Mô hình trường THPT năng khiếu thể dục thể thao - Thiếu điểm nhấn, thừa bất cập

Thiếu, yếu đủ thứ
Mô hình trường THPT năng khiếu thể dục thể thao - Thiếu điểm nhấn, thừa bất cập

TPHCM sẽ có thêm 2 trường chuyên năng khiếu thể dục thể thao (TDTT) ở huyện Củ Chi và Bình Chánh theo mô hình Trường chuyên năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định. Tuy nhiên, hiệu quả mô hình Trường THPT năng khiếu TDTT sau 7 năm hoạt động vẫn còn những bất cập, đìu hiu trong tuyển sinh…

Trường THPT chuyên năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định vẫn đang ngổn ngang xây dựng một số hạng mục. Ảnh: THANH TÂM

Trường THPT chuyên năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định vẫn đang ngổn ngang xây dựng một số hạng mục. Ảnh: THANH TÂM

Đỏ mắt tuyển sinh

Trường THPT chuyên năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định tại TPHCM là mô hình trường phổ thông dành cho những học sinh (HS) có năng khiếu TDTT duy nhất trong cả nước, nhằm đào tạo và phát triển năng khiếu TDTT trên cơ sở đảm bảo trình độ học vấn cho HS.

Trường được thành lập từ năm 2004 và chia làm 2 giai đoạn xây dựng: Giai đoạn 1 hoàn thành khu vực phòng học, phòng chức năng như các trường THPT bình thường. Giai đoạn 2 dự kiến khởi công vào cuối năm 2007 gồm những hạng mục về sân bãi, hồ bơi, nhà thi đấu, ký túc xá… Nhưng do thiếu vốn đầu tư nên giai đoạn 2 kéo dài đến đầu năm 2011 mới bắt đầu khởi công.

Trong suốt những năm chờ đợi cơ sở vật chất để trường thực hiện đúng tên gọi và mục tiêu ban đầu, để tránh lãng phí, UBND quận 8 là chủ đầu tư cùng với Sở GD-ĐT cho phép trường thực hiện chức năng tuyển sinh bậc THCS và THPT đáp ứng chỗ học cho con em trên địa bàn quận 8 và các quận lân cận. Đến nay, trường vẫn hoạt động như một trường phổ thông bình thường, có một số ít lớp chuyên năng khiếu TDTT. Mục đích chính khi thành lập trường là bồi dưỡng năng khiếu TDTT nay lại trở thành… thế yếu.

Mỗi năm, chỉ tiêu tuyển sinh năng khiếu của trường gồm 4 lớp khối 6 (30 HS/lớp) và 4 lớp khối 10 (30 HS/lớp) nhưng chưa năm nào trường tuyển đủ chỉ tiêu. Lý do lớn nhất là cơ sở vật chất để thực hiện giảng dạy TDTT chuyên nghiệp còn hạn chế khiến vùng tuyển sinh hạn hẹp nên số HS có năng khiếu TDTT vốn đã ít càng trở nên hiếm. Tính đến năm học 2010-2011, sau 6 kỳ tuyển sinh, tổng số HS năng khiếu của trường cũng chỉ vỏn vẹn 262 em bao gồm cả chính thức và dự bị.

Thầy Đinh Thành Tâm, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thiếu cơ sở vật chất cũng đành bó tay, chẳng hạn năng khiếu bơi lội mà không có hồ bơi thì không thể học tập. Trường cũng chưa có ký túc xá, HS ở quận xa hoặc tỉnh khác đến học và luyện tập thì không thể về trong ngày, muốn ở lại cũng không được nên người học còn e ngại.

Thiếu, yếu đủ thứ

* Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận, để góp phần vực dậy các môn thể thao đang sa sút, việc mở rộng mô hình trường năng khiếu TDTT là điều rất cần thiết. Tất cả các trường này trực thuộc sự quản lý của Sở GD-ĐT. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng giữa việc học và luyện tập TDTT theo đúng mô hình một trường chuyên TDTT sẽ có một hội đồng giữa ngành TDTT và giáo dục để đưa ra chương trình học cũng như kế hoạch đào tạo phù hợp.

Chính vì hoạt động như một trường phổ thông bình thường do cơ quan chủ quản là Sở GD-ĐT quản lý nên từ nguồn giáo viên cho đến chương trình phổ thông, chương trình năng khiếu đều theo quy trình như một trường phổ thông nhưng theo kiểu “phá cách” nửa vời. Đến nay, trường vẫn chưa có quy chế hoạt động phù hợp nên đành vừa hoạt động vừa gỡ. Phần lớn giáo viên đều tuyển từ nguồn giáo viên dạy chương trình phổ thông, không có huấn luyện viên chuyên nghiệp.

Đặc biệt, chương trình học dành cho HS năng khiếu TDTT cũng chẳng khác một HS phổ thông là mấy. Nếu như HS bình thường được nghỉ 3 buổi chiều trong tuần thì HS năng khiếu dùng 3 buổi chiều để học nâng cao TDTT. Giáo viên không phải chuyên nghiệp nên thường căn cứ vào những thông số kỹ thuật “cố định” để bồi dưỡng, huấn luyện cho năng khiếu của từng HS, từng lứa tuổi. Qua 7 năm, chương trình bồi dưỡng cho HS năng khiếu TDTT vẫn do “cây nhà lá vườn” và qua sự thẩm định duy nhất của Sở GD-ĐT (?). Một chương trình giáo dục và bồi dưỡng nguồn nhân lực thiên về năng khiếu mang tính thiên bẩm lại do một đơn vị tréo ngoe thẩm định thì tính khoa học, hiệu quả và chuẩn xác sẽ đến đâu?

Cũng chính vì chưa có sự thống nhất giữa 2 ngành giáo dục và thể dục thể thao nên chế độ cho HS vẫn là kiểu hành động tự phát theo cơ chế “độc quyền”. Thầy Đinh Thành Tâm cho biết: Chế độ tập luyện khi có mùa giải thi đấu là 90.000 đồng/ngày, chế độ dinh dưỡng khi thi đấu là 50.000 đồng/ngày, thấp hơn nhiều so với vận động viên năng khiếu TDTT. Sắp tới, khi có sự thống nhất giữa 2 sở ngành, sẽ xây dựng lại toàn bộ chương trình cũng như chế độ cho đối tượng HS năng khiếu TDTT.

Cần đầu tư có trọng điểm

Trường THPT Năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định hiện chỉ có thể tuyển sinh và đào tạo 20% công suất. Nếu mở thêm trường dễ gây lãng phí vừa khiến các trường rơi vào cảnh tìm không ra người học. Nên điều cần làm lúc này là đầu tư có trọng điểm về chuyên môn và chế độ cho giáo viên, HS và chuẩn hóa chương trình năng khiếu TDTT… Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho một trường phổ thông năng khiếu TDTT không hề nhỏ. Trong khi nhiều nơi tại TPHCM thiếu đất xây trường, Trường Nguyễn Thị Định lại có cơ ngơi rộng nhất nhì ở TPHCM với diện tích hơn 5,25ha (đạt chuẩn quốc gia), tổng kinh phí đầu tư cả 2 giai đoạn hơn 100 tỷ đồng.

Ông Lê Hoài Nam, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: HS bên cạnh học văn hóa cần được nâng cao thể chất và năng khiếu TDTT. Hơn nữa, thành tích thể thao của HS Trường Nguyễn Thị Định thời gian qua đã phần nào khẳng định hiệu quả ban đầu của mô hình này, dù thời gian qua nhà trường còn thiếu thốn về cơ sở vật chất. Chắc chắn rằng khi có khu ký túc xá và các hạng mục khác, trường sẽ thu hút được nhiều HS ở các quận, huyện khác vào học.

Bất kỳ sự đầu tư nào cho giáo dục cũng là điều đáng trân trọng nhưng để sự đầu tư có hiệu quả, tránh lãng phí, các nhà quản lý cần đánh giá lại hiệu quả của mô hình. Cơ sở vật chất thiếu thốn có thể khắc phục khi có kinh phí để xây dựng. Còn để thay đổi chương trình đào tạo là cả một quá trình…

Lê Linh - Tiêu Hà

Tin cùng chuyên mục