Nỗi lo đằng sau tăng trưởng du lịch tàu biển

Sau hơn 2 năm trì trệ do tác động của đại dịch Covid-19, ngành du lịch trên biển đã có dấu hiệu tăng trở lại (hơn 7%) vào năm 2023, với tổng cộng 31,7 triệu lượt khách quốc tế. Theo dự báo của Hiệp hội quốc tế các hãng tàu du lịch (CLIA), 3 năm tới, ngành du lịch tàu biển sẽ thu hút khoảng 40 triệu lượt hành khách.

CLIA cho biết ngành du lịch tàu biển sẽ tiếp tục phát triển với 35,7 triệu khách du lịch trong năm 2024. Sở dĩ các chuyến du lịch trên biển hút khách là vì các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, nội dung các chương trình sinh hoạt trong kỳ nghỉ cũng phong phú hơn nhiều so với trước đây.

Bên cạnh loại hình du lịch phù hợp hơn với các gia đình, giờ đây còn có thêm các tour theo chuyên đề, du lịch khám phá mạo hiểm các vùng đất lạ như trên vành đai Bắc cực... Đối với khách ít có máu phiêu lưu, nhiều chuyến đi tàu biển sẽ kết hợp tham quan văn hóa với du lịch ẩm thực.

Có thể thấy, xu hướng hiện nay là nâng cấp sản phẩm để làm tăng thêm giá trị của hình thức trải nghiệm du lịch. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, ngành du lịch tàu biển phải tìm cách thích nghi là chế tạo thêm nhiều loại tàu có kích cỡ khác nhau.

Theo đó, du thuyền khổng lồ sẽ phục vụ số đông, giá cả phải hợp lý cho một kỳ nghỉ gia đình, trong khi du thuyền cỡ vừa nhắm vào lượng hành khách vừa phải nhưng lại là khách có nhiều tiền hơn. Theo báo cáo của CLIA, các hãng du lịch đã đặt mua 63 chiếc tàu trong vòng 5 năm tới, bên cạnh 350 chiếc đang hoạt động với chi phí đầu tư lên tới 47 tỷ EUR ở châu Âu.

CN5 A-Anh1-Venice.jpg
Người dân Venice, Italy, phản đối du thuyền cập bến vào năm 2021. Ảnh: REUTERS

Điều quan trọng nhất đối với ngành du lịch tàu biển chính là nỗ lực phát triển hạ tầng cơ sở để “tiếp sức” cho các du thuyền mỗi khi tàu cập bến, cung cấp năng lượng qua dây cáp điện. Không phải thành phố biển nào cũng có cảng dành riêng cho du thuyền và chịu đầu tư để lắp đặt được một hệ thống như vậy. Điều đó buộc CLIA phải thảo luận với hội đồng các thành phố cảng, cũng như xin phép các chính quyền địa phương.

Nhiều điểm đến đông khách du lịch giờ đây không còn xem tàu biển là một nguồn doanh thu béo bở. Bằng chứng là CLIA vẫn phải đang thảo luận với Barcelona (Tây Ban Nha) và Lisbon (Bồ Đào Nha) để duy trì 2 thành phố cảng này trên lộ trình các điểm tham quan hàng đầu châu Âu.

Trong khi đó, hàng loạt danh lam thắng cảnh khác đều đã áp dụng quota du khách, hoặc thu thêm phí đối với những khách nào rời thuyền vào trong thành phố để tham quan nhưng không ngủ lại qua đêm để hạn chế tình trạng du khách quá tải. Một vấn đề khác nữa là, dù cố gắng cách mấy, các hãng tàu du lịch vẫn chưa tìm ra được một giải pháp thích hợp trong việc giảm thiểu khí gây ô nhiễm, hạn chế những tác hại về môi trường.

Các du thuyền cỡ lớn được so sánh như những thành phố nổi khổng lồ. Dù cập bến cảng, các du thuyền này vẫn không thể nào tắt máy, động cơ phải chạy liên tục để duy trì hệ thống điều hòa không khí, tủ lạnh, cũng như để sưởi ấm các bể bơi. Do vậy, trong lúc dừng lại, các du thuyền này tạo ra một lượng rất lớn khí thải.

Cũng vì thế, sự phát triển của ngành du lịch trên biển tạo thêm nhiều việc làm cho các xưởng đóng tàu, nhưng lại đang gặp phải làn sóng phản đối từ phía các hiệp hội bảo vệ môi trường, trong lúc khí hậu đang chịu nhiều biến đổi.

Tin cùng chuyên mục