Với mạng xã hội (MXH) Facebook, Việt Nam hiện có gần 70 triệu tài khoản, là quốc gia đứng thứ 7 trên thế giới về lượng người dùng Facebook. Thống kê của Bkav vào cuối năm 2017 cho biết có tới 63% người dùng Internet ở Việt Nam thường xuyên bắt gặp tin tức giả mạo (fake news) trên MXH, trong đó 40% là nạn nhân đọc hàng ngày. Vấn nạn lừa đảo, ăn cắp và khai thác thông tin người dùng trên MXH ngày càng phổ biến...
Người dùng phải cẩn trọng
Câu chuyện Facebook đã cho bên thứ ba (Công ty Cambridge Analytica) truy cập, khai thác thông tin cá nhân của 50 triệu tài khoản người dùng ở Mỹ đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ với MXH lớn nhất hành tinh này. Quốc hội Mỹ và Anh đều yêu cầu lãnh đạo Facebook phải giải trình. CEO của Facebook là Mark Zuckerberg đã phải chính thức lên tiếng xin lỗi. Đây được xem là vụ bê bối lớn nhất của Facebook từ trước đến nay. Các thông tin mà Cambridge Analytica thu thập từ 50 triệu tài khoản Facebook được cho là sử dụng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tại Việt Nam, đến nay chưa có thông báo chính thức và ghi nhận nào về việc lộ mật khẩu tài khoản Facebook hay không. Tuy nhiên, vụ việc này đặt ra vấn đề: MXH phát triển nhanh với quy mô rộng, mang lại nhiều lợi ích về kết nối, chia sẻ thông tin nhưng cũng phát sinh nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng thông tin cá nhân người dùng.
2 trang mạng xã hội có ảnh hưởng lớn nhất với người sử dụng Internet ở Việt Nam hiện nay là Facebook và YouTube (của Google). Việc những công ty như Facebook và Google thu thập thông tin người sử dụng (thói quen, sở thích, công việc, địa điểm làm việc, nơi ở, giới tính, độ tuổi...) để thực hiện chương trình quảng cáo, marketing là điều không phải mới và ở góc độ nào đó, vẫn được người dùng chấp nhận, nhưng việc để cho bên thứ 3 khai thác thông tin và sử dụng vào mục đích khác thì đó là điều không ai chấp nhận. Vụ việc của Cambridge Analytica là ví dụ điển hình. Tại Việt Nam, đã có hàng loạt cảnh báo mối nguy tương tự từ những ứng dụng không rõ nguồn gốc trên nền tảng Facebook như xem bói, đoán tuổi, ghép ảnh… Các ứng dụng dạng này thông thường sẽ yêu cầu người dùng đăng nhập bằng tài khoản Facebook và cho phép ứng dụng truy cập thông tin cá nhân, bạn bè, tên, tuổi, giới tính và các thông tin khác... Điều này đồng nghĩa với việc người dùng đã chia sẻ thông tin của mình cho ứng dụng đó. Mục đích của những ứng dụng này là thu thập thông tin cá nhân được công khai trên Facebook và sử dụng dữ liệu đó cho các mục đích khác nhau, mà chủ yếu là quảng cáo, nhưng trong trường hợp xấu, các thông tin cá nhân của người dùng Facebook có thể bị sử dụng cho những mục đích nguy hiểm khác như lừa đảo hoặc lại bán thông tin cho bên khác... Cuối năm 2017, đánh giá về tình hình an ninh mạng năm 2018, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav, nhận định Facebook tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho các hành vi lừa đảo và tin tức giả mạo. Theo ông Ngô Tuấn Anh, cần có những quy định rõ ràng hơn trong việc quản lý, sử dụng khai thác thông tin cá nhân trên các MXH để có thể đảm bảo an toàn người dùng. Với cá nhân người dùng, khi tham gia MXH, cần xây dựng ý thức đề kháng trước các thông tin giả mạo, ứng dụng không rõ nguồn gốc.
Fake news và việc hợp tác để quản lý tốt hơn
Một vấn đề đang khiến cả thế giới “đau đầu” hiện nay là fake news trên các MXH, đặc biệt là của Google và Facebook. 2 MXH này đều đã nhiều lần cam kết sàng lọc, ngăn chặn fake news, nhưng vẫn chưa thuyên giảm.
Không chỉ khiến người đọc hoang mang, fake news còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước. Hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng đều không hài lòng với Google và Facebook về vấn đề này. Thời gian qua, Việt Nam tích cực và chủ động tăng cường hợp tác để quản lý tốt hơn với các dịch vụ của Google và Facebook.
Trong cuộc làm việc với bà Ann Lavin (Giám đốc Chính sách công và quan hệ chính phủ của Google tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương) giữa tháng 1-2018, Bộ TT-TT đã đề nghị Google đẩy nhanh tiến độ xử lý đối với các đề nghị từ phía Bộ TT-TT, sớm thiết lập lại cơ chế cập nhật kết quả xử lý vào thứ ba hàng tuần; đề nghị Google xem xét lập văn phòng đại diện tại Việt Nam để tiếp nhận trực tiếp các yêu cầu xử lý và thực hiện nghĩa vụ liên quan khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Khi làm việc với Bộ TT-TT vào đầu năm 2018, ông Damian Yeo, Giám đốc Chính sách và nhóm pháp lý khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Facebook, cho biết Facebook sẽ xây dựng một kênh riêng để giải quyết các đề nghị của Bộ TT-TT trong việc ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên MXH một cách hiệu quả hơn. Bộ TT-TT nhiều lần khẳng định, Việt Nam luôn chào đón Google cũng như Facebook cùng góp phần giúp Việt Nam xây dựng xã hội thông tin lành mạnh trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật Việt Nam. Hiện nay, Bộ TT-TT và các cơ quan chức năng đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý thông tin trên Internet, quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, có những cơ chế khuyến khích phát triển các dịch vụ nội dung do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, giảm tác động tiêu cực của các thông tin xấu, độc hại trên Internet, MXH.