Giải thưởng “Doanh nghiệp xanh”

Tiếp sức doanh nghiệp khi hội nhập

Tiếp sức doanh nghiệp khi hội nhập

Bảo vệ môi trường là một trong những yêu cầu hàng đầu nhằm bảo vệ chất lượng cuộc sống của người dân cũng như tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi Việt Nam hội nhập quốc tế. Sự quan tâm của các doanh nghiệp và của bạn đọc trong buổi họp báo hôm qua, 31-10, về giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” đã đặt ra nhiều câu hỏi để chúng tôi chuyển lên bàn của ông Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban chỉ đạo giải thưởng “Doanh nghiệp xanh”.

- Phóng viên:
Xin ông cho biết việc phát động giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” có ý nghĩa như thế nào?

Tiếp sức doanh nghiệp khi hội nhập ảnh 1

- Phó Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN VĂN ĐUA: Thành phố chúng ta có khả năng phát triển kinh tế nhanh nhưng phải bền vững. Nếu chỉ nghiêng về tăng trưởng mà không có giải pháp căn cơ, đồng bộ thì sẽ kéo theo hậu quả nghiêm trọng: ô nhiễm môi trường. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Thời gian qua, thành phố có nhiều nỗ lực trong triển khai để Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống, nhưng còn nhiều hạn chế. Điều dễ thấy là doanh nghiệp chỉ thực hiện các biện pháp có tính hình thức, khi có đoàn kiểm tra đến thì vận hành hệ thống xử lý nước thải, khi đoàn kiểm tra về thì ngưng hoạt động, chưa tự giác chấp hành luật. Thành phố cũng đã chú ý, kiên trì nâng cao nhận thức cộng đồng, kêu gọi cộng đồng cùng các cấp quản lý nhà nước tham gia giám sát việc bảo vệ môi trường, mọi người có ý thức, hành động giữ gìn thành phố xanh, sạch, đẹp nhưng chưa thu hút được đại bộ phận người dân tham gia. Giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” góp phần tìm lời giải cho cả 2 bài toán khó trên.

- Tại sao việc tổ chức giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” lại có thể giải quyết được cả 2 nhiệm vụ: vừa buộc doanh nghiệp thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường, vừa nâng cao nhận thức cộng đồng?

- Trước khi ban chỉ đạo quyết định trao giải cho các doanh nghiệp được chọn, Báo Sài Gòn Giải Phóng sẽ đăng công khai các đơn vị được chọn trao giải, yếu tố được lựa chọn để lấy ý kiến độc giả và đăng liên tục trong một tháng. Trường hợp có doanh nghiệp bị người dân khiếu nại thì hội đồng xét chọn sẽ đến làm việc trực tiếp với người dân tại khu vực doanh nghiệp sản xuất để lắng nghe, tìm hiểu để có căn cứ quyết định. Mặt khác, trong thời hạn 3 năm kể từ khi đoạt giải, doanh nghiệp phải cam kết là không vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Nếu không chấp hành, bị người dân khiếu kiện và có bằng chứng chứng minh doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường thì ban chỉ đạo giải thưởng có quyền rút lại giải thưởng đã trao và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Giấy chứng nhận “Doanh nghiệp xanh” có phải là giá trị vĩnh viễn? Một đơn vị được giải này sẽ được sử dụng logo trong bao lâu?

- Trong thử thách hiện nay, chứng nhận “Doanh nghiệp xanh” không có giá trị vĩnh viễn, mà chỉ có giá trị trong thời hạn 3 năm. Sau 3 năm, doanh nghiệp phải đăng ký lại tại ban tổ chức để được xét chọn. Những gì doanh nghiệp thực hiện trong thực tiễn sẽ là cơ sở để xem xét còn đủ tư cách xứng đáng với giải thưởng hay không. Theo đó, một đơn vị được công nhận “Doanh nghiệp xanh” sẽ được sử dụng logo của giải trong 3 năm. Ngoài ra, tiêu chí của giải thưởng sẽ được thay đổi ở từng giai đoạn theo hướng đòi hỏi cao hơn để phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển kinh tế, xã hội của mỗi giai đoạn.

- Cơ quan nào sẽ cấp giấy chứng nhận đoạt giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” cho các doanh nghiệp?

- UBND TPHCM sẽ cấp giấy chứng nhận “Doanh nghiệp xanh” cho các doanh nghiệp đoạt giải thưởng lần này.

- Một giải thưởng, điều quan trọng nhất là chất lượng, tính chính xác của các doanh nghiệp được tôn vinh. Giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” sẽ trao thưởng chính xác?

- Tôi tin chắc đây là một giải thưởng chất lượng và có tính chính xác cao. Bởi lẽ, chưa bao giờ một giải thưởng về môi trường của chúng ta lại có thể quy tụ các chuyên gia đầu ngành và các cơ quan chức năng nhiều như vậy. Thành phần hội đồng xét chọn giải thưởng là các nhà khoa học, chuyên gia về công nghệ, môi trường của Bộ Tài nguyên-Môi trường, viện, trường đại học và các cơ quan chức năng liên quan. Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM sẽ là đơn vị chủ trì hội đồng này. Đồng thời, doanh nghiệp đoạt giải còn là sự công nhận của cộng đồng thông qua hình thức công báo và lấy ý kiến trên Báo Sài Gòn Giải Phóng. Với sự đóng góp từ nhân dân, chúng tôi tin rằng giải thưởng có những giám khảo công tâm nhất.

- Có nhiều ý kiến cho rằng chỉ còn 2 tháng nữa là đến thời hạn trao giải thưởng, vậy có quá gấp rút?

- Đúng là chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm, tuy nhiên việc chuẩn bị đã được thực hiện hơn một quý rồi nên đã đủ thời gian để xem xét. Bình chọn và tôn vinh các doanh nghiệp xanh là việc cần thiết vì bảo vệ môi trường là việc không chờ đợi ai. Tuy nhiên, cũng xin nhấn mạnh rằng, giải thưởng sẽ được tiếp tục duy trì hàng năm. Những doanh nghiệp nào chưa đạt năm nay thì có thể cố gắng hoàn thiện mình để có thể đoạt giải vào năm sau.

Một trong những điều tạo nên sức mạnh, làm tăng năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, từng sản phẩm hàng hóa trong hội nhập là bảo vệ môi trường. Giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” sẽ tiếp sức cho doanh nghiệp để thực hiện hóa sức mạnh nội tại ấy. Sức sống của giải thưởng gắn liền với ý chí, hành động mạnh mẽ, quyết liệt của từng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chúng ta. 

ÁI VÂN – HỒ XUNG

Thông tin liên quan

Tổ chức giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” lần thứ nhất 

Tin cùng chuyên mục