Miền Trung nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ

* 36 người chết và mất tíchSau khi đạt đỉnh và xuống chậm từ chiều 16-11, bất ngờ trong đêm 16 và ngày 17-11, mưa lớn lại tiếp tục xảy ra trên địa bàn các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Do đó, lũ trên các sông ở 2 địa phương này lên trở lại và ở mức đặc biệt cao (có nơi vượt báo động 3 đến 1,1m). Hàng ngàn hộ dân tiếp tục bị nhấn chìm trong lũ và bị cô lập trong hơn 3 ngày qua. Đến chiều tối 17-11, lũ trên hầu hết các địa phương từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam đã xuống mức báo động 2, người dân cùng các cấp chính quyền triển khai các biện pháp khắc phục.
Miền Trung nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ

* 36 người chết và mất tích

Sau khi đạt đỉnh và xuống chậm từ chiều 16-11, bất ngờ trong đêm 16 và ngày 17-11, mưa lớn lại tiếp tục xảy ra trên địa bàn các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Do đó, lũ trên các sông ở 2 địa phương này lên trở lại và ở mức đặc biệt cao (có nơi vượt báo động 3 đến 1,1m). Hàng ngàn hộ dân tiếp tục bị nhấn chìm trong lũ và bị cô lập trong hơn 3 ngày qua. Đến chiều tối 17-11, lũ trên hầu hết các địa phương từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam đã xuống mức báo động 2, người dân cùng các cấp chính quyền triển khai các biện pháp khắc phục.

Theo Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên, đến chiều 17-11, trên địa bàn các tỉnh, thành miền Trung vẫn còn hơn 50 xã thuộc các vùng trũng thấp vẫn còn bị nước lũ cô lập, chia cắt. Hiện các địa phương đang tích cực triển khai công tác cứu trợ người dân, cung cấp lương thực, nước uống cho những hộ gia đình bị lũ cô lập nhiều ngày qua. Đồng thời tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cho những gia đình có người thân bị thiệt mạng do lũ gây ra. Thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương, đến ngày 17-11, mưa lũ đã làm 27 người chết. Trong đó, Quảng Nam: 2, Quảng Ngãi: 8, Bình Định: 16, Gia Lai: 1, Kon Tum: 1. Hiện vẫn còn 9 người mất tích (Quảng Nam: 1, Quảng Ngãi: 4, Bình Định: 1, Phú Yên: 1, Khánh Hòa: 1, Gia Lai: 1) và 16 người bị thương.

Đến chiều 17-11, giao thông tại nhiều nơi vẫn còn bị chia cắt do sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt là các tuyến giao thông nối từ đồng bằng lên các huyện miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó trưởng ban PCLB và TKCN TP Đà Nẵng, nguyên nhân khiến lũ ở các địa phương miền Trung rút chậm là do các hồ thủy điện, hồ chứa đang xả lũ với lưu lượng lớn. Hiện có 15 hồ chứa thủy lợi đã tiến hành xả tràn với lưu lượng từ 30 - 600m³/giây.

Trong ngày 17-11, tỉnh Quảng Ngãi đã chuyển về các địa phương hơn 100.000 gói mì tôm, 100.000 chai nước suối, 30 tấn gạo và tiếp tục kêu gọi cộng đồng chung tay, góp sức giúp người dân vượt qua khó khăn, hoạn nạn.

Tại tỉnh Bình Định, tuyến QL 1A đoạn đi qua thị xã An Nhơn bị ngập sâu 1,2m - 1,4m, tuyến đường nối Quốc lộ 1A đến sân bay Phù Cát bị tắc đường do ngập nước dẫn đến các tuyến bay từ Quy Nhơn bị đình trệ. Lo ngại nhất là kho lúa giống của Trung tâm Giống cây trồng bị ngập hỏng 200 tấn lúa lai, 300 tấn lúa thuần.

Sáng 17-11, rất đông khách du lịch, chủ yếu là khách ngoại quốc tham quan các di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế sau khi đơn vị quản lý mở cửa đón khách trở lại sau lũ. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đặt tạm thời một lối gạch Bát Tràng và huy động xe điện vận chuyển du khách qua một số điểm ngập nước tại khu vực cửa Ngọ Môn.

