Mối nguy nhiễm khuẩn bệnh viện

Mối nguy nhiễm khuẩn bệnh viện

Theo ước tính của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 1 triệu bệnh nhân nhiễm trùng vết mổ. Điều này không chỉ làm tăng thêm số ngày nằm viện, chi phí điều trị mà còn tăng nguy cơ đa kháng thuốc, nhất là kháng sinh. Tuy nhiên, hiện nay công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn còn hạn chế, tình trạng quá tải ở các bệnh viện càng làm tình trạng này thêm trầm trọng.

Làm tăng nguy cơ đa kháng thuốc

Mặc dù đã được phẫu thuật cắt bỏ u nang buồng trứng tại một bệnh viện phụ sản từ 2 tuần nay nhưng chị H.N.P. (ngụ quận 7, TPHCM) vẫn chưa xuất viện. Theo chị P., vết mổ chưa lành hẳn, mưng mủ và rất đau. Khi thắc mắc với bác sĩ điều trị thì được biết vết mổ bị nhiễm trùng, có dấu hiệu tụ dịch nên cần điều trị thêm kháng sinh. “Thông thường sau phẫu thuật 3 - 5 ngày thì có thể xuất viện, nhưng có trường hợp nhiễm trùng phải điều trị thêm, dùng kháng sinh mạnh, phổ rộng”, vị bác sĩ cho biết… Tình trạng như chị P., theo các chuyên gia y tế là rất phổ biến ở nhiều cơ sở y tế hiện nay và có xu hướng gia tăng.

Nguy cơ kháng thuốc do nhiễm khuẩn bệnh viện.

Nghiên cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho thấy, tình trạng nhiễm trùng vết mổ có nguyên nhân do nhiễm khuẩn bệnh viện thường gặp nhất ở bệnh nhân có kèm viêm phổi (chiếm 45%), tiếp theo là nhiễm khuẩn vết mổ (21%), nhiễm trùng tiểu (13%), nhiễm trùng da (11%), nhiễm trùng huyết (10%). “Ở những bệnh nhân phải phẫu thuật, nguy cơ nhiễm khuẩn cao gấp 2,4 lần so với người được điều trị nội khoa”, tiến sĩ Lê Thị Anh Thư, Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện TPHCM, nhìn nhận. Tình trạng “mất vệ sinh” ở bệnh viện cũng được Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM ghi nhận khi thu thập 33 mẫu không khí tại 13 bệnh viện ở TPHCM thì có đến 26 mẫu cho lượng vi sinh cao hơn mức quy định khoảng 6 lần, hàm lượng vi sinh vật có trong không khí không đạt tiêu chuẩn là 78,8%...

Tình trạng nói trên đã khiến khả năng kháng thuốc, nhất là kháng kháng sinh, xảy ra ở nhiều nhóm bệnh. Một khảo sát của Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho thấy, hơn 93% mẫu đàm của bệnh nhân nằm viện khi phân lập được đều có vi khuẩn đa kháng thuốc, kháng với kháng sinh điều trị. Đáng chú ý là tỷ lệ viêm phổi do thở máy lên tới gần 60%. Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhiễm khuẩn bệnh viện không chỉ làm kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 9,4 đến 24,3 ngày, tăng chi phí điều trị trung bình từ 2 - 32,3 triệu đồng/bệnh nhân, mà còn gây hậu quả về mặt lâm sàng, làm xuất hiện những chủng vi khuẩn đa kháng thuốc. Theo cử nhân Trần Thanh Tuyền (Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Từ Dũ), nhiễm trùng bệnh viện làm tăng khả năng đề kháng của vi khuẩn vì bệnh viện là nơi tập trung sử dụng các kháng sinh trong điều trị đặc biệt đối với các bệnh nặng, do vậy các vi khuẩn có điều kiện tiếp xúc với nhiều loại kháng sinh và các kháng sinh mới.

Không thể lơ là

Không chỉ nhiễm trùng bệnh viện mà ngay việc sử dụng bừa bãi thuốc kháng sinh của người dân hay lạm dụng kháng sinh trong điều trị của y bác sĩ cũng làm tăng khả năng kháng thuốc. Theo Bộ Y tế, thuốc kháng sinh chiếm tỷ lệ lớn trong các nhà thuốc ở nông thôn lẫn thành thị, nhưng hầu hết được bán mà không cần đơn với tỷ lệ rất cao, gần 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn. Trong khi, hiện nay để điều trị bệnh, các bác sĩ không chỉ dùng một mà phải phối hợp nhiều loại kháng sinh. Bộ Y tế cũng xác định, tỷ lệ kháng thuốc ngày càng tăng lên, như vi khuẩn gram âm đã kháng với cephalosporin thế hệ 3 và 4. Thậm chí nhiều chủng vi khuẩn đã kháng nhiều loại kháng sinh, kể cả kháng sinh thế hệ mới. Từ năm 1997, Bộ Y tế đã đưa quy chế chống nhiễm khuẩn vào bệnh viện và xây dựng khoa chống nhiễm khuẩn trong hệ thống tổ chức của bệnh viện. Tuy nhiên, khảo sát gần đây ở hơn 500 bệnh viện ở các tuyến của Cục Quản lý khám chữa bệnh cho thấy có đến 40% bệnh viện chưa có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn. Đội ngũ nhân lực cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn vẫn trong tình trạng vừa thiếu vừa yếu. Số nhân lực trung bình cho khoa kiểm soát nhiễm khuẩn trong một bệnh viện là 5,36 người/100 giường nhưng bệnh viện tuyến thành phố chỉ đáp ứng 3,9 người. Trong khi đó vẫn còn 15,7% bệnh viện tuyến quận - huyện chưa có khoa kiểm soát hay tổ kiểm soát nhiễm khuẩn.

Theo các chuyên gia y tế, các nguyên nhân gây nhiễm trùng bệnh viện chủ yếu do không khí trong môi trường bệnh viện bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng bệnh viện lây lan theo các giọt nhỏ hoặc các hạt bụi lơ lửng trong không khí; do thực hiện nhiều thủ thuật xâm lấn, do dụng cụ y tế, thực phẩm, nước bị nhiễm khuẩn; do sự lây lan từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác... Bên cạnh đó, nguyên nhân từ việc lười rửa tay của nhân viên y tế trước và sau khi chăm sóc bệnh cũng đáng báo động. Theo ghi nhận của Bộ Y tế, có khoảng 30% nhân viên y tế không rửa tay khiến vi khuẩn khu trú, là nguyên nhân trực tiếp khiến vi khuẩn từ người bệnh này truyền sang người bệnh khác qua tiếp xúc.
Trước tình trạng nói trên, Bộ Y tế vừa quyết định thành lập đơn vị Giám sát kháng thuốc quốc gia trực thuộc Bộ Y tế nhằm chỉ đạo, điều hành, triển khai các hoạt động phòng, chống kháng thuốc; kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện…

 Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ nhiễm trùng bệnh viện phản ánh chuyên môn của một bệnh viện, liên quan đến sự an toàn của cả người bệnh và nhân viên y tế. Tỷ lệ nhiễm trùng bệnh viện trên toàn thế giới khoảng từ 3,5% - 10% tổng số người bệnh nhập viện; ở Việt Nam khoảng 6%.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục