Ngày 11-1, Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2012, đã diễn ra tại TPHCM dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM kiêm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai (UBBVMT LVSĐN). Theo đó, sau 5 năm kể từ khi Chính phủ quyết định thành lập UBBVMT LVSĐN, hiện trạng môi trường sông Đồng Nai vẫn chưa được cải thiện.
8 yếu tố ô nhiễm nguồn nước
Ông Nguyễn Hoài Đức, Phó Chánh văn phòng UBBVMT LVSĐN, cho biết, thực tế nguồn nước sông Đồng Nai vẫn bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tại những đoạn sông hoặc nhánh sông có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất hoặc dân cư đông thì mức độ ô nhiễm cục bộ cao hơn. Khu vực hạ nguồn ô nhiễm nặng hơn phía thượng nguồn.
8 yếu tố dẫn đến thực trạng trên chính là nguồn nước sạch phục vụ hoạt động sản xuất, sinh hoạt, nông nghiệp không đồng đều giữa các tỉnh thành; nước thải sinh hoạt tại khu vực đô thị chưa được thu gom xử lý triệt để; tồn tại lượng lớn nước thải sản xuất chưa qua xử lý thải thẳng ra sông; chất thải rắn sinh hoạt, y tế, công nghiệp chưa được thu gom, xử lý và số nhiều vẫn bị vứt ra sông; tình trạng đã và đang khai thác khoáng sản phía thượng nguồn có chiều hướng tác động rất xấu đến chất lượng nguồn nước; diện tích rừng giảm mạnh do các địa phương ưu tiên phát triển kinh tế; diện tích rừng ngập mặn ven biển đang suy giảm nghiêm trọng và cuối cùng sự đa dạng sinh học đang suy kiệt.
Lý giải hoạt động của UBBVMT LVSĐN chưa hiệu quả khiến nguồn nước sông chưa cải thiện, ông Đức cho biết, UBBVMT LVSĐN được thành lập và hoạt động dựa trên sự đồng thuận của 11 tỉnh thành, do vậy tính pháp lý không cao, không có nguồn lực để điều phối giữa các địa phương. Đã vậy, giữa 11 tỉnh, thành phố dọc lưu vực sông cũng không đồng bộ trong việc giải quyết các vấn đề môi trường một cách tổng thể.
Về kinh phí, với sông Đồng Nai kinh phí hàng năm được phê duyệt rất lớn, gần 2.000 tỷ đồng, nhưng do vướng Luật Ngân sách nên không được cấp để thực hiện. Riêng nguồn kinh phí trích từ địa phương cũng không đồng bộ. Một số địa phương vẫn còn tâm lý trông chờ vào các nguồn kinh phí hỗ trợ từ trung ương... Điều này dẫn đến hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng để cải thiện chất lượng nước sông Đồng Nai không thể triển khai. Tuy nhiên, điều đáng nói các thành viên ủy ban là lãnh đạo của bộ ngành, địa phương hoạt động kiêm nhiệm nên việc chấp hành quy chế làm việc chưa đảm bảo…
Kỳ vọng ở nhiệm kỳ mới
Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, bức xúc, việc giải quyết ô nhiễm môi trường sông Đồng Nai, đoạn chảy qua địa phận tỉnh Long An từ trước đến nay vẫn do tỉnh tự làm mà không có bất kỳ vai trò tham gia nào của UBBVMT LVSĐN. Ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhấn mạnh thêm, ô nhiễm môi trường xảy ra từng giờ nhưng đã 5 năm qua, vai trò của ủy ban vẫn chưa được xác định rõ. Tình trạng nếu tiếp tục kéo dài, đến lúc chất lượng nước sông Đồng Nai không thể cải thiện được thì đời sống của 20 triệu người dân dọc sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, kinh tế khó khăn khiến việc cấp ngân sách các dự án đầu tư nói chung và dự án cải thiện môi trường nói riêng gặp nhiều khó khăn. Do vậy, trước hết, bộ yêu cầu các tỉnh thành sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí 1% ngân sách cấp lại cho địa phương để đầu tư cải thiện môi trường. Ngoài ra, tranh thủ thêm nguồn kinh phí xã hội hóa.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết, hiện chi phí đầu tư hạ tầng xử lý môi trường rất lớn, nên với 1% ngân sách để đầu tư cho môi trường thì không thấm vào đâu. Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN-MT, Phó Chủ tịch UBBVMT LVSĐN, hứa sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ sớm giải quyết những vướng mắc về kinh phí, tạo điều kiện hỗ trợ chi phí để cải thiện chất lượng nước sông Đồng Nai. Đồng thời, xem xét lại những tồn tại trong hoạt động quản lý của UBBVMT LVSĐN. Kết thúc hội nghị, đại biểu tham dự đã thống nhất đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đảm nhiệm chức chủ tịch UBBVMT LVSĐN nhiệm kỳ 2, giai đoạn 2013 - 2017, với kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ cải thiện chất lượng môi trường sông Đồng Nai.
A.VÂN