Mỏi mòn chờ hỗ trợ chuyển đổi nghề

Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (huyện Bình Chánh, TPHCM) đã xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 6-2016. Tuy nhiên, 6 năm qua, việc hỗ trợ, đền bù cho nhiều hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án vẫn chưa xong. Trong ngần ấy thời gian, người dân đã gửi hàng ngàn đơn, thư khiếu nại đến các cơ quan ở trung ương và địa phương. 

Chính quyền địa phương cũng đã 19 lần gửi công văn trình Sở TN-MT TPHCM thẩm định phương án hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa được chấp nhận. 

Nhiều nhà máy đã được xây dựng và đưa vào hoạt động tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3, nhưng việc hỗ trợ, đền bù cho nhiều hộ dân có đất bị thu hồi vẫn chưa xong
Quyết liệt thu hồi

Để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, ngày 10-12-2015, UBND TPHCM đã có Kế hoạch 7731/KH-UBND về việc chỉ đạo điều hành thực hiện dự án Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (gọi tắt là KCN Lê Minh Xuân 3) và các dự án khác. Theo đó, chậm nhất đến ngày 30-6-2016, UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án và quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từng người có đất bị thu hồi để thực hiện dự án KCN Lê Minh Xuân 3. Có lẽ từ sự chỉ đạo quyết liệt như vậy, dự án đã xây dựng và đưa vào sử dụng, nhưng việc bồi thường, hỗ trợ đến nay vẫn chưa xong.

Ông Lê Văn Tám (65 tuổi, ngụ ấp 6, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) kể: “Từ năm 2009, gia đình tôi có hợp đồng khoán 9,5ha đất trồng mía với Công ty Cây trồng Thành phố. Đầu năm 2016, chúng tôi đã chấp thuận bàn giao đất cho chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (gọi tắt là Công ty VRG). Chủ đầu tư đã đưa dự án vào khai thác kinh doanh, nhưng quyền lợi của chúng tôi vẫn chưa được giải quyết. Hơn 6 năm qua, chúng tôi đã khiếu nại việc UBND huyện Bình Chánh chưa giải quyết việc tính hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho chúng tôi. Tôi đang khiếu nại Quyết định 4670/UBND của UBND huyện Bình Chánh và đã chờ đợi hơn 18 tháng để được đối thoại với Chủ tịch UBND TPHCM, nhưng vẫn chưa được xem xét. Trước đây, gia đình tôi đã bán hết đất đai, xe cộ để theo đuổi nghề trồng mía. Kể từ khi giao đất, gia đình rất khó khăn trong cuộc sống. Tôi đang đau ốm, bệnh tật, không biết có đợi đến khi được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm hay không?”.

Kéo dài giải quyết

Gần 7 năm qua, UBND huyện Bình Chánh đã 19 lần trình Phương án điều chỉnh hệ số giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ nhưng Sở TN-MT TPHCM vẫn chưa chấp thuận. Khi phương án này chưa thông qua Hội đồng thẩm định giá đất, chưa trình UBND TPHCM phê duyệt thì UBND huyện Bình Chánh không có cơ sở để tính hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người dân có đất bị thu hồi. Trước đó, căn cứ vào số liệu từ các dự án liền kề, như: dự án Bệnh viện Chợ Rẫy 2, dự án xây dựng cầu Kênh Xáng Ngang, dự án khu dân cư liền kề KCN Lê Minh Xuân 3 và thực hiện theo hướng dẫn tại các công văn của Sở TN-MT TPHCM, chính quyền địa phương đã đề xuất mức hỗ trợ này bằng 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi (K’ = 5).

Theo nhận định của Thanh tra TPHCM tại Kết luận số 40/TB-TTTP-P6 (ngày 18-12-2019) và Kết luận số 148/TB-TTTP-P6 (ngày 11-12-2020), dự án KCN Lê Minh Xuân 3 chưa đảm bảo trình tự thủ tục theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. 

Tuy nhiên, tại Công văn số 7264/STNMT-KTĐ ngày 17-8-2020, Sở TN-MT TPHCM lại cho rằng mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm mà UBND huyện Bình Chánh đề xuất (hệ số K’ = 5) là chưa đủ cơ sở để xem xét. Do đó, đề nghị UBND huyện Bình Chánh cân đối với các dự án lân cận đã được duyệt như: dự án xây dựng cầu Tân Bửu, dự án xây dựng văn phòng ấp 1B, 6A có hệ số K’ = 3 đến 3,5 lần; và cân đối với các khu vực lân cận đã được duyệt như: Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Tân có hệ số K’ = 2 đến 2,5 lần để đề xuất mức hỗ trợ của dự án cho phù hợp. 

Ông Lê Hà Triều, người có đất bị thu hồi ở dự án KCN Lê Minh Xuân 3, bức xúc: “Hệ số K’ = 5 là có xem xét đến quyền lợi chính đáng của người dân. Điều đó cho thấy chính quyền địa phương rất thiện chí và trân trọng sự hỗ trợ tích cực của người dân trong việc bàn giao đất đai, tài sản mà họ đã nhiều năm gắn bó, gây dựng, lao động cực nhọc. Thời gian qua, chúng tôi đã có 3 lần đối thoại với lãnh đạo địa phương, 1 lần đối thoại với Giám đốc Sở TN-MT TPHCM. Sau đó, Hội đồng thẩm định bồi thường thành phố đã có Công văn số 563/HĐTĐBT ngày 27-9-2018, hướng dẫn và yêu cầu UBND huyện Bình Chánh hỗ trợ cho người dân. Những tưởng mọi việc sẽ được giải quyết rốt ráo. Nhưng…”.

Đại diện 6 hộ dân bị thu hồi đất, ông Lê Văn Tám bày tỏ: “Thật vô lý khi chủ đầu tư đã đưa dự án vào khai thác, sử dụng và kinh doanh cho thuê, còn quyền lợi của chúng tôi chưa được giải quyết thỏa đáng. Đất đai bị thu hồi, không còn tư liệu để sản xuất. Chúng tôi bị mất việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, có người bị bệnh nan y, có người đã mất… Điều quan trọng bây giờ là chúng tôi mong mỏi chính quyền địa phương sớm có giải pháp trình hệ số K’ và cơ quan có thẩm quyền sớm thông qua để trình UBND TPHCM phê duyệt. Bị thu hồi đất, rồi trải qua đại dịch Covid-19, chúng tôi đã chờ đợi quá lâu, tốn quá nhiều công sức và tiền của để gửi hàng ngàn đơn, thư khiếu nại!”.

Tin cùng chuyên mục