Miền Trung ứng phó với bão trong đêm

Miền Trung ứng phó với bão trong đêm
Đây là cơn bão có cường độ mạnh nhất từ đầu năm đến nay (mạnh hơn cơn bão số 10 vừa qua) đổ bộ vào các địa phương từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi mà tâm bão là Đà Nẵng. Đó là nhận định của đại diện các bộ, ngành Trung ương tại cuộc họp khẩn của Ban Chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 11 tổ chức tại Đà Nẵng vào chiều tối 14-10.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ban hành công điện về việc chỉ đạo đối phó với bão số 11. Bão số 11 là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp, di chuyển nhanh. Để chủ động đối phó với bão và mưa lũ sau bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Huy động các lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp để phòng, chống bão số 11 nhằm hạn chế thiệt hại do bão, lũ gây ra, nhất là thiệt hại về người và tài sản. Đình hoãn các cuộc họp để tập trung cao cho công tác phòng, chống bão.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp phòng chống bão, đặc biệt đối với các tỉnh đã bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 11, cần rà soát triển khai ngay và kiên quyết không để dân bị đói, rét...

Sơ tán 150.000 dân
Đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, điều đáng lo ngại là bão đổ bộ vào ban đêm (khoảng 1-2 giờ sáng ngày 15-10) nên không biết hậu quả sẽ như thế nào. Ngoài ra, hiện triều cường tại khu vực miền Trung đang dâng ở mức 1-1,5m cộng với sóng biển cao từ 3-4m nên khu vực ven biển sẽ rất nguy hiểm.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Trưởng ban Chỉ đạo PCLB Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng, các địa phương ở miền Trung (đặc biệt là Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế) phải tiến hành sơ tán ngay người dân ở những khu vực này. Đến 19 giờ ngày 14-10, các địa phương tâm bão đi qua gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã cơ bản sơ tán xong 38.381 hộ với 155.000 người đến nơi an toàn. Việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men… cũng đã được tiến hành.

Tính đến chiều 14-10, hầu hết các hồ chứa, hồ thủy điện ở miền Trung đã đầy và đang xả tràn. Khả năng các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam và Bắc Tây Nguyên sẽ có mưa đặc biệt lớn (từ 400-600mm), lũ sẽ vượt báo động (BĐ) 2, BĐ 3. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu ngay từ bây giờ các hồ chứa phải tiến hành xả nước. Nghiêm cấm việc khi có lũ lớn xả nước làm cho vùng hạ lưu bị ngập nặng.

Chiều 14-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến khu vực Tam Quang (Núi Thành) và TP Hội An để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 11. Tại Hội An, sóng lớn tiếp tục xâm thực và đánh vỡ đoạn kè biển Cửa Đại khiến khu vực này bị sạt lở nghiêm trọng.

Trước đó, sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn để chỉ đạo công tác phòng chống bão số 11; kiểm tra công tác ứng phó với bão số 11 của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thị sát khu vực cảng Dung Quất.
Người dân ven biển quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cột, chèn tàu thuyền tránh bão. Ảnh: NGUYÊN HÙNG

Người dân ven biển quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cột, chèn tàu thuyền tránh bão. Ảnh: NGUYÊN HÙNG

Đà Nẵng: mất điện trên diện rộng
 
Ngay từ chiều 14-10, gió giật mạnh đã thốc thẳng vào các khu dân cư, khu trung tâm TP Đà Nẵng. Các tuyến đường ven biển như Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa gió mạnh khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn, nguy hiểm. Đã có hàng chục trường hợp đi xe máy cố vượt qua những cây cầu bắc qua sông Hàn bị gió quật ngã, nằm lăn trên đường, gây trầy xước. Tại khu vực ven biển và ngay cả khu trung tâm, gió mạnh đã làm nhiều cây cối ngã đổ, các bảng hiệu, panô quảng cáo chưa kịp gỡ bị gió thổi bay nằm lăn lóc trên đường. Nhiều khu vực ở Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà đã bị mất điện do đường dây bị đứt, trụ điện ngã đổ.

Từ 16 giờ ngày 14-10, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Đà Nẵng đã triển khai lực lượng chốt chặn, không cho các phương tiện qua lại trên cầu Trần Thị Lý, Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Thuận Phước. Riêng 2 tuyến đường ven biển là Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa nghiêm cấm từ 17 giờ cùng ngày. Vì vậy nhiều người đã không kịp về, buộc phải ngủ lại cơ quan, xí nghiệp hoặc tìm nhà người thân để ở qua đêm.
Đề phòng lũ quét
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, từ rạng sáng 15-10, tâm bão bắt đầu chạm vào đất liền thuộc khu vực từ tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão giảm đi 1 - 2 cấp song vẫn còn mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 13 - 14. Trong ngày 15-10, bão sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi vào khu vực Nam Lào.

Do ảnh hưởng mưa bão số 11, từ đêm 14-10, mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi bắt đầu lên, sau đó mưa, lũ sẽ lan dần ra các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Bắc Tây Nguyên. Đợt mưa, lũ này có thể kéo dài tới 3 – 4 ngày, mực nước đỉnh lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có khả năng đạt mức báo động BĐ 2 – BĐ3, có nơi trên BĐ3. Các tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk có khả năng đạt mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi khu vực Bắc Tây Nguyên.

* Sáng 14-10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao đi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ chứa tại hồ thủy điện Hương Điền trên thượng nguồn sông Bồ. Tại đây, Nhà máy thủy điện Hương Điền không chấp hành nghiêm túc việc xả lũ để đảm bảo đón lũ. Để đảm bảo hạ mức nước xuống cao trình 56m trước 17 giờ ngày 14-10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu thủy điện Hương Điền tăng dần lưu lượng xả thêm 200m³/giây/lần để đạt mức xả 1.000m³/giây vào lúc 13 giờ ngày 14-10.

* Chiều 14-10, ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, dù bão số 11 chưa đổ bộ, nhưng huyện đảo này đã hứng chịu những đợt gió giật mạnh đầu tiên của cơn bão số 11. Nhiều cây cối, nhà cửa trên đảo bị gió bão quật ngã, thổi bay mái, hàng trăm hécta hành, tỏi mới được gieo trồng đã bị lượng mưa trên 100mm đánh ngã dập nát.

* Theo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bình Thuận, do ảnh hưởng của cơn bão số 11, vùng biển đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) có mưa kèm theo gió giật, biển động mạnh đã nhấn chìm 2 tàu cá (công suất 10CV và 14CV) đang neo đậu ven bờ vào sáng 14-10.

Chính quyền xã Long Hải khẩn trương triển khai lực lượng cùng phương tiện cơ giới, tiến hành trục vớt, đưa 2 tàu bị nạn vào bờ.

* Từ ngày 2-10 đến tối 14-10, UBMTTQ TPHCM đã tiếp nhận 4,1 tỷ đồng và gần 18 tấn hàng hóa (gồm gạo, mì gói, sữa hộp, quần áo, chăn mền...) của 566 tập thể và cá nhân trên địa bàn TP ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiên tai bão lũ. Với nguồn tiền hàng này và nguồn ứng của ngân sách thành phố, MTTQ TPHCM đã chuyển gần 5,8 tỷ đồng và gần 16,2 tấn hàng hóa cho đồng bào 6 tỉnh miền Trung bị bão lũ, trong đó đã chuyển hơn 5,3 tấn gạo và 3,3 tấn hàng hóa cho đồng bào tỉnh Quảng Bình; 5 tấn gạo và 1 tấn mì gói cho đồng bào tỉnh Quảng Ngãi để trợ giúp bà con bị bão lũ.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục