Mối lo

Sau những diễn biến gần đây của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, với Mỹ là việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) không nâng lãi suất cơ bản, còn với Trung Quốc là nền kinh tế đang có những dấu hiệu giảm tốc, báo Le Figaro của Pháp cho đăng tải bài viết nhận định: Thị trường các nước có nền kinh tế mới nổi đang bị Trung Quốc và FED giam hãm.

Sau những diễn biến gần đây của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, với Mỹ là việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) không nâng lãi suất cơ bản, còn với Trung Quốc là nền kinh tế đang có những dấu hiệu giảm tốc, báo Le Figaro của Pháp cho đăng tải bài viết nhận định: Thị trường các nước có nền kinh tế mới nổi đang bị Trung Quốc và FED giam hãm.

Tuy các thị trường mới nổi lên này cảm thấy thở phào nhẹ nhõm trước quyết định giữ nguyên hiện trạng của FED, nhưng điều đó cũng không đem lại cho họ một chút tia hy vọng nào. Việc FED duy trì lãi suất thấp thời gian dài khiến nhiều quốc gia cũng đã hạ lãi suất đến sàn kể từ năm 2008. Chính sách này dẫn đến hậu quả là tiền nhiều và rẻ khiến các nước lại vay mượn nhiều hơn. Một báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu McKinsey cho biết tổng nợ của thế giới đã tăng 40% kể từ năm 2007 và hiện vào khoảng 200.000 tỷ USD. Các nhà đầu tư biết rõ sớm muộn Mỹ cũng sẽ tăng lãi suất cơ bản và kéo theo mức tăng chi phí trả nợ. Khi đó, núi nợ sẽ sụp và dẫn đến suy thoái kinh tế thế giới.

Các nước đang phát triển sẽ phải gánh rất nhiều hệ lụy từ việc Mỹ tăng lãi suất trong bối cảnh còn phải chịu tác động mạnh do sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc. Với các nước xuất khẩu dầu khí và nguyên nhiên liệu, như Nga và Brazil, giá bán trên thế giới sụt giảm đã khiến hai nền kinh tế lớn mới nổi gặp nhiều khó khăn. Còn tại các nước nhập khẩu dầu, giá dầu giảm là điều có lợi nhưng việc Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ đã đặt đồng nội tệ của những nước này dưới một áp lực lớn. Vì tài chính không lớn mạnh bằng các nước phát triển, những quốc gia có nền kinh tế mới nổi được trang bị kém hơn để bảo vệ đồng nội tệ và hỗ trợ cho tăng trưởng. Hơn nữa, vì bị lệ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc, nên việc tiếp cận những yếu kém của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới này sẽ có những tác động lên các quốc gia này nhiều hơn là vào châu Âu hay Mỹ.

Câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay là nếu trong trường hợp nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn thật sự, nơi nào sẽ bị tác động nhiều nhất. Theo Le Figaro, Hồng Công và Singapore sẽ là những nạn nhân đầu tiên. Theo nhận định của tờ báo này, do tính chất gần về mặt địa lý và hội nhập kinh tế quá nhiều với Trung Quốc nên các thị trường châu Á sẽ là những nạn nhân đầu tiên nếu như nền kinh tế Trung Quốc bất ngờ “rơi”. Một con số đáng kinh ngạc chứng minh điều này. Kể từ năm 2000, Trung Quốc đóng góp đến 72% cho sự tăng trưởng chung tại các nước châu Á có nền kinh tế mới nổi. Thông qua 3 kênh giao dịch chính là thương mại, giá nguyên nhiên liệu và tài chính, hai trung tâm tài chính lớn và thương mại quan trọng của khu vực là Hồng Công và Singapore sẽ bị ảnh hưởng nặng. Dựa vào nhu cầu ít hay nhiều của Trung Quốc đối với nguyên nhiên liệu, cả khu vực châu Á sẽ có những mức độ ảnh hưởng khác nhau tùy theo từng quốc gia như tại Indonesia và Mông Cổ, dường như sẽ là những nước nhạy cảm nhất khi gánh cùng lúc hai tác động về mặt khối lượng và giá cả. Có thể thấy, FED và Trung Quốc thực sự là những mối lo cho các nền kinh tế mới nổi.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục