Mở tuyến du lịch thuyền trên kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè

Tối 1-9, UBND TPHCM sẽ đưa vào hoạt động tuyến du lịch đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè. Hành khách sẽ lên thuyền tại Nhà ga bến thuyền ở đường Hoàng Sa, phường Đa Kao, quận 1 (góc chân cầu Thị Nghè) đi dọc kênh về hướng quận Tân Bình và dừng tại điểm cuối gần chùa Khmer, phường 7, quận 3 (gần cầu Lê Văn Sĩ) và ngược lại.
Mở tuyến du lịch thuyền trên kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè

(SGGPO).- Tối 1-9, UBND TPHCM sẽ đưa vào hoạt động tuyến du lịch đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè. Hành khách sẽ lên thuyền tại Nhà ga bến thuyền ở đường Hoàng Sa, phường Đa Kao, quận 1 (góc chân cầu Thị Nghè) đi dọc kênh về hướng quận Tân Bình và dừng tại điểm cuối gần chùa Khmer, phường 7, quận 3 (gần cầu Lê Văn Sĩ) và ngược lại.

Tuyến du lịch đường thủy nội đô do Công ty Thuyền Saigon đầu tư xây dựng với kinh phí trên 7 tỷ đồng (gồm 2 nhà ga và 12 thuyền). Cụ thể, 10 thuyền Phụng (Gondola) mỗi thuyền 4 khách đi cùng 1 người chèo thuyền và 2 thuyền chống mỗi thuyền 20 khách đi cùng 1 hướng dẫn viên và 1 nhân viên chống thuyền.

Kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè sẽ được khai thác du lịch.

Khách vãng lai có thể mua vé ngay tại hai nhà ga nói trên hoặc mua tại các công ty du lịch hoặc tại  khách sạn, nhà hàng... Đây là chương trình xã hội hóa du lịch thủy nội địa nhằm phát động các loại hình du lịch để thu hút nhiều hơn sự quan tâm của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia.

Du lịch đường sông được xác định là một trong những sản phẩm chiến lược trong định hướng phát triển ngành du lịch TPHCM. Với cảnh quan thiên nhiên đặc sắc dọc hai bờ sông Sài Gòn, cùng những dòng kênh uốn lượn bao bọc khu vực nội đô, TPHCM có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này. Theo "Chiến lược phát triển du lịch đường sông TPHCM giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020", TPHCM đặt mục tiêu đẩy tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đường sông mỗi năm khoảng 20%, doanh thu tăng mỗi năm 30%... đến 2020, phát triển du lịch đường sông thành sản phẩm du lịch chủ lực của TPHCm.

Để thực hiện mục tiêu trên, trong năm nay, thành phố sẽ cải tạo và xây mới 45 bến đỗ, cầu tàu, nhà chờ… tổ chức kết nối đường bộ tới các điểm thăm quan phục vụ tàu thuyền, khách đi tàu; phát triển 65 điểm tham quan du lịch tại các quận, huyện có tuyến du lịch đường sông; xây dựng 3 điểm du lịch cộng đồng tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ… nhằm tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch đường sông, mang đến sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách.

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục