
Nếu như nước Pháp có Viện Trao đổi văn hóa Pháp Alliance francaise, nước Anh có các Hội đồng Anh British Council, Đức có Viện Goethe-Institut thì Trung Quốc cũng có kế hoạch thành lập 100 Viện Khổng Tử (Conficius Institute) trên khắp thế giới và giờ đây đã có hơn 40 viện như vậy mọc lên ở nhiều nước.

Du khách viếng lăng mộ Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Q.K.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển vũ bão của nền kinh tế Trung Quốc (TQ), số lượng người nước ngoài có nhu cầu học tiếng Hoa ngày càng tăng. Theo Bộ Giáo dục TQ, vào đầu năm học 2004, có tới 400 trường ở nước này mở cửa đón nhận khoảng 400.000 sinh viên đến từ 150 nước trên thế giới.
Chỉ riêng ở Bắc Kinh, người ta thống kê được khoảng 50.000 sinh viên nước ngoài đang theo học tiếng Hoa qua các chương trình ngắn hạn. Riêng việc thực tập tiếng Hoa của người nước ngoài đã mang lại cho TQ 2 tỷ nhân dân tệ (NDT) mỗi năm và người ta dự báo con số này sẽ còn tăng gấp đôi trong vòng 3-5 năm tới.
Dù vậy, việc đó cũng không đáp ứng được nhu cầu học tiếng Hoa ngày càng tăng ở các nước. Các số liệu thống kê cho biết hiện có hơn 2.300 trường học tại 100 quốc gia đang giảng dạy tiếng Hoa cho khoảng 30 triệu học viên.
Từ Viện Khổng Tử
Xuất phát từ nhu cầu đó, TQ có kế hoạch thành lập các Viện Khổng Tử, thực chất là những trung tâm văn hóa TQ ở nước ngoài, trong khi Viện Khổng Tử chính nằm tại Bắc Kinh. Các Viện Khổng Tử có chức năng giảng dạy tiếng Hoa; đào tạo thầy giáo Hoa ngữ cho các trường học các cấp; tổ chức các cuộc thi xác nhận trình độ tiếng Hoa HSK (“Hanyu Shuiping Kaoshi”) cho những ai có nhu cầu; giúp đỡ sách và tài liệu tiếng Hoa, chiếu phim TQ, cố vấn du học ở TQ; tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa, hữu nghị... Mục tiêu là góp phần truyền bá tiếng Hoa và mở rộng ảnh hưởng của nền văn hóa TQ trên phạm vi toàn cầu.
Tháng 11-2004, Viện Khổng Tử đầu tiên ở nước ngoài được khánh thành tại Seoul, Hàn Quốc. Tiếp đến là các Viện Khổng Tử ở Mỹ, Thụy Điển, Pháp... Hiện nay, Viện Khổng Tử đã có mặt ở khắp các thành phố lớn thuộc đủ các vùng trên thế giới: châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, Bangladesh, Pakistan...); châu Âu (Pháp, Thụy Điển, Bỉ, Anh, Đức, Ý...); Bắc Mỹ (Mỹ, Canada); Nam Mỹ (Mehico); châu Úc (Úc, New Zeland), châu Phi (Kenya)...
Một số nước không chỉ có một mà đã và sẽ có nhiều Viện Khổng Tử ở những thành phố khác nhau như Nhật Bản đã có tới 3 viện (Hokuriku, Ritsumeikan, Tokyo); Hàn Quốc (Seoul, Pusan); Pháp (Poitiers, Paris, Aix-Marseille); Mỹ (Chicago, San Francisco); Anh (London, Manchester); Canada (Vancouver, Québec); Thái Lan (Chiangmai, Bangkok)...
Đến chứng chỉ Hoa ngữ HSK
Giống như các chứng chỉ TOEFL hoặc IELTS trong tiếng Anh, người biết tiếng Trung Quốc có thể ghi danh tham dự các kỳ thi HSK, được coi như loại chứng chỉ quốc tế về Hoa ngữ. Giờ đây, có những công ty đa quốc gia trên thế giới lấy chứng chỉ HSK làm một trong những tiêu chuẩn tuyển chọn nhân viên vào những vị trí cần thiết của công ty mình.
Những ai muốn dự thi có thể liên hệ trực tiếp với Viện Khổng Tử gần nơi mình sinh sống hoặc đăng ký qua mạng với Viện Khổng Tử Bắc Kinh. Chính phủ TQ còn có cuộc thi quốc tế tiếng Hoa hàng năm trong khuôn khổ Nhịp cầu Hoa ngữ (Chinese Bridge) dành cho sinh viên tất cả các nước.
2.500 năm đã trôi qua kể từ thời đại của đức Khổng Tử (551-479 trước Công Nguyên), giờ đây các viện mang tên ông đang góp phần quảng bá hình ảnh và nền văn hóa hàng ngàn năm của nước Trung Hoa ra toàn thế giới.
QUỐC MINH