Mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại vùng sâu, vùng xa ​

Nhiều doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng nên hiệu quả xúc tiến thương mại chưa cao. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt chưa mạnh dạn đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ tiến tiến vào sản xuất, kinh doanh…
Khen thưởng tập thể, cá nhân tại hội nghị
Khen thưởng tập thể, cá nhân tại hội nghị

Ngày 7-6, Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Báo cáo kết quả 10 năm triển khai thực hiện CVĐ, ông Phạm Tấn Công, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng Ban chỉ đạo CVĐ của Đảng ủy khối cho biết, qua 10 năm thực hiện CVĐ, các doanh nghiệp, ngân hàng trong khối đi đầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong nước ở tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh thay thế hàng nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp đã phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 70% - 90%. Hàng hóa nội địa trong mua sắm trang thiết bị làm việc, mua sắm công chiếm trên 95% giá trị.

 Tại thị trường nội địa, mỗi tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong khối đã tạo dựng thành công những thương hiệu nổi tiếng, uy tín hàng đầu quốc gia: Bảo Việt đứng đầu thị trường bảo hiểm, Vietnam Airlines dẫn đầu ngành hàng không, Vinatex dẫn đầu ngành may mặc; VNPT, Bưu điện Việt Nam, MobiFone là các trụ cột của ngành bưu chính, viễn thông; Xi măng Vicem chiếm trên 1/3 thị phần; 4 ngân hàng Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV là trụ cột ngành ngân hàng, chiếm trên 55% thị phần; Petrolimex chiếm trên 55% thị phần phân phối xăng dầu; PVN là trụ cột ngành dầu khí; Vinafood1, VRG là các trụ cột trong ngành nông nghiệp…

Tại hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đánh giá các sản phẩm của Tập đoàn Dệt may, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam… đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, cả những thị trường yêu cầu cao về chất lượng. Hàng Việt đã có chỗ đứng ngày một vững chắc trong các cơ sở phân phối không chỉ của doanh nghiệp vốn trong nước mà cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

 Tuy nhiên, thực hiện CVĐ vẫn còn những bất cập như chưa có chính sách ưu đãi thích đáng cho quảng bá, giới thiệu hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp Việt; việc kiểm tra, kiểm soát thị trường chưa được thường xuyên. Nhiều doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng nên hiệu quả xúc tiến thương mại chưa cao. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt chưa mạnh dạn đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ tiến tiến vào sản xuất, kinh doanh…

Để CVĐ ngày càng tạo sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và sử dụng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt có chất lượng cao.  Các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đầu tư nhân lực, tài chính, đổi mới, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, để người tiêu dùng tin tưởng, quan tâm dùng hàng Việt Nam có chất lượng cao.

“Cần tăng cường đầu tư, có chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện cho hoạt động mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và hỗ trợ các doanh nghiệp về tổ chức, điều tra, khảo sát thị trường, nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước”, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ đề nghị.

Tin cùng chuyên mục