Miền Trung: Biển lại “gặm” đất liền

Liên tiếp từ cuối năm 2014 đến nay, các tỉnh miền Trung lại xảy ra tình trạng sạt lở ven biển với tốc độ nhanh, cường độ mạnh. Biển ngày càng ăn sâu vào đất liền, như muốn lấn đuổi con người.
Miền Trung: Biển lại “gặm” đất liền

Liên tiếp từ cuối năm 2014 đến nay, các tỉnh miền Trung lại xảy ra tình trạng sạt lở ven biển với tốc độ nhanh, cường độ mạnh. Biển ngày càng ăn sâu vào đất liền, như muốn lấn đuổi con người.

Biển “đuổi” người

Sau mùa mưa lũ năm 2014, bãi biển Cửa Đại (phường Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam) bị biển “ăn” mất. Biển xâm thực sâu hàng chục mét vào đất liền, xóa sổ bãi biển du lịch đẹp nhất Hội An, nơi mỗi năm đón cả triệu lượt du khách. Từ cuối năm 2014, chính quyền Hội An chi ra gần 15 tỷ đồng để làm 300m kè mềm để cứu biển Cửa Đại.

Thế nhưng, cuối tháng 3-2015, một đợt mưa lũ thất thường đầu hè, bãi biển Cửa Đại đoạn chưa làm kè bị sóng xé toạc nhiều nơi. Hàng chục nhà hàng ven biển Hội An bị sóng biển xâm hại, cuốn trôi nhiều công trình.

Chỉ trong vòng nửa năm, bãi biển ở Hội An bị sóng đánh, phá gần như hoàn toàn. Dãy nhà hàng ven biển Cửa Đại sở hữu một bãi biển đẹp và trở thành nơi tắm biển, tắm nắng của hàng ngàn du khách trong nhiều năm qua bỗng dưng bị sóng cuốn phăng tất cả, không còn đường ra biển.

Dãy nhà hàng ven biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) bị sóng biển đe dọa xóa sổ.

Sáng 7-4, ông Trần Văn Hưng, chủ nhà hàng Hòa Hưng (khối Phước Tân, phường Cửa Đại) hì hục khiêng những bao cát sắp lại để khách có đường đi ra biển. Mồ hôi nhễ nhại, gương mặt trầm ngâm, ông Trần Văn Hưng nói: “Mùa mưa lũ năm trước, biển Cửa Đại bị sóng biển xâm thực nặng nề, dãy nhà hàng của chúng tôi cũng bị biển “gặm” hết mấy mét, nhưng vẫn còn được bãi biển. Trước đây khách du lịch đến đây đông lắm. Nhưng nay, bãi biển chỉ lèo tèo vài người vì không còn bãi biển nữa.

Hàng chục nhà hàng khác dọc ven biển Cửa Đại cũng chịu chung số phận. Phía trước nhà hàng là một vực thẳm do sóng cuốn để lại với chỏng chơ những bậc thang, cây dừa đổ, bao cát... Để cứu nhà hàng, hàng chục hộ dân nơi đây dùng bao cát, cọc tre, bạt nylon chắn sóng nhưng tất cả cũng đều bị sóng cuốn trôi. Cuối tháng 3 vừa qua, khi sóng đe dọa đánh sập nhà hàng, chính quyền Hội An huy động lực lượng tại chỗ cùng người dân dùng bao cát, bạt nylon, tre... che chắn nhưng bất thành.

Ông Trần Văn Hưng, chủ nhà hàng Hòa Hưng dọc ven biển Cửa Đại dùng bao cát để làm đường cho du khách xuống biển.

Anh Võ Ngọc Trung, nhân viên cứu hộ bãi biển Cửa Đại, cho biết: “Chưa khi nào biển xâm thực nhanh như mấy tháng qua. Mới tháng 3 mà biển đã xâm thực nặng nề rồi. Bãi biển chừ mất gần hết, nếu không làm kè khẩn cấp thì mùa mưa lũ năm nay biển sẽ phá luôn con đường ven biển này và phá hủy hết nhà hàng, nhà dân ven biển”.

