Miền Trung, Tây Nguyên, Đồng Tháp: Lũ dâng cao

Liên tục trong 2 ngày qua, trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên mưa lớn lại xảy ra trên diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 60-100mm, có nơi trên 100mm, như: Mỹ Chánh, Phong Bình (Thừa Thiên Huế). Vì vậy, đến sáng nay, 3-10, lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Định và các sông ở khu vực Bắc Tây Nguyên đang lên và đang ở mức trên báo động 1.
Miền Trung, Tây Nguyên, Đồng Tháp: Lũ dâng cao

(SGGPO).-  Liên tục trong 2 ngày qua, trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên mưa lớn lại xảy ra trên diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 60-100mm, có nơi trên 100mm, như: Mỹ Chánh, Phong Bình (Thừa Thiên Huế). Vì vậy, đến sáng nay, 3-10, lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Định và các sông ở khu vực Bắc Tây Nguyên đang lên và đang ở mức trên báo động 1.

Dự báo, đến chiều tối hôm nay và sáng sớm mai, lũ trên các sông này sẽ lên mức báo động 2, có nơi trên báo động 2. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, miền Trung liên tiếp gánh chịu 2 đợt lũ.

Lũ dâng cao nhấn chìm nhà cửa tại xã Tân Hóa (Quảng Bình). Ảnh: MINH PHONG

Lũ dâng cao nhấn chìm nhà cửa tại xã Tân Hóa (Quảng Bình). Ảnh: MINH PHONG

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng, đến 6h ngày 3-10 đã kiểm đếm, thông báo, kêu gọi được 33.325 tàu, thuyền/153.788 lao động và 869 bè/2.327 lao động biết vị trí, diễn biến của bão số 6 để chủ động di chuyển, phòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện không có tàu, thuyền hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Bắc biển Đông.

Thực hiện công điện của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, trong sáng nay, các địa phương ở miền Trung tiếp tục triển khai các biện pháp để ứng phó với bão số 6, triển khai lực lượng túc trực tại những vùng xung yếu, sẵn sàng tổ chức sô tán dân vùng ven biển, vùng trũng thấp khi có lệnh.

Điều đáng quan tâm là đến nay, hầu hết các hồ thủy điện ở miền Trung – Tây Nguyên đã đầy nước, qua tràn. Chính vì vậy, song song với công tác ứng phó với bão lũ, các địa phương cũng yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp cùng các nhà máy thùy điện theo dõi sát tình hình hồ chứa, có phương án xả lũ để điều tiết nước, tránh để xảy ra tình trạng xả lũ hồ thủy điện khi vùng hạ lưu có lũ lớn.

Cũng trong sáng nay (3-10), Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn của 2 địa phương Quảng Nam và Thừa Thiên Huế tiếp tục huy động các lực lượng phối hợp cùng người dân tiến hành gia cố bờ biển bị xâm thực nhằm đối phó với bão số 6.

Tại bờ biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), do sóng to cộng với triều cường trong đợt mưa bão vừa qua đã làm cho hơn 500m bờ biển này bị xâm thực vào sâu gần 20m, uy hiếp hơn 20 hộ dân và các khu du lịch tại đây. UBND TP Hội An và các khu du lịch ven biển đã huy động trên 1.000 lượt người cùng hàng chục phương tiện gia cố những điểm xung yếu.

Bên cạnh đó,  tại cửa biển Thuận An (Thừa Thiên Huế) hơn 500m bờ biển thuộc thôn Thái Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (huyện Hương Trà) đã bị sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp tính mạng và tài sản của hơn 100 hộ dân nơi đây. Tỉnh Thừa Thiên Huế lên kế hoạch di dời khẩn cấp những hộ dân này đến nơi an toàn để phòng tránh cơn bão số 6.

• Theo tin từ UBND huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), khoảng 1h20 phút sáng nay, 3- 10, nước lũ tiếp tục phá vỡ tuyến đê bao Cà Vàng thuộc xã Thông Bình, hơn 800 ha lúa vụ 3 từ 30- 45 ngày tuổi bị mất trắng.

Nước lũ tiếp tục nhấn chìm hàng ngàn ha lúa ở Đồng Tháp. Ảnh: Huỳnh Phước Lợi

Nước lũ tiếp tục nhấn chìm hàng ngàn ha lúa ở Đồng Tháp. Ảnh: Huỳnh Phước Lợi

Ông Phan Thanh Xuân, thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Tân Hồng, cho biết: Mấy ngày qua tuyến đê Cà Vàng bị nước lũ uy hiếm dữ dội, nhiều nơi bị rò rỉ, nước ngấp nghé tràn vào. Huyện đã huy động rất nhiều lực lượng và phương tiện liên tục gia cố và canh giữ xuyên suốt ngày đêm. Thế nhưng đến sáng nay do sóng gió lớn, áp lực nước từ bên ngoài dữ quá đã làm vỡ một đoạn đê dài khoảng 10mét.

Nước lũ đang tàn phá dữ dội ở Đồng Tháp. Ảnh: Huỳnh Phước Lợi

Nước lũ đang tàn phá dữ dội ở Đồng Tháp. Ảnh: Huỳnh Phước Lợi

Ngay sau khi đê bị vỡ, huyện Tân Hồng huy động tổng lực cứu đê nhưng dòng nước quá mạnh đã phá đoạn đê rộng ra hơn 23 mét, khiến mọi nỗ lực đều vô vọng.

Đến sáng nay, 3- 10, mực nước ở Tân Hồng đã giảm xuống 5cm, nhưng vẫn duy trì ở mức cao 5,42 mét. Những tuyến đê còn lại tiếp tục bị đe dọa nghiêm trọng.

Người dân huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục gia cố đê bao chống lũ. Ảnh: Huỳnh Phước Lợi

Người dân huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục gia cố đê bao chống lũ. Ảnh: Huỳnh Phước Lợi

    HUỲNH PHƯỚC LỢI - NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục