Đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường là xu thế tất yếu và đã được nhiều nước trên thế giới quan tâm và triển khai từ lâu. Tuy nhiên, ở nước ta, kết quả thu được so với chủ trương vẫn còn khá khiêm tốn. Một trong những hoạt động gắn liền với lĩnh vực trên là Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (PECSME).
PECSME có tổng kinh phí 28,5 triệu USD do Quỹ Môi trường toàn cầu, các cơ quan tài trợ thông qua chương trình phát triển Liên hiệp quốc do Bộ Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư. Đối tượng của PECSME là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc 5 ngành: sản xuất giấy và bột giấy, gốm sứ, dệt nhuộm, gạch và chế biến thực phẩm. Thế nhưng sau 5 năm triển khai (2006-2010) mới có 50 dự án được bảo lãnh vay 41 tỷ đồng, có tới hơn 500 dự án được thực hiện những chỉ tiết kiệm được 180.000 tấn dầu và giảm được 740.000 tấn CO2. Sau khi PECSME ra đời, với sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Sĩ, tháng 10-2007, Quỹ Tín dụng xanh cũng “chào đời”.
Thông qua những đối tác là các ngân hàng VIBank, ACB và Techcombank, DN vừa và nhỏ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sẽ có cơ hội được vay vốn tối đa đến 1 triệu USD với thời hạn vay có thể đến 7 năm để đầu tư vào công nghệ sạch với nhiều ưu đãi như được bảo lãnh, được hoàn lại một phần khoản vay… Vậy nhưng sau thời điểm ra mắt khá xôm tụ, “phần hậu” lại khá lặng lẽ, công chúng hầu như mù mờ về thông tin của chương trình trên. Có lẽ vậy mà sự kiện Techcombank phối hợp với Công ty Tài chính quốc tế (IFC) cho hai DN vay 4 triệu USD để đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng vào cuối năm 2010 vừa qua cũng không gây được nhiều sự chú ý của dư luận…
Theo các chuyên gia môi trường, khó khăn lớn nhất đối với các DN muốn đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường là nguồn vốn. DN rất khó tiếp cận được các nguồn vốn, nhất là các DN vừa và nhỏ, bởi nhiều rào cản như sổ sách kế toán không đạt chuẩn, thiếu tài sản thế chấp, phương án thu hồi vốn thiếu khả thi… trong khi phần lớn các dự án loại này có thời gian thu hồi vốn khá dài.
Bên cạnh đó, đa số DN VN thường có tư tưởng “bóc ngắn cắn dài”, chưa thấy hết được cái lợi lâu dài khi đầu tư cho “công nghệ xanh”. Ngoài ra, mức độ “ưu ái” của xã hội và người tiêu dùng nói chung và nhà nước nói riêng đối với những “sản phẩm xanh” còn thấp… Do vậy, dù những năm gần đây nhiều tổ chức tài chính như ngân hàng, quỹ thường xuyên công bố những chương trình “tín dụng xanh” với nhiều ưu đãi nhưng số DN được thụ hưởng khá ít ỏi. “Kho” luật lệ về lĩnh vực tín dụng phải được “mở cửa”, bổ sung thêm những điều luật về “tín dụng xanh” sao cho để mọi DN đều dễ dàng sử dụng được nguồn “tín dụng xanh” và đều thấy rằng đây là yêu cầu không thể thiếu đối với sự tồn tại và phát triển dài lâu.
TRƯƠNG MẠNH HOÀI