Làm việc với ĐHQG TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Mô hình phù hợp, đích đến là vươn ra tầm quốc tế

- Trường trọng điểm trong 14 đại học trọng điểm quốc gia-
Mô hình phù hợp, đích đến là vươn ra tầm quốc tế

- Trường trọng điểm trong 14 đại học trọng điểm quốc gia
-
Phân cấp mạnh hơn, quyền lợi và trách nhiệm cao hơn

Sáng 26-4, đoàn công tác Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM) nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ thực tế để ĐHQG TPHCM vươn lên tầm đẳng cấp quốc tế, trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu của đất nước. Cùng dự có Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, lãnh đạo tỉnh Bình Dương, đại diện các bộ, ngành trung ương và địa phương.

  • Đi lên từ khát vọng
Mô hình phù hợp, đích đến là vươn ra tầm quốc tế ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc với ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Chính khát vọng vượt nghèo, khát vọng chinh phục những đỉnh cao của trí tuệ đã thôi thúc thầy trò ĐHQG TPHCM thử nghiệm một mô hình đào tạo mới – như GS Nguyễn Tấn Phát, nguyên Giám đốc ĐHQG TPHCM, Ủy viên Hội đồng trường, khái quát: “Khởi điểm từ khát vọng trở thành trường ĐH tầm cỡ khu vực, sau đó có thêm niềm tin và củng cố niềm tin. Còn bây giờ chúng tôi mong muốn nhà nước quan tâm hơn nữa để biến khát vọng thành hiện thực”.

Và thật sự những thành tựu đạt được là hết sức lớn lao: Mốc khởi điểm của trường được tính từ năm 2001 khi Thủ tướng ban hành quy chế hoạt động cho 2 ĐHQG TPHCM và Hà Nội. Song trong chưa đầy 5 năm, đến năm 2005, từ khu quy hoạch 643,7 ha đã nổi rõ hình hài của một “thành phố đại học” với các giảng đường, nhà điều hành, khu thư viện trung tâm, khu công nghệ phần mềm, phòng thí nghiệm nano, 15 đơn nguyên KTX… với 1.265 giảng viên (470 TS, 795 Th.S), số GS và PGS là 190 người (tăng 3 lần so với năm 2001).

PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TPHCM, nhấn mạnh: Thành công có được là nhờ trường đã đi đúng hướng khi xác định chính xác các khâu cần đột phá. Tuy nhiên để tiếp cận trình độ quốc tế, xây dựng ĐHQG TPHCM thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lãnh vực chất lượng cao, ông Phan Thanh Bình kiến nghị Thủ tướng cho phép trường tiếp tục thực hiện một cách nhất quán quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHQG theo QĐ 16/2001/QĐ-TTg, cho phép khu công nghệ phần mềm hoạt động theo cơ chế đặc biệt: hình thức doanh nghiệp KHCN, cho phép thực hiện điều chỉnh mức thu học phí, đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản để hoàn tất dự án xây dựng và phát triển ĐHQG vào năm 2013, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo để giải phóng mặt bằng 150 ha đất còn lại ở khu quy hoạch Thủ Đức – Dĩ An. Và cốt lõi của vấn đề phát triển cần “lời giải” từ Thủ tướng - theo ông Bình - là trao quyền tự chủ cao nhất cho ĐHQG TPHCM.

  • Đa ngành, đa lĩnh vực nhưng vẫn cần có “mũi nhọn”

Ông Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đánh giá cao những kết quả đạt được của ĐHQG TPHCM, “mô hình có tính tự chủ cao nhất và nằm trong tốp đầu các trường có chương trình đào tạo tiên tiến”, và cho biết, Bộ GD –ĐT đang soạn thảo một quy chế phân cấp trình Thủ tướng phê duyệt để tạo sự tự chủ cho các trường có thể chuyển sang quản lý chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên ông cũng lưu ý ĐHQG TPHCM vẫn còn những “bất cập” trong hàng loạt các tiêu chí đánh giá một trường trọng điểm quốc gia: Đội ngũ giảng viên của trường còn chưa mạnh đồng đều về chất lượng như số GS chỉ chiếm 0,61% là thấp hơn các trường trọng điểm khác (chỉ đứng thứ 8 trong 14 trường ĐH trọng điểm), số lượng PGS chiếm 6,81% tuy có cao so với một số nước nhưng chỉ đứng thứ 3 trong nước, rồi số TS cũng tương tự.

Như thế bài toán củng cố đội ngũ giảng viên là vấn đề lớn với ĐHQG TPHCM khi trong năm 2007 trường này chỉ đăng ký với bộ danh sách đào tạo có 150 TS. “Như thế là ít, rất khó để đạt mục tiêu tăng gấp đôi giảng viên có trình độ sau ĐH vào năm 2010. Muốn vậy, mỗi năm phải đào tạo hoặc tuyển dụng 300 TS” - ông Long nhấn mạnh.

