Miền Trung: Khẩn cấp đối phó với bão

Đà Nẵng: Cứu tàu cá với 3 ngư dân bị nạn ngoài biển
Miền Trung: Khẩn cấp đối phó với bão
  • Nhiều tàu thuyền bị nạn trên biển

(SGGPO).- Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4 và theo dự báo sẽ đổ bộ vào các tỉnh miền Trung trong khuya nay hoặc ngày mai 27-9, sáng nay, 26-9, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp bàn các biện pháp đối phó với cơn bão số 4 (có tên quốc tế là Haitang).     

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển có khả năng chịu ảnh hưởng của bão thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão biết các thông tin để chủ động đối phó; yêu cầu chủ các phương tiện nhanh chóng thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; chủ động tìm nơi tránh trú an toàn, đặc biệt lưu ý các tàu thuyền đang hoạt động ở vùng Hoàng Sa và ven bờ; Khẩn trương sắp xếp tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản vào nơi neo đậu; kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào đất liền; Hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn khi có bão; Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng 252 cùng ngư dân phường Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) đưa tàu thuyền lên bờ. Ảnh: Nguyễn Hùng

Chiến sĩ Đồn Biên phòng 252 cùng ngư dân phường Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) đưa tàu thuyền lên bờ. Ảnh: Nguyễn Hùng

Bộ trưởng yêu cầu, các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh An Giang cần tiếp tục huy động vật tư, phương tiện, nhân lực để gia cố bờ bao, đê bao, phòng chống sạt lở bờ sông bảo vệ dân cư và diện tích lúa vụ 3; di dời dân cư ở các khu vực sạt lở, ngập sâu để đảm bảo an toàn; khẩn trương thu hoạch các trà lúa đã chín. 

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay đã thu hoạch được khoảng 385.340ha/609.934ha, trong đó Đồng Tháp: 70.120/98.858ha; An Giang: 2.918/131.368ha; Cần Thơ: 31.000/54.363ha; Tiền Giang: 36.460/43.423ha; Kiên Giang: 244.842/281.922ha.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Tham mưu, Bộ Đội biên phòng: Đến 6h ngày 26-9 đã thông báo được tổng số 31.459 tàu, thuyền, với 147.290 người. Các tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Phú Yên đã có Công điện chỉ đạo khẩn trương đối phó với bão, mưa lũ. Các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có lệnh cấm tàu, thuyền ra khơi.

* Theo bản tin phát lúc 17h30 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 26-9 vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 230 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 4 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Đà Nẵng khoảng 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi vào đất liền và suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 27-9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 một giờ).

Do ảnh hưởng của bão vùng biển quần đảo Hoàng Sa, khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh. Từ đêm nay (26-9), vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Hồi 13h ngày 26-9 vị trí tâm bão Nesat ở vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 125,0 độ Kinh Đông, cường độ mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Trong 24h tới bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km một giờ, như vậy khoảng chiều tối và đêm mai (27/9) bão sẽ đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông. Do ảnh hưởng của bão, từ chiều mai (27/9) vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.

Trước tình hình đó, sáng na,y 26-9, chính quyền và người dân các tỉnh miền Trung đã triển khai cấp bách các biện pháp để đối phó với cơn bão, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và của.

Dân cư ven biển trên đường Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng) dùng bao cát chèn mái tôn vào sáng 26-9. Ảnh: Nguyễn Hùng

Dân cư ven biển trên đường Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng) dùng bao cát chèn mái tôn vào sáng 26-9. Ảnh: Nguyễn Hùng

Các địa phương từ Quảng Nam đến Hà Tĩnh đã huy động các lực lượng quân đội, công an, thanh niên xung kích… phối hợp cùng nhân dân tiến hành chèn chống nhà cửa, đưa tàu thuyền lên bờ trú tránh bão. Đồng thời tiến hành gia cố các hồ chứa, bờ đê xung yếu phòng khi có mưa lớn xảy ra. Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng các địa phương tiếp tục triển khai công tác kêu gọi tàu thuyền còn hoạt động trên biển vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn; tổ chức ứng cứu những thuyền đang bị nạn trên biển.

Theo ghi nhận của PV SGGPO, sáng nay tại các vùng ven biển của Đà Nẵng như Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu, người dân khẩn trương dùng bao chứa cát, xà bần để chèn lên mái nhà, tránh để xảy ra tốc mái khi bão đổ bộ vào đất liền. Bên cạnh đó, ngư dân ven biển với sự hỗ trợ của lực lượng Bộ đội biên phòng tiếp tục kéo tàu thuyền lên bờ trú tránh bão.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Tham mưu – Bộ Đội biên phòng, kết quả kiểm đếm tàu thuyền đến 6 giờ ngày 26-9 đã thông báo được tổng số 31.459 tàu, thuyền/147.290 người. Hiện vẫn còn 35 tàu/488 người đang hoạt động tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa; trong đó Quảng Ngãi: 23tàu/333 người; Quảng Nam: 12 tàu/155 người. Hiện 12 tàu của Quảng Nam đang trú tránh ở các đảo khu vực quần đảo Hoàng Sa (05 tàu ở đảo Bạch Quy, 04 tàu ở đảo Trung Sa, 03 tàu ở đảo Bông Bay); 23 tàu của Quảng Ngãi đang trú tránh quanh các đảo Trụ Cẩu, Đá Lồi và Bông Bay.

Trong khi đó, theo Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung – Tây Nguyên, do ảnh hưởng của bão số 4, vùng biển miền Trung có gió mạnh cấp 6-7 nên đã làm cho nhiều tàu cá bị nạn. Tàu ĐNa 00234 của Đà Nẵng bị hỏng máy từ 9h30 ngày 25-9 và đang thả neo tại tọa độ 16,08’ độ Vĩ Bắc,108,19’ độ Kinh Đông. Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải khu vực 2 đã điều tàu SAR 412 ra cứu nạn, nhưng chưa có kết quả do khu vực tàu bị nạn có sóng to, gió lớn.


Thừa Thiên - Huế: Sẵn sàng ứng phó với bão số 4

  • Bão chưa đến đã có 2 người thiệt mạng

Sáng nay 26-9, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện 100% tàu thuyền của địa phương hoạt động trên biển và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã vào bờ neo đậu tránh trú bão an toàn.

Chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự Thừa Thiên - Huế giúp người dân gia cố nhà. Ảnh: Văn Thắng

Chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự Thừa Thiên - Huế giúp người dân gia cố nhà. Ảnh: Văn Thắng

Tính đến 10 giờ sáng nay 26-9, tại các vùng xung yếu ở Thừa Thiên - Huế, Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với chính quyền, lực lượng xung kích các địa phương đã tổ chức di dời hàng ngàn hộ gia đình nằm trong vùng nguy hiểm.

Để đối phó với cơn bão số 4, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế lưu ý về tình hình trong bão tuyệt đối các địa phương phải cẩn thận hết sức không để xảy ra chết người. Các hồ chứa thủy điện, hồ chứa thủy lợi dù vẫn chưa đầy nước nhưng cần xem xét phương án có thể xả ít nước trước khi bão và mưa đổ vào hay không? Vì hiện cơn bão số 4 đang vào và cơn bão số 5 với cường độ mạnh hơn rất nhiều đang ngấp nghé. Nếu bão chồng bão kèm mưa to dữ dội thì các hồ chứa sẽ đầy. Lúc đó buộc phải xã hồ thì sẽ có nguy cơ lũ to kèm bão. Đây là hiệu ứng kép tác động rất lớn về mức độ thiệt hại cho nhân dân.

