Mỗi người bệnh một giường bệnh?

Trước tình trạng quá tải bệnh nhân ở bệnh viện tuyến trung ương, Bộ Y tế đã quyết định thực hiện đề án giảm tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020. Trong đó, mục tiêu lớn nhất mà đề án đặt ra là cơ bản khắc phục tình trạng bệnh nhân nằm ghép vào năm 2015 và phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện. Để làm rõ hơn những kết quả đạt được sau 2 năm thực hiện đề án trên và những giải pháp giảm tải bệnh viện tới đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế.
Mỗi người bệnh một giường bệnh?

Trước tình trạng quá tải bệnh nhân ở bệnh viện tuyến trung ương, Bộ Y tế đã quyết định thực hiện đề án giảm tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020. Trong đó, mục tiêu lớn nhất mà đề án đặt ra là cơ bản khắc phục tình trạng bệnh nhân nằm ghép vào năm 2015 và phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện. Để làm rõ hơn những kết quả đạt được sau 2 năm thực hiện đề án trên và những giải pháp giảm tải bệnh viện tới đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế.

Mỗi người bệnh một giường bệnh? ảnh 1

PGS-TS Lương Ngọc Khuê

- Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của công tác giảm tải bệnh viện sau 2 năm thực hiện các giải pháp chống quá tải?

>> PGS-TS LƯƠNG NGỌC KHUÊ: Thực hiện đề án giảm tải bệnh viện, Bộ Y tế đã đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh cho các khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản nhi. Đồng thời, đầu tư, đẩy mạnh tiến độ hoàn thiện các dự án xây dựng, cải tạo và mở rộng một số bệnh viện. Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ đề án xây dựng cơ sở 2 một số bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, TPHCM. Qua khảo sát cho thấy các mục tiêu của đề án sau 2 năm thực hiện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đáng chú ý là chúng ta đã tăng được gần 39.000 giường bệnh và hơn 5.000 bàn khám tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương nên tình trạng quá tải được cải thiện đáng kể. Hơn nữa, nhờ cải cách thủ tục hành chính nên quy trình khám bệnh cũng giảm từ 12 - 14 bước xuống còn 4 - 8 bước, đồng nghĩa với việc thời gian người bệnh chờ đợi và thời gian khám chữa bệnh đã giảm nhiều, giảm trung bình 48,5 phút so với trước khi triển khai cải tiến quy trình khám bệnh.

- Mặc dù số giường bệnh được tăng lên, quy trình khám chữa bệnh được rút gọn nhưng thực tế tại nhiều bệnh viện bệnh nhân vẫn phải nằm ghép và người bệnh phải chờ đợi khá lâu khi khám chữa bệnh, thưa ông?

Đây mới chỉ là kết quả ban đầu sau 2 năm thực hiện đề án, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận đề án đem lại ý nghĩa và hiệu quả rất lớn cho người bệnh. Khảo sát trực tiếp của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, đến nay chỉ còn một số bệnh viện như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Phổi Trung ương, Phụ sản Trung ương là còn có tình trạng người bệnh phải nằm ghép, còn lại có tới 18 bệnh viện tuyến trên đã cơ bản giải quyết được tình trạng nằm ghép. Đặc biệt so với năm 2012, tới nay 58% số bệnh viện tuyến trung ương và 47% số bệnh viện tuyến tỉnh có xu hướng giảm số khoa có tình trạng nằm ghép, không còn tình trạng nằm ghép tới 3 - 5 người/giường. Bên cạnh đó, với việc rút ngắn thời gian khám chữa bệnh cũng đã giúp cho người bệnh giảm bớt vất vả, chờ đợi khi tới bệnh viện, góp phần làm tăng sự hài lòng của người bệnh, tăng lòng tin của người bệnh vào người thầy thuốc. Cũng như giúp cho việc chẩn đoán của người thầy thuốc nhanh, chính xác hơn.

