“Miếng bánh” độc quyền đắng ngắt

Khi quá trình xử lý việc K+ độc quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh (EPL) vẫn chưa ngã ngũ thì mới đây, tại Việt Nam, EPL lại “lên hương” nhờ lần đầu tiên xuất hiện trên sóng radio thông qua việc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) vừa đạt thỏa thuận độc quyền. Chuyện EPL được phát thanh hẳn nhiên là tin vui cho giới hâm mộ, nhưng người ta lại cảm thấy khó chịu khi thấy tái diễn cảnh “độc quyền” vốn đang gây tranh cãi bên mảng truyền hình.

Độc quyền là một phương thức kinh doanh nên sự xuất hiện của nó trong lĩnh vực truyền hình trả tiền cũng là quy luật. Tuy nhiên, vì bản chất của độc quyền là chỉ có trách nhiệm với lợi ích của mình thay vì với mọi lợi ích nên ở đâu trên thế giới, người ta cũng kiên trì đấu tranh để tránh tình trạng độc quyền, đặc biệt là trong những lĩnh vực có ảnh hưởng đến số đông. Đối với câu chuyện liên quan đến K+ độc quyền EPL, về kinh doanh mà nói, đấy là điều không thể cản trở nhất là khi từ đơn vị sở hữu “gốc” đã cố tình chỉ bán các gói độc quyền, đẩy các nhà đài Việt Nam vào trạng thái hoặc là mua từng gói, hoặc là không có.

Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn nói ở đây đó là lý do khiến đơn vị sở hữu “gốc” tìm cách chia nhỏ các gói độc quyền ra để bán. Họ chỉ có thể tự tin vào quyết định này trong trường hợp đấy là từ nhu cầu của chính thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam. Nói cách khác, chính các nhà đài Việt Nam đã tạo điều kiện để các đơn vị kinh doanh “cá mập” quốc tế thực hiện phương án có thể làm ảnh hưởng quyền lợi người xem truyền hình tại Việt Nam. Nhu cầu độc quyền càng cao, giá trị từng gói độc quyền càng lớn và càng khiến cho đơn vị sở hữu muốn chia càng nhỏ, càng tốt.

Nếu suy luận theo lô-gích này, chúng tôi tin các nhà đài tại Việt Nam đã biết trước sẽ có chuyện bị chia nhỏ gói và tăng giá, nhưng vì lợi ích cục bộ, chính họ lại cố tình làm ngơ. Bên cạnh đó, sự hoạt động của Hiệp hội Truyền hình trả tiền không hiệu quả nên sự liên kết giữa các nhà đài lại càng lỏng lẻo. Hãy thử đặt ngược trường hợp, các đài tại Việt Nam dự báo trước tình hình, trình Chính phủ hoặc các bộ, ngành liên quan thỏa thuận về việc sẽ không chấp nhận tình trạng độc quyền từ sớm thì liệu đối tác nước ngoài có dám chia nhiều gói nhỏ hay không? Xin nhớ là rất nhiều đài đã “ngậm đắng nuốt cay” sau khi K+ độc quyền ngày nhật suốt 3 năm qua nên không thể nói là họ không dự báo tình huống K+ tìm cách sở hữu tiếp 3 năm nữa, nhất là tình hình kinh doanh của đài liên doanh này không đạt đúng kế hoạch.

Nói như vậy để thấy, tư tưởng độc quyền đã và đang tồn tại, trở thành yếu tố quan trọng bậc nhất trong suy nghĩ của nhiều nhà đài truyền hình hiện nay và đang “lây lan” sang đài phát thanh. Chính tư tưởng ấy khiến những thành viên Hiệp hội Truyền hình trả tiền “cười nhạt và bắt tay lỏng” mỗi khi nói đến chuyện hợp tác và chính tư tưởng đó đã là lỗ hổng để phía đối tác nước ngoài trong liên doanh K+ nhanh chóng mua bản quyền, trong khi các nhà đài Việt Nam cứ hô hào chống độc quyền mà không hề có hành động thể hiện được quyết tâm đó.

Những nhà đài Việt Nam đã từng thích sở hữu những “miếng bánh” độc quyền ngọt ngào nên bây giờ phải nhận phần đắng ngắt.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục