(SGGP).- Ngày 28-1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tổ chức hội thảo khu vực phía Bắc về “Thực trạng, giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp”.
Báo cáo tại hội thảo cho thấy, tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp những năm qua diễn biến khá phức tạp, trong tất cả các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và thi hành án, từ trung ương đến địa phương. Nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, gây bức xúc trong nhân dân, làm giảm uy tín và hiệu lực hoạt động của các cơ quan tư pháp. Trong khi đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn gặp nhiều khó khăn; chưa huy động được sức mạnh của quần chúng cũng như các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc...
Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát Hoàng Thị Quỳnh Chi, người có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp thường là người có hiểu biết, được đào tạo căn bản về pháp luật, có nhiều quan hệ nên phương thức, thủ đoạn thực hiện và che giấu hành vi vi phạm và tội phạm rất tinh vi, gây khó khăn, cản trở cho công tác thanh tra, kiểm tra và điều tra xử lý. Đáng lưu ý, theo nguyên Phó Chánh án TAND tối cao Trần Văn Tú, hiện nay khung hình phạt là rất rộng, cùng một khung hình phạt, tòa án có thể xử người này 5 năm, nhưng người khác là 10 năm; rất dễ tạo ra kẽ hở “chạy án”. Trong khi đó, điều kiện đãi ngộ đối với các chức danh tư pháp còn thấp...
Các đại biểu tham dự hội thảo khuyến nghị, thời gian tới, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là xây dựng thể chế pháp luật phải minh bạch, rõ ràng. Chẳng hạn, các tội danh trong Bộ luật Hình sự định lượng phải rõ, khung hình phạt ngắn; cố gắng giảm thiểu kẽ hở trong luật pháp; làm rõ trách nhiệm tập thể và trách nhiệm của các chức danh tư pháp. Đồng thời, để bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ, bảo vệ quyền con người, cần phải có sự tham gia của người bào chữa trong tất cả giai đoạn tố tụng; thực hiện tranh tụng bình đẳng tại phiên tòa. Cải cách tiền lương, tách bạch giữa dưỡng liêm (phụ cấp trách nhiệm) ra khỏi lương của cán bộ tư pháp cũng là giải pháp quan trọng; song cần được tiến hành đồng thời với việc xử lý nghiêm, làm trong sạch đội ngũ...
ANH THƯ