Đợt ấy Lữ mới xuống còn chưa xin được việc làm. Nên cứ chủ nhật, Lữ lại ra quán phụ nấu cơm từ thiện. Sau nhận ra nhau là đồng hương lại thấy thương hoàn cảnh của Lữ nên Túc đã nhận vào làm. Chồng Lữ bệnh nặng, tiền thuốc thang và chi tiêu tốn kém nên Lữ phải chắt bóp từng đồng để các con được đến trường như chúng bạn.
Túc bận bịu từ sáng tới đêm. Quán lúc nào cũng nấn ná mở muộn hơn chỉ vì sợ ai đó đói bụng tìm cơm. Hoặc có thể vì khi đóng cửa quán, Túc sẽ thấy buồn. Túc lau mấy cái bàn làm chỗ ngả lưng, nhạc mở thật to, ngủ quên lúc nào không biết. Cũng có hôm Túc cần đến rượu mới quên những chuyện buồn đau. Lữ nghe kể, vợ Túc bỏ đi không nói lời nào. Làng xóm xì xào thêu dệt đủ chuyện. Có người nói cô ấy bỏ theo người yêu cũ. Có người hỏi hay là Túc không phải đàn ông? Chứ không thì sao cô vợ lại bỏ đi sau đêm tân hôn chứ? Túc không biết phải trả lời sao nên phải tìm “người ta” để hỏi.
- Thế anh đã tìm thấy cô ấy hay chưa?
- Thấy mà như chưa thấy.
- Thấy là thấy. Chưa là chưa. Chứ sao thấy mà như chưa thấy?
- Thì thấy đấy nhưng người ta không còn phải của mình. Không còn giống người con gái mà mình đã từng thương. Người ta dối gian ngay từ khi vừa mới bắt đầu, thế mà mình cứ ngỡ chân tình. Cô ấy nói còn thương người cũ…
Hồi ấy bệnh chồng Lữ trở nặng, thỉnh thoảng Túc qua viện đưa cơm, hỏi han xem có cần đỡ đần gì. Có hôm Túc phụ chở hai đứa nhỏ tới trường. Hôm chồng Lữ mất cũng là Túc và anh chị em xóm trọ xúm lại lo liệu cùng. Trên chuyến xe đưa tro cốt chồng Lữ về quê có Túc. Ông bà nội ngoại hai bên đều mất sớm, căn nhà ở quê cũng đã phải bán đi khi chồng bệnh nặng. Dẫu chẳng còn nhà cửa đất đai nhưng quê hương vẫn bao dung chừa cho chồng Lữ một chỗ nằm. Đợt ấy cũng vào dịp cuối năm, gió thổi tê buốt những ngón tay gầy. Lo liệu xong xuôi, mẹ con Lữ lại ngược chiều xuống phố. Xe trôi trên cây cầu bắc qua sông, hoa cải nở bên triền đê mê hoặc. Túc nhìn ba mẹ con Lữ nương tựa vào nhau xiêu vẹo trên xe, lòng trào lên thương cảm. Mùa ấy rét căm…
Ông bà chủ già, con cái đều ở xa nên chỉ biết lấy xóm trọ làm vui. Sáng nào bà cũng dậy thật sớm lúi húi nhóm bếp than, đun vài phích nước sôi phòng nào cần cứ lấy. Không biết từ khi nào Túc trở thành khách quen của xóm. Tối đóng quán, Túc hay qua uống nước chè, hầu ông cụ vài ván cờ. Có hôm Lữ giật mình nhận ra mọi thứ trong xóm trọ hình như đều có bàn tay của Túc sửa sang. Cái dây phơi được mắc cao hơn để đi lại quần áo không va quệt vào đầu. Cái cửa nhà tắm lành phành đã được thay bản lề. Cái vòi nước hoen gỉ đã được thay mới... Có khi Lữ đi đâu đó về đứng lặng trước cảnh tượng Túc đang cùng các con mình bọc sách vở cho năm học mới. Túc không hay nói nhiều, chỉ lặng lẽ đứng bên đời người góa phụ và hai đứa trẻ mất bố từ khi còn non nớt.
Tụi nhỏ lớn dần lên theo mỗi mùa xuân. Chúng sợ mẹ buồn nên không hay nhắc chuyện về quê. Nhưng vài lần Lữ nghe thấy chúng hỏi Túc về cánh đồng, dòng sông, những ruộng lúa chín vàng trải dài tít tắp. Lữ từng có lần hỏi Túc:
- Sao anh không về quê?
