
Mỗi lần trở về từ Mỹ, ông David Dương luôn canh cánh một niềm, làm gì để góp sức xây dựng quê hương bằng nghiệp rác cha truyền con nối? Câu chuyện giữa chúng tôi cũng xoay quanh nghiệp rác ấy.
- Thưa ông, nghiệp rác “dính” vào ông từ khi nào?

Ông David Dương.
- Năm 1979, 21 tuổi, tôi theo gia đình sang định cư tại bang Cali, Mỹ. Tiếng Anh còn bập bõm, cả gia đình 16 người chẳng biết làm gì để sống. Ba tôi, hồi còn ở Sài Gòn, từng làm nghề thu gom, xử lý phế liệu và sản xuất giấy. Với con mắt nghề nghiệp, ba tôi phát hiện người dân thường đổ rác ra đường, trong đó, có rất nhiều phế liệu và giấy có thể tái chế.
Ông nghĩ, Việt Nam lúc ấy còn nghèo mà đã có nghề thu gom, xử lý phế liệu thì ở Mỹ, chắc chắn nghề đó cũng phát triển được. Thế là, cả gia đình tôi chia nhau, mỗi người lên một tuyến xe buýt đi tìm xem chỗ nào thu mua phế liệu. Hôm sau, mẹ tôi là người phát hiện ra một kho rác rất lớn.
Tôi nhớ rất rõ, cả gia đình lên chiếc xe buýt số 16 đến nơi đó. Đấy là một nhà máy chuyên thu gom và bán nguyên liệu tái chế. Về nhà, gia đình tôi gom góp được 700 USD và mua một chiếc xe tải nhỏ. Từ đó, ai đi học, đi làm cứ đi, còn ai rảnh thì luân phiên nhau lái xe đi thu gom những phế liệu có thể bán. Sau 2 năm, gia đình chúng tôi đã phát triển lên 9 xe tải. Ba tôi quyết định thuê một cái kho để trữ hàng.
Năm 1983, để công việc tiến triển thuận lợi, chúng tôi mua được một nhà kho lớn và thành lập nhà máy xử lý chất thải. Cũng thời gian đó, thấy nhiều người Việt sang chưa có công ăn việc làm, ba tôi đã hướng dẫn họ mua xe tải, đi thu gom phế liệu và bán cho chúng tôi. Những người không có vốn thì ba tôi cho mượn.
6 năm sau, tại khu vực vùng vịnh San Francisco đã có tới 80 xe tải của người Việt chuyên đi thu gom chất thải với số lượng khoảng 6.000 tấn/tháng. Cũng năm đó, một bước ngoặt lớn đã đến, một công ty chuyên thu gom, xử lý chất thải lớn thứ 4 ở Mỹ đã thương lượng để mua lại nhà máy của gia đình tôi.
Thấy giá tới 3 triệu USD, ba tôi quyết định bán. Không còn nhà máy riêng nhưng tôi được họ mời làm tổng quản lý 6 nhà máy thu gom, xử lý rác làm phân vi sinh. Tới năm 1991, nhận thấy đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm tôi quyết định nghỉ làm. Năm 1992, cùng với 3 thành viên trong gia đình, tôi đứng ra thành lập Công ty California Waste Solutions.
Hiện nay, công ty của tôi có 4 nhà máy phân loại, tái chế rác với công suất xấp xỉ 5.500 tấn/ngày. Tổng doanh thu hàng năm của chúng tôi khoảng 36 triệu USD, trong đó, doanh thu từ rác tái chế khoảng 25 triệu USD. Ngoài dự án tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đang thương lượng với Philippines để đầu tư một dự án trị giá 350 triệu USD trong thời gian 15 năm.
- Vì sao ông nghĩ tới việc xây dựng khu liên hiệp xử lý chất thải rắn tại TP Hồ Chí Minh?

Xe ép rác của Công ty California Waste Solutions.
- Mặc dù xa quê hương nhưng tôi vẫn đều đặn theo dõi tình hình đất nước qua báo chí. Năm 1994, tôi đã đưa một đoàn chuyên viên về khảo sát tại Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi đó, vấn đề môi trường chưa được các cơ quan chức năng quan tâm nhiều. Đến năm 2003, đoàn UBND TP Hồ Chí Minh do Phó Chủ tịch Mai Quốc Bình dẫn đầu sang Mỹ đã thăm công ty tôi. Đoàn có nhã ý mời chúng tôi về đầu tư tại TP Hồ Chí Minh. Từ đó, tôi quyết định thực hiện một dự án lớn nhằm giải quyết vấn đề môi trường cho quê hương mình.
- Lúc đó ông có nghiên cứu công nghệ xử lý rác ở Việt Nam?
- Theo tôi biết, thời điểm đó, đã có một số doanh nghiệp Việt Nam phân loại rác hữu cơ để làm phân vi sinh. Tuy nhiên, phần lớn vẫn xử lý rác bằng cách đem chôn. Việc này đòi hỏi kỹ thuật cao và tiên tiến, nếu không thực hiện đúng tầm sẽ gây tốn kém và nguy cơ làm tổn hại môi trường cao. Những đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh cần phải có khu liên hợp xử lý chất thải rắn khép kín.
- Dự án xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải của ông trị giá tới 400 triệu USD, ông có quá phiêu lưu?
- Tôi đã nghiên cứu kỹ về môi trường đầu tư tại Việt Nam trong những năm qua. Các chính sách, luật, cơ sở hạ tầng đã thay đổi nhiều theo hướng mở cửa, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là mối quan hệ cấp cao Việt- Mỹ đang được đẩy lên một tầm cao mới, đó là những tín hiệu tốt đối với chúng tôi.
- Khi thực hiện dự án, ông có xét tới hiệu quả kinh tế?
- Làm kinh doanh, ai chẳng nghĩ tới hiệu quả kinh tế nhưng tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nên khi thực hiện dự án, tôi đặt lợi nhuận xuống hàng thứ yếu.
- Thưa ông, dự án sẽ được triển khai như thế nào?
- Theo kế hoạch, trong tháng sau, chúng tôi sẽ nhận được giấy phép chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, được sự cho phép của TP Hồ Chí Minh, ngày 16-7 vừa qua, chúng tôi đã làm lễ động thổ xây dựng cây cầu dẫn vào phục vụ khu vực xây dựng dự án Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước. Chính quyền thành phố cũng đã phê duyệt dự án trên diện tích 128 ha.
Mỗi ngày, khu xử lý rác của chúng tôi sẽ “ngốn” hơn nửa lượng rác của thành phố (khoảng 5.000 tấn rác/ngày). Đặc biệt, bãi chôn lấp được thiết kế theo công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ theo quy trình khép kín. Hầu hết rác thải sẽ được xử lý thành phân bón hay nguyên liệu tái chế, phần rác còn lại sẽ được chôn lấp trong bãi chôn hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường theo công nghệ Hoa Kỳ.
- Xin cảm ơn ông!
Huy Quân (thực hiện)
Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước sẽ gồm một nhà máy phân loại rác, tái sinh tái chế, một nhà máy sản xuất phân vi sinh compost và bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh. Các nhà máy này sẽ hoạt động đồng bộ nhằm giảm thiểu khối lượng rác thải phải chôn lấp. Có thể hình dung quy trình hoạt động của khu liên hợp này như sau: trước tiên, rác đi qua nhà máy phân loại, được tách lọc những vật liệu có thể tái chế được như nhựa, bao nylon, kim loại, giấy (trong tương lai, những vật liệu này sẽ được tái chế thành vật liệu xây dựng). Các chất hữu cơ trong rác thải sau đó sẽ được tách ra để sản xuất phân bón. Các chất còn lại sẽ được đem chôn tại bãi chôn lấp. Khu liên hợp có khả năng xử lý tối thiểu 3.000 tấn rác/ngày. |