Mở cửa thị trường đảm bảo an ninh lương thực

Hệ thống sản xuất lương thực trên thế giới không chỉ chịu nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu mà còn chịu tác động nghiêm trọng từ các yếu tố bất ổn chính trị, kinh tế và xã hội. Hiện nay, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang khiến giá ngũ cốc trên toàn thế giới tăng vọt, nhất là giá lúa mì và bắp. 

Phụ thuộc lẫn nhau

Theo bài viết có tựa đề “Khí hậu và an ninh lương thực năm 2035”, vừa đăng trên trang ASPI Strategist, trên toàn cầu, các loại thực phẩm phổ biến, trong đó có bắp, lúa mì và gạo, được trồng ngày càng ít hơn và xu hướng này sẽ còn tiếp tục đến năm 2035. Điều này kéo theo hệ thống lương thực toàn cầu dễ bị gián đoạn ở các trung tâm sản xuất lớn và phụ thuộc nhiều vào thương mại để phân phối sản phẩm.

Mua thực phẩm ở các siêu thị Nga. Ảnh: Moscow Times
Một khi nền kinh tế - sản xuất giữa các nước trở nên phụ thuộc lẫn nhau, các cú sốc sản xuất ở một nơi trên thế giới có thể ảnh hưởng đáng kể đến giá lương thực ở những nơi khác. Ukraine là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực lớn của thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia nông nghiệp cảnh báo rằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể khiến diện tích trồng ngũ cốc tại Ukraine giảm mạnh trong năm 2022, gây ra sự thiếu hụt ngũ cốc cho các nước cũng như cho chính Ukraine. Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal cho biết sẽ dự trữ lương thực đủ để phục vụ người dân và lực lượng vũ trang trong thời gian xảy ra xung đột với Nga. Theo đó, nhà nước sẽ mua lại ngũ cốc và các loại lương thực dự trữ khác theo khối lượng tiêu dùng hàng năm của cả nước bằng ngân sách nhà nước. Việc này sẽ giúp cung cấp đủ lương thực cho đất nước.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10-3 cảnh báo rằng giá lương thực toàn cầu sẽ còn cao hơn nữa nếu phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép kinh tế đối với Nga, nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới. 

Yếu tố thị trường

Kết thúc cuộc họp bất thường ngày 11-3, Bộ trưởng Nông nghiệp Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã ra thông cáo khẳng định: “Chỉ có mở cửa thị trường mới cung cấp an ninh lương thực cho mọi người”. Các bộ trưởng nông nghiệp G7 nhất trí về tầm quan trọng của thị trường mở đối với ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác. Mục đích là để ngăn chặn các lệnh cấm xuất khẩu và giám sát chặt chẽ thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp. Các tổ chức viện trợ cũng sẽ được hỗ trợ trong việc thu mua và phân phối ngũ cốc.

Tại cuộc họp trực tuyến do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Liên bang Đức Cem Özdemir triệu tập, các bộ trưởng G7 nhất trí nhiều quốc gia đang gặp khó khăn trong việc mua sắm hàng hóa nông nghiệp - điều này đang đe dọa nguồn cung cấp lương thực ở nhiều nơi trên thế giới. Điều quan trọng hơn là phải giữ cho thị trường rộng mở trên toàn thế giới và không cản trở họ, chẳng hạn như thông qua các hạn chế xuất khẩu. G7 cũng phải hỗ trợ các tổ chức viện trợ trong việc mua hàng hóa trên các thị trường để phân phối chúng ở các nước kém đặc quyền hơn. Trong bối cảnh nạn đói, do tác động của khủng hoảng khí hậu và xung đột bạo lực, đã phổ biến ở nhiều khu vực trên thế giới, điều quan trọng là “không lấy cuộc khủng hoảng này chọi với cuộc khủng hoảng khác”.

G7 kêu gọi tất cả các quốc gia giữ cho thị trường nông sản và thực phẩm mở cửa, không dung túng giá cả tăng cao một cách giả tạo và chống mọi hành vi đầu cơ gây nguy hiểm cho an ninh lương thực, giám sát chặt chẽ thị trường nông sản và củng cố hệ thống thông tin thị trường. Trong suốt cuộc khủng hoảng này, theo đuổi các cam kết về khí hậu và môi trường cũng như các mục tiêu phát triển bền vững;  tiếp tục hợp tác chung trong G7 với các tổ chức và định chế tài chính quốc tế nhằm thúc đẩy an ninh lương thực toàn cầu, bao gồm cả viện trợ nhân đạo.

Tin cùng chuyên mục