- Chắc là chưa phải lúc.
Lữ biết Túc nặng lòng với quán cơm nhỏ của mình, với những bệnh nhân nghèo lúc gọi cơm còn đắn đo bớt tí rau, tí thịt. Túc nói mình sinh ra ở quê nên ngấm thói quê. Những người mẹ khi lấy gạo nấu cơm bao giờ cũng tần ngần xúc thêm một ít vì sợ không đủ ăn, chồng con đói. Những người mẹ quê mùa thường dạy các con cho người thứ gì phải là thứ ngon, phần người ta cái gì phải là cái tốt.
***
Cuối đông, phố đang dần rũ bỏ lớp bụi bặm khô khan se sắt để chuẩn bị khoác lên mình sự tươi non mềm dịu của mùa xuân. Lúc đứng sau lưng Túc, Lữ chợt nhận ra trên mái đầu người đàn ông ấy đã có nhiều sợi bạc. Túc cười bảo:
- Đấy em xem, anh già mất rồi.
- Chắc bố mẹ ở nhà sốt ruột vì anh lắm đấy.
- Vừa tối qua, các cụ gọi hỏi: “Thế bao giờ mẹ mới có cháu bồng”?
- Anh phải chịu khó đi tìm hạnh phúc mới cho mình đi chứ.
- Anh tìm thấy lâu rồi ấy chứ. Chẳng nhẽ em không biết thật sao?
Lữ cúi xuống vân vê những ngón tay chai sạn của mình. Đàn bà ngoài ba mươi như Lữ có thể nhìn thấu được tâm can người khác. Lữ sao có thể không nhận ra tình cảm Túc dành cho mấy mẹ con mình. Đã có lúc yếu đuối mủi lòng Lữ ước gì được dựa vào bờ vai ấy. Để thấy mình không cần phải gồng lên quá sức. Nhưng Lữ là ai? Một người đàn bà góa bụa với hai đứa con nhỏ còn đang tuổi học hành.
Qua con mắt người đời thì tóc Lữ dạo này xơ xác quá. Những đốm tàn nhang xuất hiện đầy trên mặt. Trong tủ đồ không có bộ váy nào. Lữ nhàu nhĩ đến mức quên mất mình từng là cô gái đẹp nhất làng. Lữ sao có thể đành lòng để Túc phải vất vả vì mình mãi được. Có lúc Lữ nghĩ hay là mấy mẹ con chuyển đến một xóm trọ nào khác, tìm một công việc khác. Nhưng có sợi dây nào đó vô hình cứ níu đời Lữ lại.
…Túc góp chuyện với bà chủ nhà:
- Ngày xưa lúc còn sống, nội con cứ đứng trước hiên nhà ngửi gió là biết xuân đã đến hay chưa. Nội nói gió có mùi của nhụy hoa, mạ non, lộc biếc. Cái ấm áp lẫn trong se lạnh cọ vào cánh mũi. Bố con thì nói khi nào ngửi thấy mùi men rượu tỏa ra đâu đó trong gió là xuân đến tết về.
- Thế còn cháu thì sao? Đã thấy mùa xuân đến chưa nào?
Túc ngẩng lên nhìn Lữ đang thu những mẻ mùi già buộc thành từng bó nhỏ. Chỗ mùi này quán định phát miễn phí cho bệnh nhân không thể về quê ăn tết. Lữ cúi mặt, vài sợi tóc mai xõa bên gò má. Lữ trông mỏng manh đến mức lúc nào Túc cũng muốn được chở che. Mùa xuân của Túc ư? Nó nằm trên gò má đang ửng lên vì rét của Lữ. Trong đôi mắt long lanh của bé Thảo, bé Na. Trong cái ngập ngừng khi tay chạm tay, Túc nói “em gầy quá”.
- Em từng hỏi anh sao không về quê? Anh đã nói rằng chưa phải lúc. Nhưng bây giờ anh nghĩ chắc là đến lúc phải về rồi.
- Còn quán cơm thì sao?
- Sẽ có người thay anh quán xuyến. Em đừng lo, anh tính cả rồi.
- Vậy bao giờ anh về?
- Bao giờ em đồng ý thì chúng mình về.
Hai từ “chúng mình” vang lên trong đầu Lữ, rưng rưng. Kể từ khi chồng mất, chị như thân cây đứng một mình, không dám nghiêng về phía nào vì sợ cảm giác chông chênh. Hai từ “chúng mình” chụm lại sẽ thành một mái nhà, thành căn bếp nhỏ, thành những bữa cơm có vợ có chồng.
- Nhưng sao lại là em?
- Sao không thể là em được chứ?
- Em còn hai đứa nhỏ. Em muốn lo cho con được chu toàn. Em cũng không muốn làm gánh nặng của anh.
- Bố mẹ chỉ sinh được mình anh. Nhà ít người nên thèm đông đúc. Ở quê đất đai rộng lắm, chẳng thiếu việc để làm. Anh tin là chúng mình sẽ cho các con một mái ấm gia đình.
Túc cầm lấy bàn tay còn đượm hương mùi già của Lữ. Đôi bàn tay thon dài nhưng khô ráp vì vất vả mưu sinh dễ khiến người ta thương cảm. Lòng Lữ bỗng nhiên mềm như chiếc lá thèm một cơn mưa lành tưới tắm để mà xanh. Túc kéo Lữ ngồi xuống trước cửa phòng, xõa mái tóc tuổi ba lăm nhổ đi vài sợi bạc.
- Chúng mình đã chẳng còn trẻ nữa. Dư thừa nỗi cô đơn và thiếu niềm vui sớm tối quây quần.
Nắng xuân bẽn lẽn chạm vào những ngón chân gầy guộc. Nắng tràn từ đôi vai dài rộng của Túc xuống khuôn mặt người đàn bà anh thương. Phía bên sân nhà chủ, đàn gà tre rủ nhau ra sưởi nắng. Bà cụ ngó trời đất nói bâng quơ: “Tết năm nay ấm hơn. Mai Yên Tử có khi nở sớm”. Tiếng bà cụ lia chổi loẹt quẹt khiến Túc thấy nhớ nhà. Năm nay dịch, Túc ít về quê, nghe nói táo được mùa, rau củ cũng đắt hàng. Túc gọi về nghe tiếng mẹ lẫn trong tiếng gió. Mẹ nói: “Nhà thêm người thì thêm vui chứ sao. Cứ dẫn mẹ con Lữ cùng về. Cùng phận đàn bà thương nhau còn không hết”. Lữ ngồi cạnh bên nghe mấy câu ấy mà lòng rưng rưng. Tối ấy nằm ôm con vào lòng, chị thủ thỉ:
- Các con có muốn được về quê sống không? Có thêm ông thêm bà, thêm một người thay bố chăm sóc các con?
- Có phải mình sẽ về nhà chú Túc đúng không mẹ?
- Nơi ấy cũng sẽ là nhà của các con.
- Chú Túc nói thỉnh thoảng chúng mình sẽ cùng đi thăm bố.
Đêm trước hôm về quê, Lữ không sao ngủ được. Chị bồn chồn thấp thỏm hệt như lần đầu về nhà chồng. Đồ đạc đã sắp xếp gọn gàng, Túc nói xe cộ ngày tết chắc sẽ đông nên càng nhẹ nhàng càng tốt. Nhưng mọi người trong xóm trọ thương mẹ con Lữ quá chừng. Ai cũng mừng khi thấy Lữ có nơi chốn để về, có bờ vai để dựa. Họ dúi vào tay Lữ bộ bát đĩa mới tinh, bức tranh tự thêu, sách vở, quần áo cho tụi nhỏ. Họ nói “coi như là quà cưới để sau này nhìn còn nhớ đến nhau”.
Đường về quê nhìn đâu cũng thấy mùa xuân. Ai đó dừng xe mua cúc, mua đào chở niềm vui về nhà. Ai đó gánh gồng từng nải chuối xanh, từng quả bòng vàng ngược chiều gió lạnh. Bé Na ngủ ngon lành trên tay Túc sau cơn háo hức được về quê xem tát cá đồng. Bé Thảo tựa đầu vào cửa kính liên tục hỏi về nơi mình sắp đến. Túc nói: “Chắc ở nhà bà đã nấu cơm chờ. Chiều nay chúng mình sẽ dọn nhà, làm mứt. Thích không?”…