Với quy trình mới, ước tính với tổng số lượt khám ngoại trú trên cả nước trong năm 2014 là trên 140 triệu lượt người, qua đó giúp tiết kiệm tương ứng với 13,6 triệu ngày công lao động. Cùng với đó, mỗi người đi khám bệnh, trung bình sẽ có một người đi cùng, như vậy việc rút ngắn thời gian khám bệnh mỗi năm sẽ tiết kiệm, hay có thể nói là bổ sung thêm ít nhất 27,2 triệu ngày công lao động thay vì số thời gian này lãng phí do chờ đợi khám bệnh phải kéo dài.

- Bộ Y tế mới đây đã công bố danh sách 13 bệnh viện tuyến trung ương cam kết không còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép trong năm 2015. Ông có thể cho biết rõ hơn việc này?

Đây là những bệnh viện tuyến trung ương đầu tiên cam kết giải quyết tình trạng bệnh nhân nằm ghép thống nhất theo 3 nhóm tiêu chí liên quan đến người bệnh. Thứ nhất, bắt đầu mỗi người một giường bệnh ngay khi vào điều trị nội trú; thứ hai là tối đa sau 24 giờ sẽ bố trí mỗi người một giường bệnh; thứ ba là tối đa sau 48 giờ sau nhập viện.

Nhiều bệnh viện tại TPHCM vẫn trong tình trạng quá tải, bệnh nhân vẫn phải nằm ngoài hành lang. Ảnh TRƯƠNG NGỌC

- Việc các bệnh viện cam kết không để bệnh nhân nằm ghép này có nằm trong tiêu chí đánh giá bệnh viện không, thưa ông?

Trước khi đưa ra nhóm tiêu chí trên, Bộ Y tế đã có 2 cuộc họp cùng với lãnh đạo 38 bệnh viện trực thuộc bộ bàn bạc rất kỹ và đã đi tới thống nhất. Việc giảm tải, không để tình trạng bệnh nhân nằm ghép không phải là vì thành tích, Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ phối hợp các bệnh viện để giải quyết các vướng mắc chứ không phải thả cho các bệnh viện bơi, đánh đố bệnh viện. Hơn nữa, việc các bệnh viện cam kết giải quyết tình trạng nằm ghép là hoàn toàn tự nguyện. Bộ Y tế không ép các bệnh viện ký cam kết giải quyết hết tình trạng nằm ghép mà chúng tôi để các bệnh viện tự đánh giá, tự nguyện thấy mình đã làm được chưa. Từ đó, để chính các bệnh viện được chủ động lựa chọn việc ký cam kết vào đợt nào cho phù hợp với thực tiễn của mình. Theo kế hoạch, trong năm 2015, Bộ Y tế sẽ có 3 đợt để các bệnh viện ký cam kết không còn bệnh nhân nằm ghép là vào dịp 27-2, 19-5 và 2-9.

- Bộ Y tế sẽ tiến hành giám sát và xử lý như thế nào với những bệnh viện đã cam kết không còn tình trạng nằm ghép mà không thực hiện được?

Việc giám sát trước tiên hãy để cho người dân. Đối với những bệnh viện đã ký cam kết, nếu người bệnh vẫn còn nằm ghép có thể phản ánh qua đường dây nóng với lãnh đạo bệnh viện. Trong trường hợp nếu bệnh viện không giải quyết được thì người dân hãy báo cáo lên Bộ Y tế qua đường dây nóng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ triển khai nhiều nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ các bệnh viện cam kết, cũng như lập các đoàn đi kiểm tra giám sát việc thực hiện.

13 bệnh viện tuyến trung ương đầu tiên cam kết giải quyết tình trạng nằm ghép là các bệnh viện: Hữu nghị Việt Đức, Nhi Trung ương, Lão khoa Trung ương, E Trung ương, Trung ương Huế, Đa khoa Đồng Hới, Việt Nam Thụy Điển - Uông Bí, Tâm thần Trung ương 1, Da liễu Trung ương, Đa khoa Thái Nguyên, Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh nhiệt đới Trung ương và Châm cứu Trung ương.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục