Miền Trung đối phó bão mới

Đến trưa 27-9, bão số 4 đã suy yếu thành áp tháp nhiệt đới trước khi vào đất liền. Bão tan, người dân các tỉnh miền Trung tập trung khắc phục hậu quả bão lũ và triển khai các biện pháp để đối phó với bão số 5 đang tiến vào biển Đông.
Miền Trung đối phó bão mới

Đến trưa 27-9, bão số 4 đã suy yếu thành áp tháp nhiệt đới trước khi vào đất liền. Bão tan, người dân các tỉnh miền Trung tập trung khắc phục hậu quả bão lũ và triển khai các biện pháp để đối phó với bão số 5 đang tiến vào biển Đông.

  • 3 người chết, 1 cháu bé mất tích

Do ảnh hưởng của bão số 4, lũ trên các sông ở miền Trung lên mức trên báo động 1, có nơi trên báo động 2. Tuy nhiên, sau khi bão tan, mưa đã giảm trên hầu hết các địa phương, lũ trên các sông đã đạt đỉnh và đang xuống.

Đợt bão lũ vừa qua đã có 3 người chết, 1 người mất tích. Chiều 27-9, BCH Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên cho biết, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đã tìm thấy thi thể anh Nguyễn Vũ Viên trôi trên biển cách mũi Dinh (tỉnh Ninh Thuận) khoảng 3 hải lý về hướng Đông và đưa vào bờ. Trong ngày 27-9, gia đình đã vào đem thi thể anh về mai táng tại quê nhà. Anh Viên (31 tuổi) thuyền viên tàu PY 6678TS bị rơi xuống biển lúc 10 giờ sáng 26-9 khi tàu đang trên đường vào đất liền tránh bão.

Hai vợ chồng ông Phạm Thăng (SN 1962) và bà Nguyễn Thị Chung (SN 1970, trú phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) chèo ghe đi đánh bắt cá thì bị mưa to gió lớn gây lật thuyền tử nạn; 1 cháu nhỏ 7 tuổi ở Quảng Nam bị mất tích vẫn chưa tìm thấy xác. 3 người dân ở Thừa Thiên - Huế bị thương do trèo lên mái nhà chèn chống nhà cửa để chống bão bị té ngã. Ngoài ra, mưa lũ đã làm cho nhiều ngôi nhà bị ngập, hư hại; hàng chục ngàn ha lúa ngập úng, hoa màu bị hư hại và mất trắng...

  • Di dời dân do núi nứt

Chiều 27-9, UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) cùng bà con, cán bộ xã Lượng Minh đã cùng chung tay di dời khẩn cấp 13 hộ dân sống dưới chân núi Pù Căm (thuộc bản Xốp Mạt). Do các đợt mưa lớn kéo dài liên tục trong thời gian qua khiến núi Pù Căm bị nứt từ đỉnh xuống đến chân với chiều dài gần 1km, sâu từ 40-60cm. Việc nứt núi đe dọa trực tiếp đến 45 hộ dân bản Xốp Mạt, trụ sở trạm y tế, trụ sở UBND xã Lượng Minh, cầu treo Xốp Mạt… Huyện đã hỗ trợ ngay 10 triệu đồng/hộ cùng vật liệu xây dựng để có thể làm ngay nhà tạm, chuyển bà con đến nơi ở mới. Sắp tới sẽ có ít nhất 45 hộ dân ở bản Xốp Mạt phải di dời trước nguy cơ núi lở. Tuy nhiên, hiện địa điểm di dời vẫn chưa thống nhất.

Ngày 27-9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh có công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My phối hợp với Giám đốc Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 và các lực lượng trên địa bàn huyện vận động, tuyên truyền và tổ chức di dời khẩn cấp 10 hộ dân, với tổng cộng 28 nhân khẩu và tài sản của các hộ dân còn lại ra khỏi lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (bị đe dọa bởi mực nước hồ dâng cao) trước ngày 28-9. Trường hợp các hộ dân không chấp hành thì cưỡng chế thực hiện di dời.

Nông dân Hà Tĩnh gặt lúa chạy bão, lũ. Ảnh: D. Quang

Nông dân Hà Tĩnh gặt lúa chạy bão, lũ. Ảnh: D. Quang

Chiều 27-9, ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, nguy cơ sẽ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở địa bàn huyện này rất cao. Hiện huyện đã khẩn cấp lập danh sách, lên phương án sẵn sàng tổ chức sơ tán khoảng 3.000 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi tình huống cấp thiết, đồng thời ký hợp đồng thuê cố định 117 xe tải ben, xe máy ủi, xe máy cẩu, máy xúc, xe khách, 11 xuồng và thuyền máy, 13 thuyền khác… để phục vụ ứng cứu khi có lệnh. 


Bão Nesat nhằm thẳng hướng vịnh Bắc bộ

Ngay sau khi bão số 4 (Haiting) vừa đi sâu vào đất liền và tan dần thì cơn bão mạnh cấp 12-13 có tên quốc tế là Nesat cũng đã tràn vào biển Đông từ trưa hôm qua (27-9), sớm hơn so với nhận định ban đầu 6 giờ.

Từ trưa hôm qua, cơn bão Nesat đã vượt qua đảo Luzon của Philippines vào biển Đông, trở thành cơn bão số 5 và đang nhằm thẳng hướng vịnh Bắc bộ, tiếp tục đe dọa các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ cũng như hàng ngàn ngư dân còn trên biển. Chiều qua, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ vĩ Bắc và 119,5 độ kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức từ 118 đến 133km/giờ), giật cấp 13-14. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, khả năng bão số 5 đi thẳng hướng bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) để vào vịnh Bắc bộ, ảnh hưởng vệt dài từ tỉnh Quảng Ninh tới Quảng Nam-Đà Nẵng.

Để lo ứng phó với cơn bão mới, sáng 27-9, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã có thêm công điện khẩn số 33/CĐ-VPTW gửi các tỉnh từ Quảng Ninh tới Bình Định và các bộ có liên quan yêu cầu chuẩn bị đón bão. Ban chỉ đạo PCLB Trung ương khẳng định, đây là cơn bão rất mạnh, có phạm vi ảnh hưởng rộng nên rất nguy hiểm cho tàu thuyền còn ở ngoài khơi, đặc biệt là khu vực Bắc và giữa biển Đông. Ngoài ra, bão sẽ đổ bộ trùng với đợt không khí lạnh cường độ mạnh, có thể gây mưa to diện rộng cho cả khu vực Bắc bộ, Trung bộ.

Do vậy, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương yêu cầu các tỉnh khẩn trương rà soát lại số lượng tàu còn đang trên biển, tất cả các tàu hoạt động ở Bắc vĩ tuyến 15 thì dứt khoát phải đi ra khỏi khu vực nguy hiểm và trở về bờ trong vòng 24 giờ tới. Còn ở trên bờ, chính quyền các tỉnh cần rà soát lại các khu dân cư có khả năng cao về lũ lụt và sạt lở núi, đất đá, chuẩn bị phương án di dời dân tới nơi an toàn.  

NHÓM PV

- Thông tin liên quan:

>> Bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

>> Miền Trung: Trên chống bão, dưới lo lũ lớn

>> Miền Trung: Khẩn cấp đối phó với bão

Tin cùng chuyên mục