Miền Trung - Tây Nguyên trước mùa mưa bão: Nhiều hồ đập nguy cơ mất an toàn

Sau hàng chục năm khai thác, nhiều công trình hồ, đập thủy lợi ở miền Trung - Tây Nguyên đã xuống cấp, hư hỏng, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Hiện ngành chức năng đang rà soát hiện trạng, đề xuất phương án sửa chữa. Dẫu vậy, nguồn vốn đầu tư vẫn là bài toán khó.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra hồ chứa trên địa bàn. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra hồ chứa trên địa bàn. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Nhiều hạng mục xuống cấp

Hồ Tuyền Lâm (TP Đà Lạt) là công trình thủy lợi lớn của tỉnh Lâm Đồng, cấp nước tưới cho 1.832ha lúa, hoa màu và cây công nghiệp của huyện Đức Trọng; tạo nguồn nước sinh hoạt cho 18.000 dân vùng hạ lưu. Công trình được đưa vào sử dụng từ năm 1987, dù trải qua các đợt xử lý, bảo dưỡng, nhưng nhiều năm nay khu vực đập nước tiếp tục bị xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn. Mặt đập bị lún sụt, rạn nứt, đặc biệt là tại vị trí góc cua tiếp giáp với thân tràn chính. Những vệt thấm từ cơ mái hạ lưu xuống thân đập và dọc theo chiều dài thân đập liên tục xuất hiện, nhất là mỗi khi hồ trong thời gian xả lũ.

Còn hồ chứa nước Próh (huyện Đơn Dương) và hồ chứa nước Đinh Trang Thượng II (huyện Di Linh) có nhiệm vụ cấp nước tưới cho hàng trăm hécta cây trồng. Tuy nhiên, qua thời gian dài đưa vào vận hành khai thác, 2 công trình này chưa được đầu tư nâng cấp sửa chữa. Hiện cống lấy nước dưới đập bị đứt gãy, nước rò rỉ thấm qua mang cống, đập đầu mối bị thấm mạnh, mái thượng và hạ lưu bị sạt trượt.

Tại tỉnh Đắk Nông, nhiều công trình thủy lợi cũng đang xuống cấp, hư hỏng nhiều hạng mục. Hồ Trúc (thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) xây dựng từ năm 1980, dung tích 5 triệu m3 nước, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hàng ngàn hộ dân ở thị trấn và vùng lân cận. Hiện phần thân đập, khu vực gần cống xả tràn xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài. Tại phần đập đất, mái hạ lưu, nước đã thấm qua khu vực vai phải. Đỉnh đập và mái thượng lưu bằng đất cũng chưa được gia cố. Không chỉ vậy, người dân tại khu vực cho biết, do tràn xả lũ kết hợp với đường giao thông được thiết kế quá nhỏ nên mùa mưa, nước xả qua tràn có thời điểm cao gần 1m, gây mất an toàn cho người dân tham gia giao thông. Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại hồ thủy lợi Đắk D’rông (xã Đắk D’rông, huyện Cư Jút), khi xuất nhiều điểm hư hỏng ở lưng thân đập.

“Bom nước” lơ lửng 

Tại các địa phương Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định hiện có khoảng gần 100 hồ chứa đang hư hỏng, xuống cấp, cảnh báo nguy cơ tạo “bom nước” lơ lửng trên đầu người dân trước mùa mưa lũ. Cụ thể, hồ chứa Khe Xai (xã Hương Minh, huyện miền núi Vũ Quang, Hà Tĩnh) dung tích khoảng 180.000m3 nước, phục vụ nước tưới sản xuất khoảng 45ha đất của người dân. Do hồ được xây dựng thủ công từ năm 1989, hàng năm lại chịu sự tác động lớn từ bão, lũ khiến dưới đáy thân đập đã bị thấm nước mạnh, nước chảy thành dòng, hệ thống vận hành bị hư hỏng, kèm theo các vết nứt, đứt gãy vùng đập, tràn xả lũ quá nhỏ gây ùn tắc nước, nguy cơ trở thành “bom nước” nếu có mưa lớn. Hiện phía hạ lưu hồ có khoảng 200 hộ dân sinh sống ở thôn Hợp Thắng và Hợp Lợi của xã Hương Minh. Còn tại hồ Đập Trạng (xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), vai đập cũng đang xảy ra hiện tượng sạt trượt mái, chân ngưỡng tràn xuất hiện nhiều điểm thấm lớn, chảy thành dòng… 

Miền Trung - Tây Nguyên trước mùa mưa bão: Nhiều hồ đập nguy cơ mất an toàn ảnh 1 Nước lũ từ hồ Khe Xai ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) thường xuyên vượt đập, tràn qua đường Hồ Chí Minh gây chia cắt. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Trong ngày 14-8, theo chỉ dẫn của Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân, Bình Định) Nguyễn Văn Liên, chúng tôi tìm đến hồ chứa Đồng Quang, ghi nhận hồ đang bị hư hỏng, xuống cấp nặng nhất trong 4 hồ chứa xung yếu của huyện Hoài Ân. Hồ Đồng Quang đã được xây dựng từ năm 1986, theo phương thức thủ công, đập đất. Hiện nay, lòng hồ bị đất đá bồi lấp, thân đập đất lở lói, xói mòn, cửa thoát nước rò rỉ, nhiều vị trí cống bị sập đổ… Ở hạ du, hồ chứa đang có 850 người dân thôn Hương Quang (xã Ân Nghĩa) sinh sống. 
Ngoài ra, toàn tỉnh Bình Định đang có 29 hồ chứa thủy lợi xuống cấp, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Trong đó có 10 hồ chứa đặt lệnh giới nghiêm hạn chế tích nước tối đa trong mùa mưa bão. Trong số 10 hồ này, hồ Giàn Tranh (xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ) nguy cơ mất an toàn cao nhất, thân đập và nền bị thấm, mặt cắt ngang đập quá nhỏ (1,2m), xuất hiện nhiều vết nứt, có hang thấm dọc ngang đập, thân cống bị hỏng… Ngoài ra, 19 hồ chứa còn lại đã nhận được lệnh quan sát, theo dõi thường xuyên trong mùa mưa lũ.

Cần hàng ngàn tỷ đồng để sửa chữa

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, qua kiểm tra có 29 công trình thủy lợi nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ sắp tới nên đã tiến hành sửa chữa, khắc phục. UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã tổ chức rà soát, đánh giá và phê duyệt danh mục các công trình thủy lợi cần đầu tư xây dựng hoàn thiện năng lực quản lý an toàn hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đề nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí 1.273 tỷ đồng cho địa phương triển khai thực hiện. 

Tại tỉnh Lâm Đồng có 58 công trình hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp tại nhiều hạng mục. Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng kiến Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét bố trí kinh phí 636,3 tỷ đồng. Riêng hồ Tuyền Lâm, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại từ trung tâm Đà Lạt xuống các khu du lịch, nghỉ dưỡng xung quanh hồ, ngành chức năng TP Đà Lạt đã tiến hành cắm bảng cấm phương tiện dừng, đỗ trên mặt đập. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước Tuyền Lâm với kinh phí 30 tỷ đồng. Còn tại các công trình thuộc diện cần sửa chữa cấp bách khác như hồ chứa nước Próh (huyện Đơn Dương) và công trình hồ chứa nước Đinh Trang Thượng II (huyện Di Linh), Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng đề xuất kinh phí 35 tỷ đồng sửa chữa để phòng chống và giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra. 

Còn tại tỉnh Kon Tum, ngay từ đầu mùa mưa, ngành chức năng đã kiểm tra, đánh giá tu sửa, khắc phục. Tỉnh cũng ban hành kế hoạch ứng phó thảm họa vỡ đập, hồ thủy lợi. Kế hoạch yêu cầu chủ động xây dựng phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không đảm bảo an toàn; bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại khi xảy ra sự cố vỡ đập, hồ thủy lợi…

Để nâng cấp, sửa chữa toàn bộ số hồ chứa xuống cấp, Hà Tĩnh cần nguồn kinh phí khoảng 600 tỷ đồng. Tại Quảng Ngãi, địa phương cũng đã đề xuất Trung ương hỗ trợ khoảng 350 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều địa phương khác cũng đang đề xuất hàng trăm tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa và nâng cấp các hồ đập. Tuy nhiên, kinh phí được rót về rất nhỏ giọt, không thể giải quyết được bài toán căn cơ, bền vững. 


Tin cùng chuyên mục