặn sớm và sâu hơn ở khu vực ĐBSCL.

ĐBSCL có khoảng 2 triệu ha đất trồng lúa và cây ăn trái (1,6 triệu ha trồng lúa, còn lại trồng cây ăn trái), cần nước ngọt để tưới trong mùa khô 2024. Trong đó, có khoảng 400.000-500.000ha thường xuyên chịu tác động của hạn - mặn vào mùa khô.

Hiện Bộ NN-PTNT đang khẩn trương điều chỉnh cơ chế hoạt động của các công trình thủy lợi tại ĐBSCL từ ngăn mặn trữ ngọt để sản xuất lúa sang điều tiết mặn - ngọt. Trước thách thức của nguồn nước ngọt đang suy giảm, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh chương trình tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn. Mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 700.000-800.000ha (khoảng 30% diện tích cây trồng cạn) được tưới tiết kiệm.

Tin cùng chuyên mục