Chiều 26-9, ông Thiện cũng đã đi kiểm tra tình hình phòng chống lụt bão tại 2 xã Phú Hải, Phú Thuận huyện Phú Vang. Kiểm tra vùng sạt lở tại thôn An Dương, khu vực Hòa Duân của xã Phú Thuận, ông Thiện yêu cầu UBND xã quyết liệt di dời những hộ dân trong vùng xung yếu này, đặc biệt là 25 hộ nằm trong vùng sạt lở ở những nơi này theo diện tái định cư, tiến hành họp dân và phân công về từng tổ, từng nhà thực hiện các biện pháp phòng chống bão, theo tinh thần chuẩn bị cao nhất, không để xảy ra trường hợp chết người nào, hạn chế thấp nhất hư hại, mất mát tài sản của người dân do bão số 4 gây ra.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế kiểm tra công tác phòng chống bão. Ảnh: Phan Lê

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế kiểm tra công tác phòng chống bão. Ảnh: Phan Lê

Trước đó, vào sáng 26-9, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình ứng phó bão lụt tại công trình hồ chứa Thọ Sơn, thuộc dự án thuỷ lợi Tây Nam Hương Trà. Tại hiện trường, các đơn vị thi công đang tập trung mọi phương tiện máy móc để đào một con kênh dẫn dòng từ đập phụ để phòng nguy cơ vỡ đập chính. Kênh dẫn có chiều rộng 10m và dài khoảng 200m. Ông Nguyễn Văn Cao cũng yêu cầu UBND huyện Hương Trà tập trung chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị quản lý và thi công  xử lý, khắc phục kịp thời phần đập chính và kênh dẫn ngay trong chiều 26-9, trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền. Đồng thời, yêu cầu Quân đội điều động thêm lực lượng tăng cường để đảm bảo tiến độ.

Đại tá Nguyễn Văn Hiền, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị đã tập trung 100% quân số bám địa bàn; bố trí 3 tàu tuần tra và 3 ca nô 240CV của Hải đội 2 thường trực sẵn sàng làm nhiệm vụ Phòng chống Lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn trên biển và khu vực nam cầu Thuận An, đầm Thủy Tú, phá Tam Giang, Cầu Hai, cụm cảng Chân Mây. Cùng đó, các đơn vị tiến hành bố trí 8 ca nô ở các địa bàn Đồn Phong Hải, Đồn cửa khẩu cảng Thuận An, Đồn 228, Đồn cửa khẩu cảng Chân Mây, Đồn Lăng Cô... thực hiện nhiệm vụ tham gia Phòng chống Lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn trên đầm phá và vùng nước cảng thuộc địa bàn các đơn vị quản lý. Tại Bộ chỉ huy cũng được bố trí 1 ca nô làm nhiệm vụ Phòng chống Lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn khu vực dọc sông Hương từ phường Phường Đúc lên đến thượng nguồn sông Hương.

Sở Công Thương Thừa Thiên - Huế cũng đã dự trữ 100 tấn mì ăn liền và 100 tấn gạo sẵn sàng vận chuyển đến cứu nạn vùng thiên tai theo chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn. Huyện miền núi A Lưới cũng đã dự trữ 20 tấn gạo và 50.000 gói mì tôm, 10.000 lít xăng, 5.000 lít dầu Diezel và 3000 lít dầu hoả.

Tính đến 15 giờ chiều 26-9, 100% di tích tại thành phố Huế và các huyện vùng ven đã được lực lượng xung kích Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế gia cố thêm gỗ chắc và ràng néo cẩn thận nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại gió bão số 4 gây ra. Người dân TP Huế cũng bắt đầu đến các chợ và siêu thị mua sắm nhu yếu phẩm dự trữ ứng phó với bão số 4.

Lực lượng xung kích Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đang tiến hành gia cố gỗ để chống gió bão số 4 tại di tích Nghinh Lương Đình. Ảnh: Văn Thắng

Lực lượng xung kích Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đang tiến hành gia cố gỗ để chống gió bão số 4 tại di tích Nghinh Lương Đình. Ảnh: Văn Thắng

• Sáng nay 26-9, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Phan Văn Thông, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, cơ quan chức năng đã huy động toàn bộ cán bộ chiến sĩ và phương tiện cứu hộ tham gia trục vớt thi thể hai nạn nhân mất tích vì lật ghe đánh cá gồm anh Phạm Thăng, 50 tuổi, cùng vợ là chị Nguyễn Thị Chung, 42 tuổi, (trú tại tổ 3, Lương Hậu, phường Thủy lương, thị xã Hương Thủy). Đến 11 giờ cùng ngày, thi thể chị Chung và anh Thăng đã được tìm thấy. Trước đó, vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 25-9, vợ chồng anh Thăng đang chèo ghe đi bủa lưới trên sông Đại Giang thì gặp mưa to, gió lớn, chiếc ghe bị lật úp khiến cả hai vợ chồng chết thảm.


