Sở Y tế TPHCM vừa công khai kết quả đánh giá chất lượng phòng khám đa khoa trên địa bàn thành phố năm 2019 trên cơ sở “Tiêu chí chất lượng áp dụng cho phòng khám đa khoa trên địa bàn TPHCM, phiên bản 3.0” do sở này xây dựng. Qua đánh giá 202/216 phòng khám, có 6 phòng khám (2,9%) đạt chất lượng tốt; 42 phòng khám (20,8%) đạt chất lượng khá; 39 phòng khám (19,3%) đạt chất lượng trung bình - khá; 74 phòng khám (36,6% ) đạt chất lượng trung bình; 41 phòng khám (20,3%) chất lượng kém. Như vậy, kết quả 56,9% phòng khám ở mức chất lượng trung bình và kém phần nào cho thấy thực chất hoạt động khám chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa hiện nay tại TPHCM.
Kết quả trên đã phản ánh còn nhiều bất cập trong quản lý, nhưng dù sao, sự minh bạch của Sở Y tế TPHCM đã phần nào trợ giúp người dân có thêm cơ sở để chọn lựa dịch vụ y tế cho mình và gia đình, và các phòng khám tự xem lại mình để cải tiến, trong khi chờ Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí chung về chất lượng dành cho phòng khám đa khoa. Tuy nhiên, ở cấp độ cao hơn là bệnh viện, kết quả đánh giá chất lượng đang khiến dư luận… hồ nghi.
Đến hẹn lại lên, ngành y tế trung ương lẫn địa phương đang ráo riết kiểm tra đánh giá chất lượng hệ thống bệnh viện trực thuộc dịp cuối năm. Cơ sở để đánh giá là Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam (phiên bản 2.0) lên tới 83 tiêu chí chính thức được Bộ Y tế ban hành từ năm 2016. Mặc dù đến nay, Bộ Y tế đã điều chỉnh một số nội dung thông tin trong vài tiêu chí nhưng liệu có thực sự phản ánh đúng chất lượng bệnh viện hay chỉ là một hoạt động mang tính chất “xuân thu nhị kỳ”. Thực tế, hàng loạt bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế “mổ nhầm chân”, “cắt nhầm thận”, hay thiếu an toàn điều trị khiến người bệnh tử vong…, nhưng kết quả đánh giá chất lượng năm nào cũng lọt vào… “tốp đầu”. Thậm chí, để đánh giá chất lượng bệnh viện cuối năm, một số thành phố lớn có nhiều bệnh viện như Hà Nội, TPHCM thành lập vài ba đoàn đi cơ sở để… kiểm tra rất khẩn trương, mang tính hình thức. Có đoàn kiểm tra một ngày 2-3 bệnh viện, nên với 83 tiêu chí chính thức và hàng trăm nội dung chi tiết được yêu cầu “xem xét” như bộ tiêu chí đề ra, có chăng chỉ đạt mức “cưỡi ngựa xem hoa” trên cơ sở báo cáo của bệnh viện, nhiều khi đã được “tô hồng”.
Chưa thể đong - đo - đếm việc đánh giá chất lượng bệnh viện có đúng thực chất, nhưng trong xu thế hội nhập quốc tế, nhiều bệnh viện công lẫn tư một mặt vẫn tuân thủ Bộ tiêu chí của Bộ Y tế, mặt khác lại chạy đua lấy chứng nhận quốc tế. Trong đó, Chứng nhận Chất lượng JCI (Joint Commision International) đang được xem là chuẩn mực với tổng số 1.184 tiêu chí - và một số bệnh viện tư đã nhận được, như Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, Vinmec và FV. Với 8 bộ tiêu chuẩn chăm sóc người bệnh, 6 bộ tiêu chuẩn quản lý bệnh viện, hệ tiêu chuẩn JCI đã trở thành một phần quan trọng trong công tác xây dựng và quản lý bệnh viện ở các nước. Ở Mỹ, bệnh viện được “gắn sao”- tương tự dịch vụ khách sạn, khi số “sao” phản ánh mức chất lượng của bệnh viện. Không phải cơ sở hạ tầng hiện đại mà chính các tiêu chí về chất lượng chăm sóc và chuyên môn quyết định mức chất lượng bệnh viện. Hospital Compare, trang thông tin điện tử của Tổ chức CMS (Centers for Medicare & Medicaid Services) hàng năm công bố xếp hạng bệnh viện giúp người bệnh chọn lựa và quyết định về nơi chăm sóc sức khỏe...
Từ năm 2012, ngành y tế Việt Nam cũng đã đề cập đến hình thức “gắn sao” bệnh viện ,nhưng có nhiều ý kiến trái chiều bởi thiếu quy chuẩn và khung pháp lý. Nhưng nay, trong xu thế hội nhập, cơ chế đã mở khi ngành y tế đẩy mạnh quy chế tự chủ cho các bệnh viện công lập, xã hội hóa liên danh liên kết, thông tuyến điều trị bảo hiểm y tế…, việc xem xét “gắn sao” trên cơ sở đánh giá chất lượng bệnh viện, hình thức bệnh viện, hạng bệnh viện là cần thiết. Đó cũng là cách minh bạch để người dân lựa chọn nơi khám và điều trị phù hợp với nhu cầu.