(SGGP).- Ngày 7-9, Ban Kinh tế ngân sách Hội đồng nhân dân TPHCM đã có buổi tiếp xúc với người dân 3 xã lân cận Khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
Bà Huỳnh Thị Kim Xuyến, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bình Chánh cho biết, trong khu vực gồm khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân và KCN Lê Minh Xuân, nhưng quận chỉ quản lý kiểm tra được cụm công nghiệp, còn KCN do Ban quản lý KCN và KCX (Hepza) quản lý. Thống kê cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực do huyện quản lý vẫn nghiêm trọng: 2 đơn vị chưa có hệ thống xử lý nước thải; 11 đơn vị chỉ có hệ thống xử lý sơ bộ và 8 đơn vị chưa có hệ thống xử lý khí thải, 2 đơn vị có hệ thống xử lý khí thải nhưng không vận hành thường xuyên, xả khói gây ô nhiễm môi trường vào ban đêm. Ngoài ra, còn một nguồn gây ô nhiễm khác xuất phát từ thượng nguồn đó là nước thải từ các nhà máy thuộc huyện Hóc Môn, Củ Chi (như tại bãi rác Đông Thạnh, KCN Tây Bắc Củ Chi) tuôn thẳng ra kênh Thầy Cai - An Hạ, dẫn đến nguồn nước tại nơi tiếp giáp là xã Phạm Văn Hai đen ngòm, hôi thối.
Nhiều người dân cho biết, khi có đoàn kiểm tra thì các doanh nghiệp đối phó bằng cách hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hoạt động nên không phát hiện được hành vi xả thải ra môi trường. Đặc biệt một số cơ sở xả thải vào ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc khi có nước lớn.
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, trên địa bàn huyện có 18 tuyến kênh ô nhiễm nhẹ, 7 tuyến kênh ô nhiễm nặng do nguồn thải từ thượng nguồn đổ về và từ KCN xả ra. Do lực lượng chức năng của huyện không vào được KCN nên không thể kiểm tra đột xuất, thậm chí mới đây khi kiểm tra Nhà máy thuốc lá Sài Gòn cũng không được cho vào!
Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng Nhân dân thành phố nhận xét, so với trước đây thì nay phát sinh thêm bụi, khí thải. Ông đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường cần tích cực hơn, kể cả trong việc xử lý nước thải đầu nguồn.
Kết thúc buổi làm việc, đoàn đại biểu đi kiểm tra tình hình ô nhiễm trên địa bàn.
L.Thiện