Hà Tĩnh: Sẵn sàng sơ tán 27.403 người dân đến nơi an toàn

Đến 10 giờ 30 phút, sáng nay, 26-9, địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa vừa đến mưa to trên diện rộng. Tại các huyện vùng ven cửa biển Lộc Hà, Kỳ Anh, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, gió và sóng biển mạnh dần. 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng mưa của cơn bão số 4, từ chiều và đêm 26-9, nước lũ trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Nam và khu vực Bắc Tây Nguyên sẽ lên nhanh. Các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, khu vực Bắc Tây Nguyên và thượng nguồn các sông ở Hà Tĩnh có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3.

UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện hỏa tốc đến tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị Quân sự, Bộ đội Biên phòng, Công an và các ngành liên quan triển khai biện pháp phòng chống bão. Đặc biệt, tổ chức kiểm tra, rà soát số lượng hộ dân cư đang sinh sống ở vùng xung yếu ven biển, ven cửa sông và chủ động phương án sơ tán dân cư, đảm bảo các công trình trọng điểm trước khi bão đổ bộ.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh có khoảng 3.800 tàu thuyền đánh cá vùng ven biển. Hiện các cơ quan chức năng kêu gọi số tàu thuyền chưa vào bờ khẩn cấp vào nơi trú ẩn, đồng thời tổ chức sắp xếp, bố trí các tàu thuyền ở khu neo đậu, đảm bảo an toàn.

Trước đó, ngay trong tối 25-9, ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và ông Nguyễn Thanh Bình, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 4. Tại cuộc họp này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã lên phương án sẵn sàng sơ tán 27.403 người dân (trong đó huyện Kỳ Anh 7.410 người, Cẩm Xuyên 3.757 người, Lộc Hà 6.483 người, Thạch Hà 8.495 người, Nghi Xuân 1.150 người và TP Hà Tĩnh 108 người…) đến nơi trú ẩn an toàn.

Đặc biệt, do thời điểm này, tại tỉnh Hà Tĩnh đang trong giai đoạn cao điểm thu hoạch vụ lúa hè thu, chính vì vậy nếu bão số 4 đổ bộ vào chắc chắn sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân. Hiện tỉnh Hà Tĩnh mới chỉ thu hoạch được khoảng 15.000ha/41.190ha.

  • Kon Tum: Mưa lũ gây thiệt hại nhiều diện tích hoa màu, một người bị lũ cuốn trôi

Mưa lớn kéo dài liên tục trong 3 ngày qua đã gây hư hại nhiều diện tích hoa màu, công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Thiệt hại ban đầu ước khoảng 25 tỷ đồng. Toàn tỉnh có trên 80ha lúa nước, hoa màu, hơn 2ha ao cá bị nước lũ bồi lấp; 3 công trình thủy lợi Tà Kan, Diên Bình, Đắk Pung bị hư hỏng.

Đã có 5 cầu treo ở các huyện Ngọc Hồi, Kon Rẫy bị cuốn trôi. Tại nhiều điểm trên tỉnh lộ 678 huyện Tu Mơ Rông đi các xã Đắk Sao, Đắk Na; tỉnh lộ 676 huyện Kon Plông đi xã Măng Mút… bị sạt lở, trôi nền đường. Trên quốc lộ 14, 14C và quốc lộ 24 xuất hiện một số điểm sạt lở, sụt trượt. Các cầu Đắk Wét, Đắk Câu (xã Đắk Pxi, huyện Đắk Hà) bị ngập sâu 3 mét, khiến giao thông bị chia cắt. Tại huyện Đắk Tô, đường đi vào khu sản xuất Tân Cảnh - Đắc Ji Rốp bị sạt lở nặng. Ước thiệt hại đối với hệ thống giao thông của tỉnh khoảng 24 tỷ đồng.