Xóm... lo âu

Trong khi đó, tại xóm Khê Tân (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) cũng bị sóng biển xâm thực nặng nề. Nhiều tháng qua, xóm Khê Tân trở thành xóm... lo âu khi luôn nơm nớp lo sợ bị sóng cuốn. Đoạn bờ biển này vốn đã sạt lở trước đây, những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình hình sạt lở càng nghiêm trọng. Gần 5ha rừng phòng hộ ven bờ trải dài, nay đã bị sóng xóa sổ hoàn toàn, 15 hộ dân đang sinh sống ở đây cứ đến mùa mưa bão là thấp thỏm âu lo.

Ông Phạm Tấn Lực, xóm Khê Tân, cho biết: “Không đợi đến khi có bão, chỉ cần gió lớn tạo sóng lớn đánh liên tục vào bờ là tình trạng sạt lở nặng lại diễn ra”.

Cùng chung cảnh ngộ, tại xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) cứ đến mùa mưa lũ, hơn 200 hộ dân ở 2 thôn ven biển là An Chuẩn và Kỳ Tân luôn sống trong cảnh lo sợ do tình trạng sạt lở bờ biển phức tạp. Xã đã di dời gần 200 ngôi nhà ven biển vào vùng an toàn. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều hộ dân do điều kiện kinh tế quá khó khăn nên không thể di dời.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, đê điều và phòng chống lụt bão Quảng Ngãi, ở cả 5 huyện ven biển và huyện đảo Lý Sơn đều có hiện tượng sạt lở bờ biển, với chiều dài 29,5km. Nghiêm trọng nhất là sạt lở ở thôn An Cường, xã Bình Hải, Bình Sơn và xã Đức Lợi, Mộ Đức… Những điểm sạt lở này đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản, đe dọa tính mạng của hàng ngàn người dân. 

Chờ đến bao giờ?

Cuối năm 2014, khi biển Cửa Đại (Hội An) bị sóng biển xâm thực nghiêm trọng, chính quyền Hội An tức tốc làm kè chắn sóng, đồng thời báo cáo lên UBND tỉnh Quảng Nam tìm phương án ứng phó. Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam và Đại học Thủy lợi tổ chức một cuộc hội thảo khoa học tìm giải pháp hữu hiệu để bảo vệ làng mạc, công trình ven biển.

Nếu không xây dựng kè biển khẩn cấp, dãy nhà hàng ven biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) sẽ bị xóa sổ trong mùa mưa lũ sắp đến. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Các chuyên gia của Nhật Bản và Đại học Thủy lợi chỉ rõ nguyên nhân của việc xâm thực ven biển là do thiếu hụt một lượng cát lớn để bù lại lượng cát do sóng biển cuốn ra khơi. Một trong những nguyên nhân chính của việc thiếu hụt lượng cát là do các đập thủy điện phía thượng nguồn “vô tình” giữ cát lại và nạn khai thác cát sông một cách vô tội vạ gây ra.

Các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó giải pháp chính là xây dựng các tuyến kè đồng bộ dọc ven biển. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã xây dựng đề án “cứu vùng ven biển” nhưng đến nay vùng ven biển vẫn tiếp tục bị sóng biển xâm thực.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết: “Đến nay vẫn còn 300m từ Cửa Đại giáp với phường Cẩm An chưa kè và tiếp tục bị biển xâm thực. Giải pháp kè biển đã có nhưng chưa có nguồn vốn để thực hiện”.

Ông Nguyễn Thanh Lạc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Biện pháp tối ưu nhất để phòng chống sạt lở chính là xây kè chắn sóng và trồng rừng ven biển. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền cho người dân địa phương có ý thức bảo vệ, không chặt phá rừng ngập mặn, chắn sóng.  Hiện Quảng Ngãi đang gấp rút lập đoàn công tác kiểm tra thực tế sạt lở trên toàn tuyến nhằm phân loại mức độ nguy hiểm để tìm giải pháp phù hợp.

NGUYÊN KHÔI - HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục