Ngày bé, mỗi khi có đoàn xiếc, đoàn ca nhạc tạp kỹ hay gánh hát về diễn ở địa phương thì bọn con nít chúng tôi phải nói là vui đáo để.
Một lần nọ, có đoàn mô tô bay từ TPHCM về diễn. Những tờ rơi được phát ra có vẽ hình chiếc mô tô phân khối lớn màu sắc sặc sỡ vàng đỏ trắng xanh và dáng ngồi mạnh mẽ của chú lái hay của cô lái mô tô bay có mái tóc hoe vàng tung trong gió. Bọn con nít tụi tôi cứ ríu rít gọi nhau và xì xầm bàn tán từ lúc đoàn vừa về dựng rạp tại nhà văn hóa quê tôi.
Vậy là đoàn mô tô bay từ nơi văn minh về quê tôi biểu diễn tối nay. Chiếc vé xem diễn được cha xếp hàng đi mua từ sau trưa. Vậy là tôi yên tâm cho buổi tối đầy niềm vui có thực.
Một màn biểu diễn mô tô bay. Ảnh:T.L.
Mỗi vé xem dành cho người lớn là 1.000 đồng, còn trẻ em là 500 đồng. Loa phát lời rao nghe mùi mẫn quá, làm đứa nào đứa nấy cũng thấy háo hức và khó chịu lắm nếu như không được mẹ cha dắt đi coi mô tô bay diễn tối đó. Mà đâu phải đứa nào cũng có tiền coi. Phải chi là coi phim hay là coi ca nhạc, cải lương thì còn xé mê bồ bao quanh, hoặc “chui lỗ chó” mà vô coi cọp. Đằng này… lạ lắm. Đoàn diễn mô tô bay đó dựng rạp lên theo khối hình trụ. Từ những mảnh ván rời ghép lại và bắt ốc vít chắc chắn, cẩn thận. Mảnh ván có chiều ngang gần hai gang tay căng ra, dài độ khoảng mười mét, ván bóng lên theo màu năm tháng lưu diễn của họ. Lối vào là cổng sắt có khung sườn hai bên chỉ chừa lọt cho vừa vặn một người đi vô, tựa như đi về con hẻm. Qua cổng soát vé thì lên cầu thang sắt xoắn rồi vô cửa trong dòm xuống như từ đỉnh non cao ngó xuống thung sâu. Con nít mà! Nhìn đã thấy sợ, nhưng ham lắm, cố chen chân lọt vào chỗ gần tầm mắt nhất và đứng rồi ngoái trước nhìn sau mông lung dáo dác.
Mái vòm tạo cho âm thanh bên trong “sân khấu” càng nóng ấm. Bắt đầu là lời giới thiệu nghe mà cứ nôn nao và muốn coi cho nhanh, biết cái mô tô bay nó ra làm sao. Ba chú và một cô diễn tối đó. Ánh đèn sáng rõ, nhạc cất lên nhè nhẹ. Họ mặc bồ đồ liền bó sát, không phải vải mà hình như là chất liệu như áo mưa, màu đồ đen bóng có hai đường kẻ sọc chạy theo thân. Có người đeo kính râm có người không đeo. Họ đã vào vị trí và rồ máy xe sẵn rồi. Tiếng tu huýt của chú giới thiệu chương trình vừa thổi dứt đanh gọn, dứt khoát thì một chú bắt đầu cho xe phóng, bánh trước ngóc lên và lên vạch ván thứ nhất rồi chú chạy đôi ba vòng theo cái thân hình trụ đó, xe dần tiến lên, cứ tưởng nó đã gần rất sát bên tôi đang đứng vậy.
Tiếng động cơ, tiếng thuyết minh và âm nhạc dìu dịu cứ pha trộn, tôi nghe như có ngàn triệu tiếng cùng phát ra, nó vừa mãnh liệt, vừa dễ run người, vừa thích thú, vừa hâm mộ. Thế nào cũng có đứa từng ước được một lần, dù chỉ một, được ngồi lên xe mô tô bay và lái như họ. Lần lượt người thứ hai, thứ ba và sau cùng là cô gái có mái tóc hoe vàng. Họ lái xe nối đuôi nhau, lúc thì lượn như những làn sóng dặt dìu, khi lại như đang tranh nhau chạy về đích.
Có chú lái mà tưởng như đang phi ngựa, lái một tay một chân, rồi có lúc lại nằm trườn cả trên yên xe. Nhiều bạn gái có khi cả người lớn cũng không dám nhìn hoặc chỉ hé mắt dòm thôi. Còn tôi như đang trôi trong vòng quay của mô tô bay! Đêm đó tôi về mơ và mớ mô tô bay. “Mô tô bay kìa ba ơi! Mai ba mua vé cho con coi mấy cô chú diễn nữa nghen…”. Ba nói nhỏ với mẹ nhưng lúc đó tôi đã thức và nghe mang máng. Ba nói: “Mai nhín tiền chợ lại, khoan hẵng mua cái quạt gió, để tháng sau anh làm xong công trình xây trường học ở ngã năm về có tiền thì mặc sức mà sắm sửa lại. Cho con nó vui đi! Lâu lâu mới có mô tô bay. Mà tui cũng thích đó bà!”.
PHƯƠNG MINH