Thời tiết lạnh giá ở Bắc cực những ngày này trở nên “nóng” lên khi một tài liệu của Chính phủ Đan Mạch vừa bị rò rỉ cho biết Copenhagen dự kiến sẽ tuyên bố chủ quyền ở thềm lục địa thuộc 5 khu vực xung quanh quần đảo Faroe và đảo Greenland, trong đó có một phần thuộc Bắc cực.
Theo tài liệu Chiến lược Bắc cực của Bộ Ngoại giao Đan Mạch, Bộ Khoa học nước này đã bắt đầu thu thập thông tin và dự kiến sẽ chính thức đưa ra tuyên bố chủ quyền trên tại Ủy ban LHQ về Ranh giới thềm lục địa muộn nhất vào năm 2014. Ngày 17-5, Ngoại trưởng Đan Mạch Lene Espersen, mặc dù từ chối bình luận trực tiếp về thông tin trên, nhưng “mấp mé” rằng việc tuyên bố chủ quyền ở Bắc cực không có gì là mới cả (theo Global Post).
Ý đồ của Đan Mạch “bị lộ” chỉ vài ngày sau hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước gồm Mỹ, Canada, Nga, Na Uy, Phần Lan, Iceland, Thụy Điển, Đan Mạch nhóm họp tại Greenland để thảo luận về nhiều chủ đề quan trọng liên quan đến việc phân chia trách nhiệm và quyền lợi tại Bắc cực - nơi được cho là có 25% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên chưa được phát hiện ở vùng đáy biển.
Ngoài ra, ở khu vực này còn có nhiều mỏ đồng, niken, bạch kim, vàng, kim cương và nhiều kim loại quý hiếm khác… Để được công nhận, Đan Mạch sẽ phải đưa ra bằng chứng để chứng minh Bắc cực liền một dải địa lý với đảo Greenland – một phần lãnh thổ của nước này trong hơn 60 năm qua. Không chỉ có Đan Mạch, trước đó Nga, Na Uy, Canada và Mỹ cũng muốn tuyên bố chủ quyền với khu vực này. Tham vọng của Nga được thể hiện rõ ràng lần đầu tiên năm 2007, với việc Nga cắm lá cờ bằng hợp kim titan siêu bền xuống đáy Bắc Băng Dương.
Sự chú ý đến khu vực này tăng lên đột ngột sau khi các chuyên gia kỹ thuật Nga phân tích mẫu đất đá thu được từ khu vực này để chứng minh rằng địa tầng đáy đại dương ở Bắc cực là phần kéo dài các dãy núi Lomonosov và Mendeleev của Nga. Đến năm 2008, lần đầu tiên trong 30 năm, Canada đã phái các tàu chiến tới Bắc cực. Mỹ cũng thực hiện hoạt động tương tự. Sau đó là Anh và mới đây đại diện cấp cao các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng tỏ ý muốn mở rộng hoạt động ở Bắc cực.
Những hoạt động dọn đường để thôn tính Bắc cực diễn ra dồn dập trong bối cảnh khí hậu toàn cầu ấm lên, trong vòng 20 năm qua khối lượng băng tại Bắc cực đã giảm 20%. Theo dự báo mới nhất của các nhà khoa học Mỹ, đến năm 2016, sẽ có một “Bắc cực mới” không có băng vào mùa hè. Một khi băng tan, việc đi lại, đánh bắt hải sản và thăm dò tài nguyên thiên nhiên trong khu vực sẽ dễ dàng và ít tốn kém hơn hiện nay (do rút ngắn hành trình qua Bắc Băng Dương rất nhiều). Một tuyến đường vận tải nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương có thể sẽ được xây dựng chỉ trong vòng từ 5 năm đến 10 năm.
Song, băng tan cũng sẽ gây ra nhiều hậu quả về môi trường. Thật oái oăm, thay vì coi hiện tượng băng tan ở Bắc cực như một lý do thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu, lãnh đạo các nước vùng cực lại đầu tư vào thiết bị quốc phòng để chiếm lấy nguồn tài nguyên bên dưới. Trong chiến lược của họ tại vùng “Bắc cực mới”, phát triển và bảo vệ môi trường lại là hai mục tiêu hoàn toàn đối lập nhau.
XUÂN HẠNH