Ngoài ra, lũ cũng đã cuốn trôi anh Nguyễn Quang Huy, nhân viên bảo vệ Nông trường Cao su Sa Sơn, huyện Sa Thầy, đến sáng nay 26-9 vẫn chưa tìm thấy thi thể.

  • Lũ đầu nguồn ĐBSCL vượt báo động 3

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mực nước được lúc 7h ngày 26-9, trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,62m, vượt 12cm so với báo động 3; trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,94m, kém 6cm so với báo động 3. do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh và ở mức cao. Đến ngày 30-9, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,85m, vượt báo động 3 là 35cm; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 4,2m, vượt 20cm so với báo động 3. Trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa lên mức 2,1m, trên báo động 2 là 30cm; tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên lên mức báo động 3, có nơi trên báo động 3. Sau đó lũ sông Cửu Long còn tiếp tục lên. Cần chủ động phòng chống lũ lớn , ngập sâu ở vùng đầu nguồn và Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên.

Trước tình hình lũ vượt báo động 3, tiếp tục lên nhanh và diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh ngày 26-9 đã ký quyết định Công bố tình trạng lũ khẩn cấp trên địa bàn tỉnh An Giang (kể từ ngày 26-9) làm căn cứ cho các địa phương triển khai ngay các biện pháp cấp bách bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, đảm bảo không làm thiệt hại bất cứ 1 ha nào của diện tích vụ thu đông năm 2011.

Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão cấp tỉnh tổ chức bám sát địa bàn phụ trách, phối hợp và hỗ trợ địa phương phòng chống lụt bão. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các Sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay các biện pháp theo từng lĩnh vực ngành và địa bàn phụ trách để phòng chống và bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Trước mắt có thể trưng dụng các phương tiện gia cố tôn cao đê (xáng cạp, kobe, …), phương tiện vận tải thủy, bộ, vật tư khác (nếu cần thiết) hiện có trên địa bàn để phục vụ kịp thời phòng chống lũ khẩn cấp. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, nhờ sự chi viện các lực lượng quân đội chủ lực của Quân khu đóng trên địa bàn, cùng các lực lượng Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Chữ thập đỏ, dân quân tự vệ… triển khai ngay việc hỗ trợ địa phương gia cố, tôn cao các tuyến đê xung yếu, còn thấp; tổ chức tuần tra thường xuyên nhằm kịp thời cứu hộ, cứu nạn tại các điểm xung yếu, bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức các đơn vị chuyên môn bám sát địa bàn, phối hợp với các ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực hỗ trợ địa phương gia cố tôn cao đê bao, bơm tiêu chống úng bảo vệ sản xuất vụ thu đông. Sở Giáo dục – Đào tạo tạo chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội... tổ chức tốt các điểm giữ trẻ, đưa rước học sinh đảm bảo an toàn. Trong trường hợp có khả năng gây nguy hiểm đến sự an toàn của học sinh thì phải cho nghỉ học. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát các hộ nghèo có khả năng ảnh hưởng lũ để hỗ trợ kịp thời. UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, tập kết tất cả các phương tiện, vật tư cần thiết và thực hiện ngay việc gia cố tôn cao các vị trí và đoạn đê xung yếu, còn thấp đạt cao trình đỉnh lũ năm 2000 và cộng thêm 50cm...

Đảm bảo có điện ưu tiên (có điện 24/24) cho các tiểu vùng có sản xuất vụ thu đông đến hết ngày 12-10. Công bố số điện thoại đường dây nóng trong địa phương để người dân biết và cung cấp thông tin kịp thời... Tất cả các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện với tinh thần quyết tâm bảo vệ 143.996 ha diện tích sản xuất vụ thu đông năm 2011.

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục