Miền Trung: Tổng lực phòng chống bão Haiyan

Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè
Miền Trung: Tổng lực phòng chống bão Haiyan

Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè

(SGGPO).- Hôm nay 9-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động đối phó với bão số 14.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan và UBND các tỉnh, TP từ Bình Thuận đến Quảng Ninh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển về bờ hoặc đến nơi trú ẩn an toàn. Chủ động thực hiện cấm biển và kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ven biển, cửa sông, các tàu du lịch, vận tải; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè.

Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, công trình, kho tàng, bến bãi; có phương án cụ thể để sơ tán dân vùng cửa sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở, nhà ở không đảm bảo an toàn; chủ động cho học sinh nghỉ học, hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng chống bão lũ. Các tỉnh miền núi phía Bắc triển khai và rà soát ngay các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để chủ động sơ tán, di dời dân đảm bảo an toàn.

Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ cũng phát thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng yêu cầu Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương phải cập nhật liên tục diễn biến của bão số 14 (1 giờ/lần) thông tin cho các cơ quan truyền thông biết; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan truyền thông địa phương liên tục thông tin về diễn biến của bão số 14 để nhân dân biết, chủ động, sáng tạo trong công tác phòng tránh. Các đài truyền hình, đài phát thanh Trung ương và địa phương phải cập nhật thường xuyên (1 giờ/lần) diễn biến của cơn bão để thông báo cho nhân dân biết, phòng tránh; nơi tránh trú bão an toàn; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu tuyền, lồng bè khi bão xảy ra.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã họp Ban chỉ đạo ứng phó với bão số 14, trong đó ban hành công điện khẩn gửi 63 tỉnh, thành hội chuẩn bị và ứng phó nhanh với siêu bão này. Các tỉnh trọng điểm bị ảnh hưởng bởi siêu bão chuẩn bị 5 tỷ đồng sẵn sàng ứng phó nhanh. Đội ứng phó thảm họa các cấp sẵn sàng phương án hỗ trợ di dời dân, chằng chống nhà cửa… ứng phó với siêu bão. Các tỉnh, thành hội ngoài vùng ảnh hưởng lập phương án chuẩn bị tiền, hàng, phương tiện, nhân lực hỗ trợ kịp thời các địa phương bị ảnh hưởng. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng cử cán bộ trực 24/24, mở đường dây nóng tiếp nhận thông tin về bão; chuẩn bị 5.000 thùng hàng, tiền và cơ số vật chất thiết yếu sẵn sàng cứu trợ kịp thời nhân dân.

Ngày 9-11, Trung ương Hội đã phối hợp với Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cử đoàn công tác trực tiếp vào vùng tâm bão để chỉ đạo, đưa tin, đánh giá kịp thời thiệt hại của nhân dân để có những phương án ứng phó kịp thời và phù hợp.

(SGGPO).- Các cấp chính quyền cùng người dân các tỉnh, thành miền Trung đang tập trung cao độ triển khai các biện pháp phòng chống siêu bão Haiyan, được dự báo đổ bộ miền Trung trong 1-2 ngày tới.

Theo Trung tâm PCLB miền Trung-Tây Nguyên, đến sáng nay, Đà Nẵng và Quảng Ngãi đã lên kế hoạch chi tiết việc sơ tán dân từ các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn tránh bão Haiyan. Theo đó, Đà Nẵng sẽ sơ tán 19.388 hộ/73.384 khẩu từ 56 xã, phường; Quảng Ngãi 24.319 hộ/95.933 khẩu. Việc sơ tán dân được bắt đầu từ 12 giờ trưa 9-11 và hoàn tất vào lúc 19 giờ cùng ngày.
 
Cũng trong sáng nay, theo ghi nhận của PV Báo SGGP tại những vùng ven biển ở Đà Nẵng, công tác phòng chống bão được người dân triển khai hết sức gấp rút, khẩn trương. Hàng ngàn người dân đã mua bao tải, dây thép về chèn chống nhà cửa. Bên cạnh đó, việc mua lương thực, thực phẩm về tích trữ cũng đã được người dân đặc biệt quan tâm. Tại những cửa hàng xăng dầu, lượng người đến mua xăng dầu tích trữ cũng đông nghẹt.
 
Lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, việc phòng chống bão ở Đà Nẵng không chỉ tập trung tại những khu vực ven biển như Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu, .. mà ngay cả tại những nhà kiên cố ở khu vực trung tâm cũng được triển khai hết sức gấp rút.
 
Đến sáng 9-11, tất cả các tàu thuyền công suất nhỏ của ngư dân ven biển Đà Nẵng đã được đưa lên bờ tránh bão. Tại âu thuyền Thọ Quang, Mân Thái, đến sáng nay đã có trên 1.400 tàu cá của ngư dân miền Trung vào neo đậu trú tránh bão. Lượng tàu thuyền tập trung cùng lúc quá nhiều đã gây nên tình trạng quá tải.

UBND TP Đà Nẵng cũng đã giao Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất thông báo cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn TP tạm dừng hoạt động sản xuất và cho công nhân tạm nghỉ làm việc để tránh bão, bắt đầu từ 13 giờ ngày 9-11. Tạm dừng họp chợ từ 14 giờ ngày 9-11.

Trước sự nguy hiểm của siêu bão Haiyan, thành phố Đà Nẵng đã có công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị và người dân trên địa bàn TP khẩn cấp thực hiện các biện pháp chống bão Haiyan. Theo đó, từ sáng 9-11, học sinh, sinh viên được nghỉ học; tất cả dân cư ở cách bờ biển 500m, dân cư ở trong các nhà cấp 4 phải di tản trước 17 giờ ngày 9-11. Nếu không di tản sau thời gian trên, quân đội, công an và dân phòng thực hiện cưỡng chế di tản đến nơi an toàn. Tất cả trường học, công sở tạo mọi điều kiện cho người dân và sinh viên vào tránh trú bão nhưng phải thực hiện kiểm tra an toàn cơ sở trước khi đưa dân vào tránh trú bão. Các ký túc xá kiên cố tạo điều kiện cho người dân và sinh viên vào trú bão, chỉ bố trí ở các nhà bê tông kiên cố, bổ trí ở tầng 1 và tầng 2, không bố trí ở tầng 3 trở lên, không cho tránh trú trong các hội trường, nhà thi đấu mái tôn hoặc có các cửa kính lớn. Các cơ sở chèn chống nhà cửa mái tôn bằng dây thừng, bao cát... để bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân trước, trong và sau bão.

Mọi công tác chuẩn bị phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 9-11; Công an, dân phòng nghiêm cấm người dân ra đường sau 21 giờ vào ngày 9-11 và các chỗ trú ẩn chỉ cho dân ra khỏi nơi tránh trú sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND quận, huyện. Nếu để người dân ra ngoài trong thời gian bão mà xảy ra thương tích, chết người, đơn vị đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Trong khi đó, ngoài việc tổ chức sơ tán người dân, tỉnh Quảng Nam còn triển khai việc đào hầm trú tránh bão cho người dân. Ông Phan Văn Huyến, Chủ tịch UBND xã Điện Ngọc huyện Điện Bàn, nói: “Xã nằm sát bờ biển, trong cơn bão số 11 vừa qua, hầu hết nhà cửa của người dân bị sập, tốc mái, hư hại. Số nhà kiên cố trên địa bàn thì quá ít, trong khi số lượng người dân cần phải sơ tán trong cơn bão này là rất lớn. Hội trường của UBND xã, các trường học kiên cố không đủ sức chưa. Chính vì vậy, ngay trong sáng nay, xã đã huy động lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng phối hợp với người dân đào những hầm trú ẩn để người dân trú tạm khi bão đổ bộ vào”.  
 
Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng đã họp khẩn cấp triển khai kế hoạch phòng chống bão. Theo đó, Quân khu 5 sẽ thành lập ngay sở chỉ huy tại Đà Nẵng và 2 sở chỉ huy cơ động tại Sư đoàn 315 (huyện Núi Thành, Quảng Nam) và tại Bình Định. Từ 12 giờ trưa 8-11, tất cả các cơ quan, đơn vị tại Quân khu 5 đã cho dừng huấn luyện để chuẩn bị phương tiện xe máy, tàu thuyền, bệnh viện, trạm xá… sẵn sàng di dời và ứng cứu nhân dân đến nơi tránh trú bão an toàn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phòng chống bão tại Quảng Ngãi

Sáng 9-11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra và chỉ đạo công tác chuẩn bị đối phó với bão tại tỉnh Quảng Ngãi.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, tỉnh đã triển khai công tác phòng chống bão Haiyan với tinh thần khẩn trương và nghiêm túc. Tỉnh đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị các cấp tập trung vào công tác phòng chống bão, lũ. Về công tác kêu gọi tàu thuyền, hiện hầu hết tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt trên các vùng biển đã vào nơi tránh trú an toàn, 27 tàu đang di chuyển vào bờ dự kiến cập cảng vào chiều nay. Đáng chú ý là 13 tàu cá đang di chuyển từ vùng biển Hoàng Sa tìm nơi tránh trú. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng cho biết tỉnh này đang tập trung sơ tán, di dời gần 80.000 hộ dân, trên 400.000 nhân khẩu. Hiện tất cả nhà dân ở vùng ven biển, nhà cấp 4 phải khẩn trương di dời, có xã phải di dời toàn bộ như xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn. Ngoài những địa điểm an toàn được đưa dân đến như trụ sở uỷ ban, các cơ quan, xí nghiệp, thì hiện nay, các địa phương cũng đã huy động tất cả các khách sạn trên địa bàn.

Cũng tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, công tác đối phó với siêu bão Haiyan đã được công ty  triển khai một cách nghiêm túc. Công ty đã bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị để đối phó với bão và phòng chống tràn dầu. Đồng thời chuẩn bị phương án vận hành nhà máy trong điều kiện bão lớn như giảm công suất, dừng nhà máy và sơ tán lực lượng. Ngoài việc triển khai công tác phòng chống bão, công ty cũng đã triển khai bố trí phương tiện giúp di dời dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Khi cần thiết sẽ bố trí cho người dân đến trú bão tại nhà máy.
 
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương tinh thần chủ động triển khai các phương án đối phó với bão của chính quyền và các cấp, các ngành tỉnh Quảng Ngãi. Phó Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của Quảng Ngãi huy động toàn bộ các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và vùng ven biển để tình nguyện tiếp nhận số dân sơ tán. Với số tàu thuyền đã vào bờ, cần phải có biện pháp tránh va đập và tuyệt đối không cho người ở trên tàu khi bão vào. Tỉnh Quảng Ngãi cần chỉ đạo các lực lượng để hoàn tất công tác sơ tán dân trước 17 giờ ngày 9-11.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo công tác đối phó siêu bão tại Thừa Thiên – Huế: “Phải siêu hành động và siêu nhanh


Bắt đầu từ 11 giờ ngày 9-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có mặt tại Thừa Thiên - Huế, trực tiếp thị sát và chỉ đạo công tác phòng chống siêu bão số 14. Kiểm tra công tác đối phó với bão Haiyan tại các điểm dân cư sơ tán, trú tránh, các bến neo đậu tàu thuyền và việc chằng chống nhà cửa, tu bổ, ứng trực các công trình, tuyến giao thông, liên lạc xung yếu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý chính quyền, nhân dân Thừa Thiên - Huế cần cảnh giác tối đa trong việc phòng, chống siêu bão số 14. Bão Haiyan giật cấp 17, là cấp cuối cùng của mức cảnh báo bão và cũng là cấp độ mạnh nhất trong bảng cấp gió quy định của Ủy ban bão quốc tế, bán kính bão rất rộng, tới 400-500 km. Chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế phải triển khai các giải pháp chống bão theo tinh thần “siêu hành động và siêu nhanh”.
 
Việc gia cố, chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, đắp đê kè, tu bổ, gia cố, ứng trực các công trình phải đảm bảo ở mức cao nhất, di dời dân càng nhiều càng tốt, càng tới những nơi an toàn càng tốt. Thông báo với tất cả dân vùng hạ du về việc xả lũ từ các hồ chứa là tất yếu xảy ra để sớm có biện pháp lo từ trước. Phó Thủ tướng giao các cơ quan chuyên môn đảm bảo thông tin liên tục, thường xuyên về cơn bão, đặc biệt là phổ biến các phương pháp phòng chống tới mọi người dân, đảm bảo điện, thông tin liên lạc, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn giúp dân. Trong thời gian bão đổ bộ, tuyệt đối không cho các phương tiện giao thông thông thường hoạt động trên đường.

Khoảng 5 giờ ngày 9-11, thi thể chị Trần Thị Diễm đã nổi lên cách nơi lật thuyền khoảng 300m. Ngay sau đó, Công an thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế và chính quyền xã Hương Toàn đã nhanh chóng vớt xác chị Diễm để gia đình đưa về an táng. Ông Nguyễn Văn Tho, Chủ tịch UBND xã Hương Toàn, cho biết, chính quyền địa phương đã cử đại diện đến thăm động viên và hỗ trợ kinh phí cho gia đình anh Trần Hữu Hòa để tổ chức mai táng cho vợ và con. Như tin đã đưa, vào lúc 12 giờ ngày 8-11, anh Trần Hữu Hòa đi thuyền chở vợ là Trần Thị Diễm, con gái Nguyễn Thị Ngân và cháu ruột là Nguyễn Hữu Hà (Báo SGGP đã đưa tin) cùng trú tại làng Vân Cù (Hương Toàn) từ nhà đi lên QL1A vào Huế. Khi đi khoảng 200 m, nước chảy mạnh đã làm lật thuyền. Người dân đã cứu được anh Hòa và cháu Hà. Còn chị Diễm và cháu Ngân bị nước cuốn trôi. Khoảng 12 giờ cùng ngày, Công an thị xã Hương Trà và người dân đã tìm được xác cháu Ngân.

Hà Tĩnh: Sơ tán 14.280 hộ dân

Sáng 9-11, ông Trần Minh Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - kiêm Phó Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩn, đã ký lệnh sơ tán dân ở các vùng ven biển nguy hiểm đến nơi an toàn trước 17 giờ chiều cùng ngày.

Theo đó, Hà Tĩnh phải di dời 14.280 hộ dân, tương ứng với 50.240 người theo phương án 3. Trong đó, huyện ven biển Kỳ Anh 4.444 hộ (14.446 người), Cẩm Xuyên 2.799 hộ (9.755 người), Thạch Hà 1.164 hộ (4020 người), Lộc Hà 3.650 hộ (14.390 người), Nghi Xuân 2.135 hộ (7.331 người) và TP Hà Tĩnh 88 hộ (298 người).

Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh giúp ngư dân neo đậu an toàn tàu thuyền. Ảnh: Dương Văn Quang
Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh giúp ngư dân neo đậu an toàn tàu thuyền. Ảnh: Dương Văn Quang

Sáng cùng ngày ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã trực tiếp về kiểm tra, chỉ đạo phương án phòng chống cơn bãi số Haiyan tại địa bàn xung yếu các huyện ven biển Lộc Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên. Tại đây, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Đình Sơn cho biết, “sau khi xác định bão có thể đổ bộ vào địa bàn. Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị tập trung toàn lực giúp sơ tán, đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho người dân. Tổ chức chằng néo nhà cửa, tàu thuyền, kiên quyết không để người dân nào ở lại trên thuyền. Ngoài việc đã phát lệnh sơ tán dân ở vùng ven biển, hiện tỉnh đang tiếp tục phát thêm lệnh khẩn cấp sơ tán 12.000 hộ dân với hơn 40.000 nhân khẩu ở các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang…có nguy cơ bị lũ quét nguy hiểm trong và sau bão đến nơi an toàn.

Ông Lê Đình Sơn cũng cho biết thêm, toàn tỉnh có 347 hồ chứa lớn nhỏ đã được kiểm soát 24/24h, trong đó hiện có 11 hồ chứa nhỏ đang xã lũ và 5 hồ lớn đang vận hành xả lũ. Tỉnh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo thông suốt các tuyền đường giao thông trọng điểm…

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Hà Tĩnh, hiện toàn bộ số tàu cá của Hà Tĩnh 3.904 tàu với 14.175 lao động đã nắm được thông tin về bão Haiyan. Trong đó, có 103 tàu với 654 lao động đang hoạt động ở ngư trường Thanh Hoá, Hải Phòng và Quảng Ninh, Đà Nẵng và Bình Thuận đã vào bờ. Số còn tàu thuyền còn lại đang được các cơ quan chức năng kêu gọi về nơi trú ẩn và tổ chức sắp xếp neo đậu đảm bảo an toàn.