Mưa to liên tục đã khiến quốc lộ 24 và tỉnh lộ 676 nối trung tâm huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) với các xã vùng Đông Trường Sơn có hàng chục vị trí sạt lở các ta-luy dương và ta-luy âm, khiến các xã Đăk Tăng, Măng Bút, Đăk Ring, Đăk Nên, Pờ Ê, Ngọc Tem (huyện Kon Plông) bị cô lập hoàn toàn.

Đến 17 giờ chiều 17-11, tuyến đường tránh dài hơn 100m, rộng 5m đã được hình thành, góp phần giải quyết ách tắc giao thông cục bộ trên quốc lộ 24. Quốc lộ 24 đoạn qua tỉnh Kon Tum vẫn còn một điểm chưa thông tuyến tại Km 70 (đoạn trên đèo Violet), do một khối đá lớn sập xuống đường chắn ngang lối đi. Ngành giao thông phải nổ mìn phá đá để thông tuyến.

Trong khi đó, tại Gia Lai, đèo An Khê cũng bị sạt lở nghiêm trọng.

Hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại do bão số 10, 11

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ NN-PTNT xuất cấp (không thu tiền) vaccine và hóa chất sát trùng hỗ trợ 8 địa phương khắc phục hậu quả do bão số 10, số 11 gây ra. Cụ thể, xuất cấp 150.000 liều vaccine lở mồm long móng type O; 50.000 liều vaccine lở mồm long móng tam giá; 1.630.000 liều vaccine dịch tả heo; 180.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid; 21.000 lít hóa chất sát trùng Han-Iodine và 135 tấn hóa chất Chlorine hỗ trợ 8 địa phương: Nghệ An; Hà Tĩnh; Quảng Bình; Quảng Trị; Thừa Thiên - Huế; Đà Nẵng; Quảng Nam; Quảng Ngãi.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 3.480 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Hà Tĩnh để cứu đói nhân dân bị thiệt hại do bão số 10 và số 11 gây ra.

Nhóm PV


Quảng Nam: Lũ cát lấp làng

Ngày 17-11, khi cơn lũ vừa dứt, chúng tôi tìm về thôn Đại Mỹ và Thành Đại, xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), nơi bị cơn lũ càn quét tan hoang và lũ cát lấp làng. Đây là lần thứ 4 trong năm nay, Đại Mỹ và Thành Đại bị lũ cát lấp làng.

        Tan hoang thôn nghèo

Ngày 17-11, cơn lũ kinh hoàng trên sông Vu Gia xuống thấp nhưng vẫn còn trên mức báo động 2, nhiều xã cánh Tây huyện Đại Lộc vẫn ngập chìm trong lũ và cô lập với bên ngoài. Để về được thôn Đại Mỹ và Thành Đại, chúng tôi phải vượt hơn 50km bằng xe máy theo QL14B, qua nhiều điểm ngập lũ mới đến được Ba Khe (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc). Từ đây, phải mất 30 phút đi phà ngược sông Vu Gia rồi mới tới nơi. Trên đường đi, rơm rạ và rác rến còn vương trên dây điện, trên ngọn cây cao, bằng chứng của một cơn lũ kinh hoàng vừa đi qua. Con đường bê tông dẫn vào làng Đại Mỹ ngập sâu dưới hơn 1m cát. Hai bên đường, hầu hết nhà dân bị cát lấp hơn 1m, rác vướng trên tường nhà. Ngấn lũ vẫn còn in đậm trên 3m so với nền nhà.

Người dân thôn Đại Mỹ (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) dọn nhà bị cát vùi lấp. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Người dân thôn Đại Mỹ (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) dọn nhà bị cát vùi lấp. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Bà Trần Thị Thí (82 tuổi, trú thôn Đại Mỹ), đứng nhìn hai cái ao bị lũ đào sâu hoắm, nơi trước đây là hai cái mộ, than thở: “Tui sống gần hết đời người nơi đây mà chừ là lần đầu tiên tui thấy lũ về nhanh và chảy như thác. Từ trước tới nay chưa bao giờ có lũ như thế này, từ khi có mấy cái thủy điện ở thượng nguồn là làng mạc bị tàn phá, bị cát lấp. Nhà bị cát lấp, vườn thì bị lũ đào thành ao sâu, đến hai cái mộ bằng xi măng mà cũng bị cày xới đâu mất”.

