Minh Đăng Khánh - Người được lựa chọn và chọn lựa

Minh Đăng Khánh - Người được lựa chọn và chọn lựa

Anh Minh Đăng Khánh chọn học khóa đầu tiên của Trường Báo chí Việt Nam; anh chọn cho mình nơi làm việc tại Ban Tuyên huấn Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, anh làm Báo Cứu Quốc, Báo Sài Gòn Giải Phóng… Minh Đăng Khánh chọn vợ là cô gái làm việc tại Nhà sách ngoại văn Hà Nội. Và anh ra đi ở tuổi 70 tại Gò Vấp. Anh hay đùa: Đi trên đất phải chú ý từng bước. Mình về Gò Vấp là để già mà không vấp ngã…

Hồi đó, khi được giao viết về chuyên đề “văn hóa gia đình”, nhà báo Vũ Tuất Việt nói với tôi: “Hãy đến Minh Đăng Khánh”. Anh Minh Đăng Khánh ở Ban quốc tế, giỏi 5 ngoại ngữ đã chỉ cho tôi các dân tộc đều dùng âm “M” để gọi mẹ, người gần gũi nhất, thân thương nhất. Sau đó có điều gì cần chúng tôi đều trao đổi cùng anh. Với tôi Minh Đăng Khánh là bạn, là anh, là thầy.

Nhà báo Minh Đăng Khánh tên thật là Trần Đăng Thái (ảnh), sinh năm 1941, có phong thái của nhà giáo hơn là nhà báo, phong cách của một dịch giả hơn là nhà văn hóa. Anh tế nhị, nhẹ nhàng, chan hòa và dễ đối thoại, nếu người đối thoại có thái độ cầu tiến. Minh Đăng Khánh còn là một dịch giả, là một nhà tư liệu học. Con người được xem là kho tài liệu - tư liệu, một “từ điển sống” ấy sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai, kể cả những học sinh, sinh viên, nhưng khiêm nhường đến kỳ lạ.

Khi “tuổi cao đầu bạc cái răng bạc” anh mê thú điền viên, cây cảnh. Anh Minh Đăng Khánh tặng gia đình tôi một cây bonsai quý, do chính tay anh chăm sóc lâu ngày mà tôi vẫn giữ tới bây giờ. Chị Oanh, vợ anh - một người nội trợ giỏi gọi tôi đến ăn cơm với canh chua trái sấu nấu sườn non và cá thu kho riềng. Bữa ăn không sao quên được bởi cái không khí gia đình ấm cúng, thoải mái bình đẳng, vui vẻ… Sự đón tiếp ấy lại làm ngại lòng khách. Thức ăn ngon quá, dân quê Bắc bộ quá và… mất công quá. Người ta nói “Nơi yêu ai dám đến hai lần” mà! Tôi giữ mãi ấn tượng bữa cơm Bắc và nỗi niềm của Minh Đăng Khánh. Bữa đó anh nói: “Nếu SGGP mở mục “Chuyện đời thường”; mục “Văn hóa thế giới”, “Truyện dịch”… mình sẽ cộng tác. Hầu như kho kiến thức sâu rộng của anh và ý thức làm báo thường xuyên thúc giục anh, day dứt anh cống hiến và làm việc…

Nhưng rồi tất cả vẫn là cái bắt tay nồng ấm và nụ cười cảm thông, thanh thản, cởi mở chân tình. Anh Minh Đăng Khánh là con người say mê công việc. Anh không bao giờ to tiếng, ghét bỏ ai. Anh nhẫn nại chịu đựng. Đã nhiều lần trên hội trường Báo SGGP, anh té xỉu phải cấp cứu. Con người trí thức, thư sinh, nhỏ nhắn mà rắn rỏi ấy biết chọn lựa, tìm cho mình một hướng đi và vươn tới.

Là một nhà báo mẫn cán, anh có nhiều đóng góp. Thời sung sức, không có số báo nào không có tin bài của anh. Cuốn sách dịch “Ông già Khốttabit” nổi tiếng và những tập nghiên cứu về văn hóa Mỹ, văn hóa Tây Ban Nha, văn hóa Đức… đủ để cho chúng ta ngưỡng mộ, kính trọng và tự hào về anh Minh Đăng Khánh! Thời ấy, anh đã dịch bài báo nổi tiếng của nhà báo - nhà văn Cuba  Masta Rôhat: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi” viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh Minh Đăng Khánh ơi! Anh đã “hiến cả đời” bằng cách sống của anh, lặng lẽ, hết mình!

VŨ ÂN THY

Tin cùng chuyên mục