Ngay trong tối 8-11 và sáng 9-11, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức 4 đoàn xuống cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương để chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với siêu bão. Chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng tăng cường lực lượng xuống địa bàn giúp, hướng dẫn nhân dân chằng chéo, gia cố lại nhà cửa. Các đơn vị tuyến biển kiểm tra việc sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản. Các đơn vị thường trực quân số 100%, túc trực 24/24 giờ. Đồng thời, dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để sẵn sàng ứng phó với siêu bão.

Thừa Thiên- Huế và Quảng Trị: Vừa chống bão vừa khắc phục hậu quả lũ lụt

Đến 8 giờ sáng 9-11, lũ trên các sông tại Thừa Thiên – Huế rút chậm, người dân các huyện Phong Điền, Phú Vang và thị xã Hương Trà bắt đầu thu dọn lớp bùn để lại trên đường và các khu dân cư khi lũ rút. Ngành y tế các địa phương này tổ chức phun hóa chất, xử lý môi trường tại các trường học để ngăn chặn dịch bệnh đau mắt đỏ và sốt xuất huyết phát sinh và lây lan. Trong khi đó, các lực lượng bộ đội, công an, dân phòng, thanh niên xung kích… đang hành quân về các khu dân cư cùng với người dân triển khai cấp bách các biện pháp đối phó với bão HAIYAN, đồng thời đề phòng lũ lớn có thể về bất cứ lúc nào...

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế giúp dân ràng nhà cửa chống bão. Ảnh: Văn Thắng
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế giúp dân ràng nhà cửa chống bão. Ảnh: Văn Thắng

Ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, cho biết, tại hầu hết các xã thấp trũng gồm Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thành, thị trấn Sịa, nhiều tuyến đường bị ngập sâu từ 1m đến 1,5m, cản trở lưu thông đi lại của người dân. Toàn huyện có 459 nhà bị nhấn chìm trong biển nước với độ sâu 20cm-1m, 305ha rau màu bị ngập nước thiệt hại gần như hoàn toàn. Ngoài ra, nước lũ cũng khiến đoạn đê Gio Lâm (xã Quảng Phú) bị nứt gần 3m. Trước tình hình nước lũ dâng cao và có những diễn biến phức tạp, huyện Quảng Điền đã chỉ đạo các xã tuyên truyền nâng cao ý thức tự bảo vệ của người dân trong cơn lũ; tuyệt đối không chèo ghe, thuyền đi vớt củi hay bắt chuột... Những nhà ở vùng thấp trũng phải di dời đến những nơi cao ráo an toàn, đảm bảo không để thiệt hại về người. Các trường học nằm trong vùng lũ cho phép học sinh được nghỉ học để đảm bảo học sinh không di chuyển nhiều trong mưa bão. Đối với diện tích hoa màu bị ngập, huyện chỉ đạo khi nước rút tập trung cải tạo, giảm bớt thiệt hại.

Tại thôn Vân Cù, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, đã xảy ra vụ lật ghe khiến 2 mẹ con thiệt mạng. Vào lúc 12 giờ trưa 8-11, anh Nguyễn Hữu Hòa (41 tuổi, trú tại thôn Vân Cù) cùng vợ là chị Trần Thị Diễm (31 tuổi) và hai cháu nhỏ: Nguyễn Thị Ngân (11 tuổi, con gái vợ chồng anh Hòa) và Nguyễn Thị Hà (13 tuổi, cháu gái anh Hòa) cùng đi trên ghe máy chở bún đi bỏ cho đại lý quanh vùng. Đến giữa cánh đồng Vân Cù thì gặp gió lớn, nước lũ chảy xiết, thuyền bị lật úp khiến chị Diễm, cháu Ngân bị nước lũ cuốn trôi thiệt mạng. Riêng anh Hòa, cháu Hà kịp bám vào cành cây, bơi vào bờ an toàn.

Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đến 6 giờ sáng 9-11, toàn tỉnh đã kêu gọi 1819 phương tiện tàu thuyền vào bờ (trong đó có 9 tàu thuyền của các tỉnh bạn); theo kế hoạch, dự kiến toàn tỉnh có 11.274 hộ, với hơn 150.072 khẩu phải sơ tán, di dời từ vùng sạt lở, vùng ven biển và vùng có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ đất liền. Tỉnh đã dự trữ 100 tấn gạo; 100 tấn mì ăn liền; 230.000 lít xăng, dầu Diezel và dầu hỏa; riêng 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông đã dự trữ 30 tấn gạo, 10 tấn muối và một số hàng nhu yếu phẩm, ngoài ra các địa phương cũng đã hướng dẫn người dân vùng sâu, vùng xa, vùng ngập lụt chủ động dự trữ hàng hóa, nhu yếu phấm tối thiểu 7 ngày....

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao yêu cầu các Sở, ngành và các địa phương không tổ chức các sự kiện để tập trung vào công tác phòng chống bão. Khẩn cấp triển khai phương án di dời dân, chậm nhất trưa 9-11 phải thực hiện di dời dân ở vùng ven biển vào nơi tránh trú an toàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trước 19 giờ tối ngày 9-11 phải hoàn thành công tác di dời dân. Các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của bão HAIYAN.

Bắt đầu từ sáng 9-11, tập trung thông tin 1 giờ/lần; ngành giáo dục theo dõi sát diễn biến cơn  bão phối hợp với các địa phương tùy tình hình thực tế để cho học sinh nghỉ học. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đề nghị các ngành Giao thông vận tải, Công thương, Điện, Nước, Thông tin - truyền thông chủ động các phương án phòng chống bão và phục vụ công tác khắc phục hậu quả sau bão; Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế chủ động phương án bảo vệ các di tích; các địa phương vùng thấp trũng, ven biển chỉ đạo nhân dân tích trữ nước uống. Lực lượng quân đội, Công an và bộ đội Biên phòng tập trung lực lượng, trực 24/24 giờ và sẵn sàng giúp dân di dời cũng như chủ động các phương tiện để tham gia ứng cứu nếu có sự cố xảy

Đến 8 giờ sáng 9-11, Quần thể di tích cố đô Huế tại TP Huế và các huyện vùng ven đã được lực lượng xung kích Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế gia cố. Người dân TP Huế đến các chợ và siêu thị mua sắm nhu yếu phẩm dự trữ ứng phó với bão số 14.

Đảo Cồn Cỏ sẵn sàng đối phó với siêu bão

Xác định là địa phương chịu ảnh hưởng đầu tiên của bão số 14 khi đổ bộ vào đất liền vào rạng sáng 10-11, từ chiều 8  đến chiều 9-11, huyện Cồn Cỏ (Quảng Trị) khẩn cấp triển khai phòng chống bão. UBND huyện cho biết, các lực lượng xung kích trên đảo đã ra sức giúp người dân chủ động chằng chống nhà cửa cùng tài sản... Hướng dẫn các hộ dân sử dụng bao cát và các vật dụng khác để chằng chống nhà cửa phòng khi mưa bão đổ bộ vào gây tốc mái hoặc làm hư hại nhà cửa như những cơn bão trước. Khoảng 5 giờ trước khi bão đổ bộ, 100% hộ dân trên đảo sẽ di chuyển đến trụ sở UBND để tránh trú bão an toàn.

Hiện trên vùng biển xung quanh  đảo  Cồn  Cỏ  trong vòng 12 hải lý không còn tàu thuyền, nhưng việc  bắn pháo hiệu cảnh báo tại đảo vẫn phải thực hiện. Nhu cầu lương thực thực phẩm cho người dân và các ngư dân vào đảo tránh bão đã được địa phương chuẩn bị đủ dùng trong vòng một tuần lễ.

Viettel chuẩn bị thiết bị dự phòng ở Đà Nẵng để phòng tránh bão. Ảnh: Trần Bình

Viettel chuẩn bị thiết bị dự phòng ở Đà Nẵng để phòng tránh bão. Ảnh: Trần Bình


 Nhóm Phóng viên SGGP Online

>> Cuống cuồng chạy bão

>> Dừng hội họp, dồn lực chống siêu bão Haiyan

Tin cùng chuyên mục