Cách đó không xa, bà Lê Thị Bảy (53 tuổi), đang gồng mình xúc cát bồi lấp trong nhà, bức xúc: “Họ (thủy điện - PV) xả lũ mà chẳng thông báo chi hết, làm dân tui chẳng kịp trở tay. Mưa không lớn nhưng chỉ mấy mươi phút là nước ngập trắng, nhấn chìm tất cả. Sau lũ xiết là nhà cửa, đường sá bị cát lấp sâu hơn 1m, không biết đến khi nào mới dọn xong. Heo gà thì lũ cuốn hết rồi, không biết lấy gì để sống”.

Ông Nguyễn Khắc Xuyên, Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng, cho biết thêm: Hiện nay chỉ có một số thủy điện lớn như A Vương, Đắk Mi 4 khi xả lũ là có thông báo, trong khi nhiều thủy điện nhỏ khác như Sông Côn, Sông Vàng 1, Sông Vàng 2… thì không nghe nói gì nên chẳng ai kiểm soát được mức xả lũ của các thủy điện này. Vì thế, mỗi khi các thủy điện lớn xả lũ thì các thủy điện nhỏ cũng “ăn theo” nhưng chẳng ai để ý.

        Xơ xác Nghĩa Hành

Xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây và Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành được xem là bị thiệt hại nặng nhất trong cơn lũ lịch sử, bởi 100% nhà cửa của các xã trên đều bị ngập chìm trong nước từ 3 - 5m.

Những con đường làng được phủ lên lớp bùn non ngập đầu gối, vườn tược hoang tàn, nhà cửa đổ nát, xác động vật nằm lẫn lộn với tủ, giường, bàn, ghế vất vưởng khắp nơi trước cái nhìn bất lực của nhiều người. Xót của, nhiều gia đình cố đào bới với hy vọng nhặt nhạnh những gì còn sót lại.

Nhà ông Dần, xã Hành Thiện bị lũ xô đổ.

Nhà ông Dần, xã Hành Thiện bị lũ xô đổ.

Ông Nguyễn Diên Ý, thôn Tân Phú 1, xã Hành Tín Tây là một trong những hộ nghèo, tài sản lớn nhất là con bò đực trị giá gần 40 triệu đồng; trận lũ đêm 15-11 đã khiến con bò của ông bị chết nước. Tiếc của, ông và nhiều người dân trong xóm đành xẻ thịt để bán mong kiếm lại được đồng vốn. Không chỉ riêng ông, mà nhiều hộ dân trong thôn cũng có bò bị chết trong đêm. Như trường hợp của anh Võ Đình Tâm, thôn Tân Phú 1. Gia đình anh có hai con bò, trị giá trên 40 triệu đồng. Tối 15-11, do nước lũ lên cao quá nhanh, anh chỉ kịp đưa gia đình lên trên núi tránh lũ nên không kịp thu dọn vật dụng trong nhà và đưa hai con bò lên cao. Khi lũ rút trở về nhà thì thấy nhiều vật dụng bị cuốn trôi, hai con bò cũng không còn.

Ông Nguyễn Văn Phô, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây, cho biết đây là trận lũ lớn nhất từ trước đến nay. May là ngay trong chiều 15-11, xã đã huy động 15 ghe của xã và người dân khẩn trương đưa những hộ dân ở những ngôi nhà thấp đến trú ở những ngôi nhà cao tầng và trụ sở UBND xã. Nhờ vậy mà xã không bị thiệt hại về người. Tuy nhiên, thiệt hại về tài sản thì quá lớn.

NGUYÊN KHÔI - HÀ MINH

>> Miền Trung, Tây Nguyên: Tan hoang vì lũ kép

Tin cùng chuyên mục