Miền Trung khẩn cấp ứng phó bão số 7

Đến chiều ngày 5-10, tại khu vực ven biển từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa đã bắt đầu có gió mạnh, trời âm u. Để chủ động phòng tránh bão số 7, ngay trong ngày 5-10, người dân và các cấp ngành cùng chính quyền địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách để ứng phó nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra.
Miền Trung khẩn cấp ứng phó bão số 7

Đến chiều ngày 5-10, tại khu vực ven biển từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa đã bắt đầu có gió mạnh, trời âm u. Để chủ động phòng tránh bão số 7, ngay trong ngày 5-10, người dân và các cấp ngành cùng chính quyền địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách để ứng phó nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra.

  • Sẵn sàng sơ tán dân

Theo Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên, đến trưa ngày 5-10 đã thông báo và hướng dẫn cho 50.256 tàu/251.913 người đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Đáng chú ý, hiện còn 6 tàu/87 người của tỉnh Quảng Ngãi tránh trú ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (4 tàu/58 người ở đảo Phú lâm, 1 tàu/14 người ở đảo Linh Côn, 1 tàu/15 người ở đảo Đá Lồi).

Ngay trong ngày 5-10, Bộ đội biên phòng các địa phương từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tổ chức hướng dẫn vào neo đậu trú tránh bão tại những âu thuyền, khu vực kín gió. Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng cũng đã huy động công nhân khẩn trương cắt tỉa cành cây đề phòng gió bão quật ngã.

Ngư dân vùng ven biển quận Sơn Trà (Đà Nẵng) khẩn trương đưa ghe thuyền lên bờ tránh bão số 7 trong sáng 5-10. Ảnh: Nguyễn Hùng

Ngư dân vùng ven biển quận Sơn Trà (Đà Nẵng) khẩn trương đưa ghe thuyền lên bờ tránh bão số 7 trong sáng 5-10. Ảnh: Nguyễn Hùng

Cùng ngày, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Nam đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương tổ chức chèn chống nhà cửa, trụ sở cơ quan, kho tàng và cơ sở vật chất khác nhằm tăng khả năng chống chịu với gió bão; dự trữ lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết. Có kế hoạch sơ tán dân ở những nhà bán kiên cố, vùng trũng thấp, những nơi có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn. Nếu xét thấy dự báo bão có khả năng ảnh hưởng lớn đến Quảng Nam, các địa phương sẽ triển khai thực hiện công tác sơ tán dân trong ngày 6-10 nhằm hạn chế thiệt hại về người do bão, lũ gây ra.

Theo báo cáo của 14 huyện, thành phố của tỉnh Quảng Nam, số lượng dân cần sơ tán tránh bão, ngập lụt và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh là 38.440 hộ (146.195 khẩu).

Ngày 5-10, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh phối hợp huyện Can Lộc và chính quyền cùng hàng ngàn người dân xã Tùng Lộc tổ chức diễn tập phòng chống bão lụt - thiên tai. Việc diễn tập nằm trong hoạt động của Dự án rừng ngập mặn và ứng phó thảm họa do Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ.

Sáng 5-10, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã có mặt tại Quảng Ngãi để trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 7.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ, Trưởng ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã kiểm tra những vùng trọng điểm, xung yếu, vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng của bão số 7.

Tại vùng biển Quảng Ngãi, lệnh nghiêm cấm tất cả các tàu thuyền xuất bến ra biển đã được ban bố, bao gồm cả tuyến vận tải hành khách Sa Kỳ- Lý Sơn và ngược lại. Tất cả các địa phương trong tỉnh cũng đã hoãn các cuộc họp để tập trung cho công tác phòng chống bão số 7. Kiểm tra, rà soát để có phương án di dời, sơ tán dân ở những vùng ven sông, ven biển, vùng sạt lở núi, lũ quét ở những khu vực ven biển như An Cường, Bình Hải (huyện Bình Sơn), các vùng ven sông Trà Khúc, Trà Bồng, sông Vệ, các khu vực miền núi có nguy cơ sạt lở cao của huyện Trà Bồng, Tây Trà… Riêng tại huyện Đức Phổ, 125 hộ dân có nguy cơ bị sạt lở và triều cường xâm lấn ở xã Phổ Thạnh và Phổ Châu và trên 100 hộ ở xã Phổ Vinh có nguy cơ bị ngập lụt đang được di dời đến nơi ở kiên cố và các trường học.

  • Đề phòng lũ quét

Chiều 5-10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp khẩn với Ban chỉ đạo PCLB Trung ương để chỉ đạo các giải pháp ứng phó với tình hình bão số 7.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, tối qua (5-10), bão số 7 vẫn đang trên đường di chuyển thẳng về phía Tây, hướng vào bờ biển các tỉnh ở Nam Trung bộ. Vị trí tâm bão đã ở vào khoảng 14,6 độ vĩ Bắc; 115,1 độ kinh Đông, chỉ còn cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Phú Yên khoảng 640km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9 - 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km và có khả năng mạnh thêm. Sau đó, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km, đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11. Biển động rất mạnh. Từ sáng nay (6-10), vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11. Biển động rất mạnh.

Từ chiều tối và đêm 6-10, ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9 - 10. Các tỉnh ở Bắc Tây Nguyên cũng có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Trên các vùng biển ở Trung bộ sẽ có mưa từ sáng 6-10 và trên đất liền mưa bắt đầu từ trưa 6-10. Đến chiều và tối sẽ có mưa to, 80 - 90% lượng mưa tập trung vào khoảng thời gian từ tối 6-10 đến trưa 7-10. Theo nhận định, khu vực Thừa Thiên - Huế đến Bình Định sẽ có mưa khoảng 200 - 300mm. Nhiều khả năng các sông, suối tại các tỉnh Quảng Bình, Khánh Hòa, khu vực Bắc Tây Nguyên sẽ có lũ biên độ trên báo động 1, có sông trên báo động 2. Đồng thời hôm qua, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng đã phát đi bản tin cảnh báo đợt lũ sắp xảy ra ở khu vực Trung bộ và Tây Nguyên. Từ chiều tối 6-10, mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên nhanh. Lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum có khả năng lên mức BĐ2 - BĐ3, có nơi trên BĐ3; các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa lên mức BĐ1 - BĐ2, có nơi trên BĐ2. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Bắc Tây Nguyên.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Trưởng ban chỉ đạo PCLB Trung ương Cao Đức Phát, có hai vấn đề cần quan tâm ứng phó với mưa bão là đảm bảo an toàn các hồ chứa và sơ tán dân ven sông. Hiện các hồ chứa thủy lợi khu vực Tây Nguyên và ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận đã tích nước từ 80 - 100% dung tích thiết kế. Một số hồ đã đầy như Suối Trầu (Khánh Hòa), Cà Giây (Bình Thuận), Đắc Uy (Kon Tum), Biển Hồ (Gia Lai), Krông Búc Hạ (Đắk Lắk)...

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương tập trung rà soát tàu thuyền, kêu gọi, hướng dẫn các chủ tàu đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn. Tổ chức neo đậu tàu thuyền, gia cố, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây... để kịp thời ứng phó bão. Các địa phương cũng cần kiểm tra toàn bộ các vùng hạ lưu, cống, ngầm, vùng trũng, có phương án sơ tán dân, đặc biệt lưu ý trẻ em đi học. Toàn bộ công tác chuẩn bị phải hoàn thành trước 14 giờ chiều 6-10.

Thiên tai làm 229 người chết và mất tích, thiệt hại 3.200 tỷ đồng

Tổng cục Thống kê cho biết: 9 tháng qua, thiên tai xảy ra liên tiếp đã làm 229 người chết và mất tích, 355 người bị thương, tổng giá trị thiệt hại lên tới 3.200 tỷ đồng. Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai đã làm hơn 2.200 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 53.700 ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái; 38.700ha lúa và 8.500ha hoa màu bị mất trắng; gần 145.000ha lúa và 29.600ha hoa màu bị ngập, hư hỏng.

Ngày 5-10, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trích 162 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2012 để hỗ trợ 13 tỉnh, thành phố tập trung khắc phục hậu quả: mưa lũ, lốc xoáy, bão số 4, số 5 năm 2012. Số tiền này dành hỗ trợ 13 địa phương thực hiện cứu trợ đột xuất gia đình có người chết, người bị thương, nhà đổ sập, trôi, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính tạm ứng 16 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương năm 2012 để thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai cho các tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc.

NHÓM PV

- Thông tin liên quan:

>> Bão số 7 sẽ đổ bộ vào Quảng Ngãi, Bình Định

Tin cùng chuyên mục