Cùng nỗi trăn trở, ông Nguyễn Bích Đạt, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, nói: Mô hình ĐHQG là phù hợp, nhưng tôi vẫn có cảm giác mình đào tạo vẫn dàn trải, chưa có mũi nhọn, chưa xác định rõ “đa ngành, đa lĩnh vực” để “đa” đến cỡ nào? ĐH Thanh Hoa ở Trung Quốc không chạy theo quy mô đào tạo mà họ nhắm vào đào tạo sau ĐH cho nên trong khi chỉ có 13.000 SV họ vẫn đào tạo tới 18.000 SV sau ĐH. Và bởi vậy họ có tới 50% số giảng viên là GS.

  • Từ vốn ngân sách đến...“vốn con người”

ĐHQG TPHCM được Chính phủ quan tâm đặc biệt và gần như mọi yêu cầu phát sinh đều được đáp ứng nhanh nhất. Thế nhưng – cũng như các công trình trọng điểm khác – nó vẫn cần có cơ chế riêng, có cách giải quyết đặc thù như những phát sinh trong đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho khoảng 1.000 hộ dân trong khu quy hoạch…

Sự chậm trễ trong giải tỏa 150 ha đất còn lại – được Thủ tướng quyết đoán – đã “phân cấp” rõ: “Địa phương phải là chủ đầu tư để lo dự án. Còn để ĐHQG đi giải tỏa, xây nhà tái định cư thì nói thật là tôi lo lắm. Chúng ta đã có bài học từ vụ thủy điện Sơn La khi có nhà tốt mà bà con vẫn không chịu vào ở. Phải để cho địa phương quyết định chuyện này”. Nhưng đây chỉ là chuyện nhỏ so với chuyện “đầu tiên”: Trong 6.800 tỷ đồng dự kiến cho xây dựng hoàn chỉnh ĐHQG, ngân sách mới rót khoảng 1.000 tỷ đồng, số còn lại 5.800 tỷ đồng sẽ được bố trí ra sao để kết thúc công trình vào năm 2013 theo chỉ đạo của Thủ tướng? Thứ trưởng Nguyễn Bích Đạt tính toán, “mỗi năm cần 1.000 tỷ đồng, như thế là quá lớn - bằng ngân sách xây dựng cơ bản của cả Bộ GD-ĐT, cho nên cần phải trình Quốc hội bố trí luôn “1 cục” để tránh tình trạng cứ phải tạm ứng trước ngân sách những năm tiếp theo”.

Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, GD-ĐT là lĩnh vực Đảng và Nhà nước đặc biệt chăm lo vì “vừa là mục tiêu, vừa là động lực và điều kiện phát triển của đất nước”. Theo Thủ tướng, chúng ta chỉ có thể vượt qua cái nghèo bằng “vốn” con người, bằng nguồn nhân lực chất lượng cao. Và muốn vậy phải có các trường ĐH đạt đẳng cấp quốc tế, để đi đâu cũng làm việc được. Thủ tướng trăn trở: “Nước ta mới có 27% số lao động qua đào tạo. Tỷ lệ này là quá thấp. Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT phải đặt chỉ tiêu đào tạo nghề cho 50% số lao động vào năm 2010 chứ không dừng ở mức 40% như mục tiêu đặt ra”. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng cần đa dạng hóa nguồn vốn, không thể tất cả cứ “đổ đầu” ngân sách nhà nước, hạng mục nào cần xã hội hóa thì cương quyết không lấy ngân sách nhà nước đắp vào. Chẳng hạn có thể liên kết với ĐH nước ngoài bằng góp đất rồi chuyển đổi phương thức sử dụng khi di dời các cơ sở ở nội thành ra… Ông đề xuất trường cần có phương án hoàn vốn như chuyển giao công nghệ theo mô hình công ty, và về phía Bộ Tài chính thì bộ “chủ trương bố trí kinh phí theo đầu ra”.

Đối với ĐHQG TPHCM, Thủ tướng khẳng định mô hình này là phù hợp và “tôi có niềm tin là trường sẽ phát triển tốt, sánh vai được với các trường ĐH quốc tế”. Ông khẳng định Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện cho trường phát triển, đặc biệt là cho một cơ chế tự chủ cao nhất: Cho phép giám đốc bổ nhiệm các phó giám đốc, tự quyết định chỉ tiêu tuyển sinh, đầu tư xây dựng các hạng mục theo nhóm A, cho phép các cơ sở chuyển giao công nghệ hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng chỉ đạo trường phối hợp với Bộ GD-ĐT và Văn phòng Chính phủ bổ sung quy chế hoạt động của trường theo hướng “quyền hạn lớn hơn, trách nhiệm cao hơn” và cho phép trường thực hiện thí điểm điều chỉnh mức thu học phí để đảm bảo công bằng xã hội cũng như cân đối thu - chi.

Với những ưu đãi trên, Thủ tướng hy vọng ĐHQG TPHCM cùng với ĐHQG Hà Nội sẽ là 2 trường “trọng điểm trong các trường ĐH trọng điểm. Nói thế nghĩa là phải tạo ra mũi nhọn, không thể đi đều dàn hàng ngang như các trường trọng điểm khác”.

Bích An - Phan Lộc

Tin cùng chuyên mục