
Nước hết, hồ khô cạn, ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ cháy rừng cao, kinh phí chống hạn liên tục được “bơm” nhưng vẫn không giải quyết được tình hình hạn hán đang diễn ra khốc liệt và lan rộng tại các địa bàn miền Trung những ngày qua. Chuyển đổi cây trồng để né hạn đang là giải pháp tối ưu nhưng xem ra vẫn còn lo lắm.

Chuyển đổi cây ngắn ngày, xen canh lúa - ớt đang đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng người dân lo lắng đầu ra. Ảnh: HÀ MINH
Rừng đã chết, liệu rừng có cháy...?
Nắng hạn kéo dài, sâu róm phát triển nhanh hơn cấp số nhân cắn phá hơn 2.000ha rừng trồng lấy nhựa từ 25 - 30 năm tuổi còn lại tại các huyện Cam Lộ và Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) khiến những cành cây khô chĩa mũi nhọn hoắt lên nền trời xanh ngăn ngắt, nắng chói chang.
Nắng nóng đến rát mặt, vậy nhưng tại khu rừng thông của HTX An Mỹ, xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) hàng vạn con sâu róm to như ngón tay cứ bò lúc nhúc tìm gặp thân cây bám chặt như dính lần mò lên tận ngọn những cành thông còn lưa thưa những cọng lá xanh. Thoáng chốc, bầy sâu cắn trơ trụi lá. Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ nhiệm HTX An Mỹ, cho biết: “Thường đến tháng 8 âm lịch, sâu róm hại cây thông mới xuất hiện. Thế nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài từ trước Tết Nguyên đán đến nay nên sâu róm xuất hiện và bùng phát bất thường”. Chỉ khoảng 3.000 cây thông bị sâu róm ăn trụi lá nên bà con xã viên phải tạm dừng việc khai thác nhựa thông trên diện tích 100ha và chờ 4 năm sau cây phục hồi mới có thể khai thác trở lại. Nhưng vì cây thông quá cao, khó khăn cho việc phun thuốc phòng trừ bệnh nên công việc dập dịch chủ yếu triển khai bằng biện pháp bắt từng con sâu và thu dọn lớp lá thông bị sâu cắn rơi xuống gốc. “HTX sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để bà con xã viên bẫy đèn bắt sâu róm. Về đêm, người dân lại khốn khổ vì bướm nâu (nở ra từ kén sâu róm) vì cứ thấy ánh đèn sáng là chúng bay vào. Bụi phấn từ bướm bay vào người gây ngứa ngáy, khó chịu” - ông Huy cho biết thêm.
Ông Lê Lữ, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đường 9 (tỉnh Quảng Trị) cho biết, đơn vị đang quản lý và chăm sóc hơn 1.300ha rừng thông cho khai thác nhựa. Song hầu hết rừng thông đã già cỗi, trên 30 năm tuổi, không còn khả năng sinh trưởng phát triển và chống chịu sâu bệnh kém. Trước mắt, đơn vị đã kiến nghị ngành chức năng cho phép đơn vị thanh lý 200ha rừng đã quá tuổi để trồng mới. Hiện đơn vị đang đo đạc kiểm đếm diện tích thông chết để trình UBND tỉnh xin được thanh lý trồng lại rừng trong năm 2015.
Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm tăng cường về địa bàn, triển khai phương án phòng chống cháy rừng tại các điểm cây thông bị chết; hạn chế người dân vào rừng, nghiêm cấm người dân phát đốt thực bì trong những ngày nắng nóng. Ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết, lo nhất là khoảng 20.000ha rừng trồng và rừng phòng hộ đã hết thời kỳ chăm sóc. Trước mắt, chúng tôi cắt cử lực lượng ưu tiên những điểm nguy cơ cháy rừng cao. Đồng thời ưu tiên kiểm tra, kiểm soát, hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng. Nếu xảy ra cháy kịp thời ứng cứu và xử lý ngay.
Cây chống hạn - lo đầu ra
Xã Bình Phú (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là một trong gần 10 xã của tỉnh Quảng Ngãi luôn có chấm đỏ đậm đánh dấu tình trạng khô hạn nghiêm trọng nhất do nguồn nước từ hồ chứa Thạch Nham không đến được chân ruộng. Vì vậy, người dân, chính quyền đã chủ động chuyển đổi hơn chục ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngắn ngày chịu hạn. Hiệu quả từ việc thu hoạch những loại cây này được cho là khả quan. Với mô hình lúa đông xuân - đậu phộng hè thu cho thu nhập trên 60 triệu đồng/ha/năm, lúa đông xuân - bí, cà chua, khổ qua hè thu cho trên 160 triệu đồng/ha/năm, hay lúa đông xuân - ớt hè thu cho giá trị thu nhập trên 90 triệu đồng/ha/năm... Từ hiệu quả của các mô hình luân canh trên, có thể thấy rằng, việc thực hiện khoa học, hợp lý chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ giúp bà con nông dân tại những vùng thường xuyên thiếu nước có thể tránh được nguy cơ mất mùa mà còn nâng cao giá trị thu hoạch gấp nhiều lần so với trồng lúa. Vì vậy, từ chỗ chuyển đổi hơn 100ha từ đất lúa sang cây trồng cạn, vụ hè thu năm nay, diện tích chuyển đổi đã tăng lên 433ha tại Quảng Ngãi.
Tại Quảng Trị, có khoảng 10.000ha lúa và hoa màu trong vụ hè thu bị khô hạn, trong đó diện tích đất lúa không sản xuất được do thiếu nước là trên 3.700ha. UBND tỉnh Quảng Trị đã duyệt phương án chuyển đổi 536ha lúa sang trồng cây đậu xanh. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ gieo trồng được 48ha ở các huyện Đakrông, Cam Lộ và Triệu Phong, diện tích còn lại chưa gieo trồng được do không có mưa nên đất không đảm bảo độ ẩm. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính lo lắng trước thực tế nắng nóng gay gắt trên diện rộng như hiện nay nên đã chỉ đạo địa phương cần phải rà soát lại tất cả các diện tích chuyển đổi, nơi nào có thể gieo trồng được chắc ăn mới tiến hành làm, không nhất thiết phải chuyển đổi bằng mọi giá để tránh gây thiệt hại cho người dân, bám sát tình hình chuyển đổi ở cơ sở được tiến hành như thế nào, có vướng mắc hay không để có biện pháp giải quyết kịp thời. Đối với những vùng không sản xuất được do không có nước tưới nên khuyến cáo người dân ngừng sản xuất, tránh tình trạng sản xuất tự phát gây thiệt hại cho người dân.
Hà Minh - Văn Thắng